Sinh viên Trung Quốc: Những cảnh giàu - nghèo trái ngược

Trong khi một gia đình mạnh tay chi hơn 30.000 NDT để mua sắm đồ dùng cho cậu con trai vừa đỗ ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc thì cậu sinh viên Li Yanjun phải vay mượn khắp họ hàng mới có đủ 1.000 NDT “giắt lưng” nhập học.

Để đưa cậu con trai 18 tuổi nhập học ở ĐH Thanh Hoa, hai vợ chồng ông Wen đã đáp máy bay từ Thành Đô (Tứ Xuyên) đến Bắc Kinh. Vì đây là lần đầu cậu con trai sống xa nhà nên ông và vợ quyết định ở lại thủ đô hai tuần để giúp con trai ổn định cuộc sống.

 

Bên cạnh chi phí cho máy bay, khách sạn, ông Wen còn chi hơn 30 nghìn NDT (tương đương 60 triệu đồng) để mua cho con máy tính xách tay (laptop), từ điển điện tử, máy nghe nhạc MP3, máy ảnh số và điện thoại di động. “Chuyến đi và các món đồ mua sắm tốn rất nhiều tiền nhưng tôi nghĩ là cần thiết để con trai tôi được cảm thấy thoải mái khi sống ở ký túc xá,” ông nói.

 

Với Li Yanjun, cậu sinh viên năm thứ nhất người Tô Châu (Thiểm Tây), thì giá những món đồ đó là... trên trời. “Em mang theo 1.000 NDT, phần lớn là vay mượn của họ hàng và bà con chòm xóm,” Li nói. “Gia đình em chỉ đủ sống vì khoản thu nhập duy nhất là từ đồng ruộng”.

 

Theo bản tin ở nhiều trường đại học, một sinh viên năm nhất cũng không cần quá 1.500 NDT (tương đương 3 triệu đồng) để mua sắm các vật dụng cần thiết.

 

Li đã làm đơn xin vay tín dụng 24 nghìn NDT (3.200 USD) tại trường ĐH Bắc Kinh theo chương trình Kênh Xanh, một chương trình ưu tiên sinh viên nghèo được đăng ký nhập học trước và thanh toán học phí chậm. Đây cũng là chương trình cho vay ưu đãi và giảm học phí cho sinh viên nghèo. “Nếu không có khoản vay tín dụng của Kênh Xanh thì em đã phải về nhà”, Li nói. Bố cậu là một nông dân tàn tật.

 

Cùng với 300 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của trường, Li được nhận khoản hỗ trợ trị giá 3.000 NDT, bao gồm quần áo, chăn màn, phiếu ăn, các vật dụng hằng ngày, văn phòng phẩm và một ổ cứng của máy tính xách tay.

 

Giáo sư Hong Chengwen ở ĐH Sư phạm Bắc Kinh có lời khuyên: “Sinh viên cần học cách chi tiêu. Một thói quen chi tiêu lành mạnh sẽ giúp ích cho cuộc sống của các em trong sau này. Không cần thiết phải mua quá nhiều thứ đắt tiền cho các em cùng một lúc.”

 

Bộ Giáo dục cho biết, tính đến cuối năm 2005, Trung Quốc có hơn 4 triệu sinh viên xuất thân từ gia đình nghèo, hơn 70% trong số đó là người nông thôn.

 

Chính phủ đã hứa dành 50 tỷ NDT (6,5 tỷ USD) trong năm nay để hỗ trợ sinh viên nghèo trên khắp cả nước thông qua học bổng và các khoản vay tín dụng.

 

 Theo Nhân Dân/ Trung Quốc nhật báo