“Sinh viên số” giải oan cho công nghệ

(Dân trí) - Một cuộc hội thảo mới đây cho rằng, học sinh sinh viên thời kĩ thuật số tiếp xúc với công nghệ để chơi là chủ yếu. Nhiều người đã lên tiếng giải oan cho việc “số hóa”.

“Sinh viên số” giải oan cho công nghệ - 1

Internet với rất nhiều tiện ích nên nhiều sinh viên “nghiện” và dần quên mất thói quen đi thư viện đọc sách (Ảnh minh họa)

Sớm bị “số hóa”

Theo một số chuyên gia tại hội thảo “Hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật với công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo ở đại học” do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) vừa tổ chức, hiện có một thế hệ học sinh, sinh viên rất khác, đó là những người có điều kiện tiếp xúc với công nghệ (internet, email, mạng xã hội, Ipad, Iphone...) từ rất sớm.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Kĩ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều em chưa học lớp 1 đã thành thạo máy tính bảng, smart phone, biết tìm kiếm trên Google trên máy tính...

Điều đáng ngại mà theo nhiều chuyên gia và sinh viên Đại học đưa ra, thế hệ “sinh viên số” này đang dành nhiều thời gian vào Internet nhưng không phải để học mà chỉ thiên về giải trí.

Minh Phương, SV năm cuối Khoa Kinh tế (trường ĐH Nguyễn Tất Thành- TP Hồ Chí Minh) cho biết, em thấy nhiều bạn sinh viên đơn thuần chỉ tiếp cận với Internet chủ yếu là tán gẫu, chơi games, giải trí...

Trong khi đó, thế giới công nghệ lại khôn ngoan, lưu giữ người xem bằng rất nhiều cách thức. Vì thế, các nhà sản xuất thường có nhiều ứng dụng để đưa người xem đi hết trang mạng này đến trang mạng khác nên nhiều học sinh, sinh viên rất mất thời gian để chơi. Vì sự lôi cuốn và hấp dẫn này, nhiều em không màng đến học tập.

Sinh viên Nguyễn Thị Hiền (Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội) cũng cho rằng, hiện nhiều bạn trong lớp em chỉ “cắm mặt” vào smartphone, vào facebook và không thèm để ý đến xung quanh. Thậm chí nhiều học sinh dường như không tồn tại trong lớp vì đắm đuối “sống ảo” trên mạng xã hội.

Đặc biệt, với những người sinh ra ở Hà Nội như em, ngay từ cấp 1, nhiều gia đình đã trang bị cho con cái điện thoại, máy tính bảng... khiến các em sớm bị “số hóa”, mọi hoạt động đều lệ thuộc vào công nghệ.

ThS Lê Minh Công, (Phó chủ nhiệm Khoa Tâm lý học- Trường ĐHKHXHNV TP Hồ Chí Minh, Tổng Thư kí Hội Tâm lý Giáo dục Đồng Nai) cho biết, hiện ngay 100% sinh viên ở các trường đều tiếp cận và sử dụng Internet.

Một nghiên cứu về tình trạng nghiên Internet của thanh thiếu niên do ông chủ trì thực hiện cách đây vài năm cho thấy, có khoảng 14-15% học sinh sinh viên nghiện Internet. Số liệu trên, theo Ths Công, được nghiên cứu ở tất cả các trường cấp 2, cấp 3 và sinh viên ĐH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2013.

“Chính vì Internet với rất nhiều tiện ích nên họ “nghiện” và dần quên mất thói quen đi thư viện đọc sách, không cần phải tra từ điển bởi mọi thứ đều đầy đủ trên google. Họ có thể ngồi một nơi và học một thầy giỏi nào đó mà không cần đến tận lớp...”, Ths Công nói.

Đừng “đánh đồng” tất cả

Cũng theo Ths Công, trong số những học sinh, sinh viên “nghiện” Internet, có rất ít em sử dụng để học tập. Con số này chỉ chiếm khoảng 30-40% số em được khảo sát. Còn lại, chủ yếu các em vào mạng Internet để chat, vào mạng xã hội, chơi games, đọc tin tức và thậm chí là xem phim sex...

Tuy nhiên, một số “sinh viên số” cho biết, công nghệ đúng là luôn có tính hai mặt nếu không biết cách kiểm soát được hành động của bản thân mình.

Theo SV Nguyễn Thị Hiền, đừng “đánh đồng” tất cả các sinh viên lên mạng là chỉ để chơi. Các trang mạng rất có ích với chúng em trong học tập. Từ khi đang học ĐH, em và nhiều bạn thường kết nối học nhóm, giao lưu, giải đề và chia sẻ bài vở qua Internet.

Khi vào ĐH, các em tìm được các trang web học ngoại ngữ rất hay, tìm được nhiều bài vở có ích. Ở trường em, có chương trình học Tiếng Anh cộng đồng, em nghĩ nếu không có mạng Internet, không có email, sẽ rất khó để việc học đến được từng sinh viên.

Đặc biệt, để bắt kịp với trình độ của sinh viên, Hiền cho biết, đội ngũ giáo viên ở trường em cũng cập nhật công nghệ không kém các bạn trẻ. Giảng viên đã đưa bài giảng đến sinh viên bằng công nghệ , giao tiếp, trao đổi thông tin trên mạng xã hội bằng phong cách thật xì tin cho hợp với sinh viên.

Môi trường trực tuyến và cổng thông tin điện tử của nhà trường cũng giúp các em cập nhật được tin tức một cách nhanh nhất.

Sinh viên Phan Văn Đ (hiện đang theo học một trường An ninh trên địa bàn Hà Nội) cũng nhận xét, sinh viên tiếp cận với công nghệ luôn có hai mặt trái ngược nhau. Một mặt, nó giúp người xem học tập và công tác nếu biết tận dụng mặt tích cực của nó.

Tuy nhiên, với một số người thiếu tính lành mạnh, tác hại của công nghệ là rất lớn, thậm chí đẩy họ đến nhiều hành động thiếu lành mạnh, trái phong tục tập quán của người Việt.

Đối với em và một số bạn khác, công nghệ và Internet giúp các em kết nối với nhau. Thậm chí, trường chúng em sắp sửa cho sinh viên dùng máy tính xách tay, đấy là một trong những động thái giúp các em tiếp cận gần hơn nữa với công nghệ để ứng dụng trong học tập.

Về điều này, Ths Công cũng chia sẻ, khoa của ông có 15 giáo viên. Ở đâu thì không biết nhưng riêng khoa ông, các đồng nghiệp đã ứng dụng công nghệ để dạy học và tích hợp với bài giảng rất tốt. Thậm chí, ông cũng chứng kiến nhiều Giáo sư ở tuổi 70 vẫn cố gắng làm mới mình, tay lướt web vèo vèo để xem lại bài giảng. Đấy là một trong những tiện ích mà công nghệ đã mang lại cho người dạy và học.

Quốc Huy