Sinh viên mất cơ hội vì thiếu kỹ năng

Sinh viên còn thiếu và yếu kỹ năng mềm là vấn đề không mới nhưng vẫn làm đau đầu nhiều nhà tuyển dụng. Những cảnh báo về thực trạng này đã có nhưng làm sao để lấp khoảng trống đó lại là chuyện không dễ.

Trong buổi trao học bổng của Công ty Ernst & Young và ACCA mới đây dành cho SV ngành kế toán - kiểm toán Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM, dù dành ra 10 suất học bổng nhưng lãnh đạo 2 đơn vị này cho biết qua các vòng thi và phỏng vấn, chỉ có 4/60 sinh viên (SV) đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng. Lý do chính là rất nhiều SV vượt qua vòng thi kiến thức chuyên môn nhưng không qua được vòng phỏng vấn vì thụ động và thiếu tự tin.

Bà Hoàng Thị Mộng Liên, Giám đốc nhân sự Ernst & Young, cho biết: Khi được nhà tuyển dụng phỏng vấn, SV phải coi mình như sản phẩm, phải làm sao để “bán” được mình. Những SV được trao học bổng không phải là người có điểm cao nhất, cũng không phải giỏi tiếng Anh nhất mà là những người năng động, có kỹ năng giao tiếp, đam mê nghề nghiệp và có đạo đức.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng đại diện ACCA tại Việt Nam, cho biết đối với những hiệp hội nghề nghiệp uy tín trên thế giới, yêu cầu về kỹ năng mềm ở SV là bắt buộc, có hẳn chương trình học và phải hoàn thành mới được công nhận tốt nghiệp và hành nghề. Văn bằng ACCA yêu cầu SV trong 3 môn phải có 1 môn kỹ năng mềm, khi kết thúc phải có 1 bài kiểm tra để xem có đủ tố chất và thái độ đảm nhận công việc hay không.

Bà Liên bức xúc cho rằng bất cứ ngành nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là những ngành nghề liên quan đến tài chính. Bà kể: “Trong những lần ra đề thi hoặc phỏng vấn tuyển dụng, trong nhiều năm, tôi chỉ hỏi 1 câu đơn giản là “SV nghĩ gì về đạo đức” nhưng chưa khi nào nhận được câu trả lời ưng ý.

Hầu hết các bạn cho rằng đạo đức chỉ đơn giản là thật thà, không quay cóp. Điều tôi muốn nói là các bạn phải biết chịu trách nhiệm với chữ ký, hành vi của mình”. Bà Liên cho biết rất bức xúc trước nhiều trường hợp SV đã đặt bút ký hợp đồng nhưng hôm sau quay lại để xin nghỉ, nhiều khi chỉ với lý do như muốn đến nơi khác làm việc vì ở đó có bạn sẽ vui hơn.

Việc SV yếu kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm đã ở mức báo động, đến nỗi mới đây, trong một hội thảo do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức, ông M.Yamashita, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, phải thốt lên: “Có thể những phát biểu của tôi khiến nhiều người không muốn nghe nhưng tôi muốn nói lên sự thật...”.

Thực tế, nhiều trường ĐH cũng đã chú trọng việc đào tạo kỹ năng mềm cho SV nhưng trong đó, không ít trường chỉ mang tính đối phó hoặc chỉ dành cho SV năm cuối, như vậy là quá muộn.

Theo Người Lao Động