Sinh viên ra trường, đâu là nơi “dụng võ”?

Tốt nghiệp ra trường, có việc làm ngay là điều mà sinh viên nào cũng mơ ước. Nhưng làm việc ở đâu, có đúng chuyên ngành không? Đó là cả một câu chuyện dài...

Hiện tượng ra trường thất nghiệp là mối lo lắng từ nhiều năm nay của SV Việt Nam. Bích Ngọc, SV năm thứ 3 khoa Văn, trường ĐH Văn Hiến, tâm sự: “Chỉ còn một năm nữa là ra trường rồi, không biết có kiếm được việc hay không. Thực trạng SV ra trường thất nghiệp hàng loạt khiến mình và nhiều bạn khác rất băn khoăn”.

 

Đó không chỉ là nỗi niềm của riêng Ngọc mà cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều bạn trẻ. Khi bước vào cuộc sống SV, mọi người đều háo hức miệt mài nỗ lực học tập để có được tấm bằng. Song có bằng rồi, các tân cử nhân lại lao vào con đường tìm việc gian nan. Có được việc làm đã khó, chưa nói đến việc làm đúng chuyên ngành được học.

 

Rất nhiều SV tỉnh lẻ mơ ước sau khi ra trường có thể tìm kiếm một công việc ổn định để trụ lại thành phố. Nhưng cuộc sống quá bon chen nơi phố phường thực ra không phải là “miền đất hứa”. Các bạn trẻ quên rằng một công việc tốt giúp ích cho quê hương đáng giá hơn gấp nhiều lần một việc làm “giời ơi” trên thành phố.

 

Huy Tuấn – SV năm cuối ĐH Luật TPHCM lo lắng: “Sắp ra trường rồi, nhưng mình chưa biết phải làm thế nào. Mình muốn ở lại Sài Gòn làm việc nhưng kiếm được một chân trong văn phòng luật rất khó. Người quen thì không có để nhờ vả. Còn về quê thì biết bao giờ mới “ngẩng mặt” lên được”.

 

Hoàng, một cựu SV Sư phạm, thú nhận: “Ra trường đã hơn một năm, ba mẹ giục về quê làm mà không nghe. Cố bám trụ lại thành phố mà thấy nản quá, cứ nghĩ sẽ làm được điều gì đó ở chốn Sài thành, ngờ đâu… Có lẽ phải về quê thật”. Cái “ngờ đâu” của Hoàng chính là chuyện hàng tháng anh vẫn phải ra bưu điện nhận “viện trợ” của ba mẹ gửi dưới quê lên để hỗ trợ cho con… đi làm nơi thành phố.

 

Không khác gì Hoàng, Tùng, cựu SV ĐH Công nghiệp TPHCM cũng sôi sục ý chí bám trụ thành phố lập nghiệp với hy vọng được “đổi đời” nhờ tấm bằng tốt nghiệp loại khá. Giờ đây, sau hơn 1 năm ra trường, anh vẫn là chân trông cửa hàng Internet thuê tại quận 9.

 

Trong số những SV đang cố bám trụ ở thành phố ấy, đã có những người nhận ra giá trị của quê hương. Như Hà, sau hai năm bươn chải ở thành phố với đủ thứ nghề, anh đã quyết định trở về quê để nhận một công việc rất ổn định, dù mức lương không cao. Nhớ lại hồi vất vả trên thành thị, Hà nói: “Chẳng biết tương lai thế nào nhưng hiện tại cũng tạm ổn. Nhớ hồi ở thành phố, cuộc sống căng thẳng và mệt mỏi quá. Đã không được làm đúng ngành, lương lại thấp, trăm thứ phải chi tiêu, nhiều khi thấy khổ hơn thời SV”.

 

Trong khi nhiều SV ngoại tỉnh quyết tâm phải bám trụ lại thành phố thì lại có một bộ phận SV thành phố lại tình nguyện đến những nơi vùng sâu vùng xa công tác. Họ là những thanh niên thời đại, năng động, nhiệt tình. Nhưng điều quan trọng, họ đã hiểu ra đâu mới là “đất dụng võ” của mình, đâu mới là nơi khẳng định giá trị thật của mình.

 

Tất nhiên, có một công việc tốt ở thành phố, tại sao lại phải chối từ? Song điều trước tiên, hãy chọn “điểm đứng” phù hợp với khả năng của mình. Để SV ra trường không còn lo mối lo thất nghiệp.

 

Theo Nguyên Hải

 GD&ĐT