Sinh viên sư phạm lo ngay ngáy nếu bỏ quy định miễn học phí

(Dân trí) - Trước những đề xuất nên bỏ quy định miễn học phí với sinh viên trường sư phạm đã khiến nhiều sinh viên nghèo lo ngay ngáy vì như vậy con đường học đại học sẽ rất gian nan.

Sinh viên sư phạm lo ngay ngáy nếu bỏ quy định miễn học phí - 1

Sinh viên Lầu A Só

Sinh viên Lầu A Só (xã biên giới Na Tông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên):Nếu không miễn học phí, em đã không vào đại học”

Năm nay, Lầu A Só làm sinh viên năm nhất của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Với số điểm 21, em là người có điểm cao nhất trong kì thi THPT Quốc gia năm nay của Trường THPT Mường Nhà, huyện Điện Biên.

Chia sẻ với chúng tôi, Só ngập ngừng bằng giọng Mông chưa sõi. Em cho biết, mình ở xã biên giới. Bố mẹ em làm nương quanh năm chỉ đủ ăn nên không có tiền cho con đi học.

Sau khi kì thi THPT Quốc gia kết thúc, bố mẹ bảo em nên ở nhà thôi. Lúc đó em thích một ngành công tác xã hội nào đó để được đi nhiều nơi, được giúp đỡ nhiều người. Thế nhưng bố mẹ bảo không có tiền để học.

Em buồn quá, cứ nghĩ giấc mơ vào ĐH đã chấm dứt ở đây. Em đến tâm sự với cô giáo dạy Văn. Cô khuyên em nên vào ĐH Sư phạm vì không phải mất tiền học phí. Nhờ thế, em mới có cơ hội để vào ĐH.

Hôm tiễn em về Hà Nội, thầy cô, bạn bè và gia đình đều rất vui vì từ trước đến nay, họ hàng nhà Só chỉ có người học đến tầm lớp 9 là bỏ. Để có tiền cho con, bố Só đi vay chú họ được 3 triệu đồng.

Só ở KTX, ăn cơm bụi mỗi bữa 15.000đ. “Ở nhà em ăn cơm nguội buổi sáng để đi làm nương hoặc đi học nhưng ở đây, em ăn ngày 2 bữa thôi. Em nghĩ mình không kiếm được đồng nào nên phải tiết kiệm để đỡ tiền cho bố mẹ”, Só ứa nước mắt nói.

Em chia sẻ, mình đang có ý định tìm việc làm thêm. Tuy nhiên, do mới về Hà Nội được vài tháng, đường đi lối lại chưa rành nên Só tính tìm việc gần trường để làm và học thêm tiếng Anh. Ước mơ của Só sau khi tốt nghiệp là sẽ xin về dạy ở trường gần nhà.

Sinh viên sư phạm lo ngay ngáy nếu bỏ quy định miễn học phí - 2

Sinh viên Dương Thị Oanh (áo xanh)

Sinh viên Dương Thị Oanh- Bí thư Lớp K65B, ĐHSư phạm Hà Nội: “Nên thắt chặt quản lý đầu vào”

Chị gái em hiện đang là sinh viên năm 4 của Trường ĐHSP Hà Nội. Ngay từ đầu, em đã rất thích ngành này. Cùng với sự định hướng của bố mẹ nữa nên em quyết tâm học sư phạm.

Hiện bố mẹ em đang kinh doanh ở Sóc Sơn, Hà Nội nên học phí không phải gánh nặng khiến em phải vào trường này. Tuy nhiên, từ bé em đã mơ ước làm giáo viên. Đó là lý do thôi thúc em vào sư phạm dù em có thể chọn một trường khác.

Hiện, lớp em có 5% học sinh thuộc diện nghèo. Vì thế em nghĩ, việc miễn học phí có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ các bạn chi tiêu trong cuộc sống.

Thí dụ như với chị em em, mỗi tháng bố mẹ cho em 2 triệu đồng để chi tiêu lặt vặt, thuê nhà, mua sách vở... Nếu các bạn phải đóng học phí, số tiền gia đình cung cấp phải tăng lên khoảng 4-5 triệu đồng, tùy mức học phí cao- thấp của từng trường.

Vì vậy, em cho rằng cần hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm nhưng nên theo cách cho vay vốn ưu đãi. Sau đó, nếu ai không công tác trong ngành giáo dục thì phải hoàn trả lại số tiền này.

Phương thức này vừa kiểm soát đầu vào với những người không yêu nghề nhưng vẫn đảm bảo được chính sách ưu tiên cho người làm giáo dục.

Sinh viên sư phạm lo ngay ngáy nếu bỏ quy định miễn học phí - 3

Sinh viên Thèn Thị Thu Thảo

Sinh viên Thèn Thị Thu Thảo, lớp trưởng Lớp K65B, Khoa Lý luận Chính trị Giáo dục công dân: “Em lo không tìm được việc làm”

Em là người dân tộc Dáy ở Lào Cai. Với số điểm 26,75, em có thể vào một ngành nghề nào đó khả năng kiếm được nhiều tiền.

Tuy nhiên, trong gia đình em, kể cả họ hàng, chú bác đều rất nhiều người là giáo viên nên ngay từ đầu, em đã quyết tâm phải vào được ĐHSP chứ không phải vì vấn đề được miễn học phí.

Thế nhưng, mấy hôm nay em có theo dõi thông tin trên báo chí về việc nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm nữa hay không?

Cũng như rất nhiều bạn khác, chúng em vẫn tha thiết mong muốn được miễn học phí vì hiện nay, nhiều bạn thích các ngành nghề “thời thượng” như Ngoại thương, Kinh tế.

Nhờ chính sách ưu đãi học phí, sẽ thu hút được các bạn học tốt nhưng không có điều kiện vào ngành nghề khác.

Tuy nhiên, nếu cứ đà này, em sợ hàng loạt sinh viên sư phạm như chúng em ra trường sẽ không thể xin được việc làm, thậm chí phải tốn tiền bạc để xin vào công chức.

Hiện vẫn còn hơn 3 năm học trước mắt nên em vẫn tự động viên mình, nếu có năng lực, bất kể học ngành nghề nào cũng không sợ thất nghiệp. Phải cố gắng học thật tốt thì sẽ tìm được việc làm xứng đáng.

Quốc Huy (ghi)