Sinh viên Việt Nam còn quá rụt rè khi đi du học

(Dân trí) - So với sinh viên của các nước khác, sinh viên Việt Nam rất chăm học. Nhưng về mặt hòa nhập so với sinh viên quốc tế, nhiều sinh viên Việt Nam rất rụt rè, ít giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động của trường, kể cả những học viên đang theo học cao học.

Sinh viên Việt Nam còn quá rụt rè khi đi du học - 1
Đó là nhận xét của chị Nguyễn Trần Thu Thủy - Giám đốc bộ phận xét tuyển của trường Đại học Charles Sturt - Sydney, Úc. Chị Thủy là người Việt Nam đầu tiên được đảm nhận công việc quan trọng này tại trường ĐH của Úc. Dân trí đã có cuộc trao đổi với chị về học tập của du học sinh Việt Nam và làm thế nào để nhận được học bổng Úc một cách dễ nhất.

Phụ trách công tác tuyển sinh của ĐH Charles Sturt khá danh tiếng tại Úc trong nhiều năm. Chị nhận xét sinh viên Việt Nam học tại Úc như thế nào?

Sinh viên Việt Nam so với sinh viên của các nước khác rất chăm học. Nhưng về mặt hòa nhập so với SV quốc tế thì nhiều bạn lại rất rụt rè, ít giao tiếp, ngại tham gia các hoạt động của trường kể cả những học viên đang theo học cao học.

Bên cạnh đó, các em vẫn còn yếu về ngoại ngữ. Đối với những học sinh đang có ý định đi du học tại Úc, tôi khuyên các em nên tham gia nhiều các hoạt động ngoại khóa được tổ chức tại trường hoặc các tổ chức khác, đây là cơ hội các em giao lưu với các học sinh quốc tế, các em sẽ nâng cao việc thực hành tiếng Anh lên rất nhiều. Khi các em sang Úc học phải mất 1 kỳ học thì mới theo kịp các bạn khác. Nhưng tôi tin chắc rằng sẽ có sự thay đổi vì Việt Nam đang nỗ lực để thay đổi phương pháp giảng dạy trở nên thiết thực và năng động hơn.

Ngành Tài chính - Kế toán đang đắt giá nhất tại Úc

Học sinh sang Úc du học tập trung vào ngành nào nhiều nhất?

Những năm trước đây các học sinh Việt nam thường đăng ký học các ngành Kinh doanh, Kế toán, Công nghệ thông tin. Nhưng năm nay, nhiều học sinh lựa chọn ngành Y, Dược, Kiến trúc và Kỹ sư.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều sinh viên Việt Nam, tôi thấy phần lớn các em chưa định hướng được ngành nghề phù hợp với khả năng của mình nên khi sang Úc học được một thời gian nhiều em phải đổi ngành và tốn rất nhiều tiền. Vì vậy, điều quan trọng nhất phụ huynh và học sinh nên tìm hiểu kỹ và đưa ra định hướng nghề nghiệp trước khi đi du học.

Theo chị ngành học nào ở Úc hiện nay đắt giá nhất ?

Đó là ngành học Tài chính - Kế toán, ngành này thu hút nhiều học sinh. Cách đây 2 năm thì Úc thiếu nhân lực về ngành Công nghệ thông tin, nay đã bão hòa do nhu cầu thị trường lao động mỗi năm mỗi khác.

Do vậy, tôi khuyên các em chọn ngành học nào mà khi các em tốt nghiệp thị trường lao động sẽ có khuynh hướng yêu cầu cao. Hiện nay ở Úc, các ngành như Kế toán, Tài chính, Kỹ sư hóa chất, Kỹ sư điện... là các ngành đang có mức lương khá tốt nếu các em có ý định ở lại làm việc tại Úc sau khi tốt nghiệp.
 
Sinh viên Việt Nam còn quá rụt rè khi đi du học - 2
Ngành Tài chính - Kế toán là ngành đắt giá nhất tại Úc hiện nay.
 

Học sinh Việt Nam rất thiệt thòi nếu ngại giao lưu

Nhiều học sinh Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục hồ sơ với các trường ĐH, nhiều em đã bị loại hồ sơ ngay từ vòng đầu do nhiều yếu tố. Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm làm hồ sơ với học sinh Việt Nam?

Thực ra hồ sơ đi du học có 2 hướng là xin ở trường và hồ sơ xin visa. Đối với hồ sơ xin ở trường rất đơn giản. Mỗi trường đều có yêu cầu riêng, ví dụ: ở ĐH Charles Sturt yêu cầu điểm tốt nghiệp THPT, trung bình 7.5 trở lên. Có trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 6.0 trở lên (không có kỹ năng nào dưới 5.5), hoặc TOEFL 213/550.... Nếu học lên thạc sỹ, học sinh cần phải cho đại diện trường thấy được kết quả bảng điểm của em tại trường ĐH, hay cao đẳng, và bằng cấp của em được tương đương với bằng cấp tại Úc hay không.

Trong trường hợp có những em không phải tốt nghiệp ĐH bằng chính qui và không đạt yêu cầu để được nhận vào học, các em nên cung cấp giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc để tăng cơ hội cho mình. Ngoài ra, em cũng có thể viết một đoạn giới thiệu về bản thân mình và giải thích vì sao em muốn được nhận vào học tại trường Đại học đó.

Kinh nghiệm của tôi cho thấy, hầu hết các học sinh Việt Nam, các em chỉ nộp những giấy tờ cơ bản cho đại diện trường và không được tư vấn kỹ chi tiết để có một bộ hồ sơ đầy đủ và ấn tượng đối với các trường ĐH. Ví dụ: Giáo dục Úc đánh giá văn bằng ĐH của Việt nam theo 3 loại, Section 1 (các trường ĐH lớn, thuộc nhóm công lập), Section 2 (nhóm các trường ĐH dân lập) và Section 3 (nhóm cao đẳng và trung cấp…), như vậy khi một học sinh đã tốt nghiệp cử nhân tại trường ĐH dân lập nằm nhóm Section 2, để vào các trường ĐH công lập Úc, các em chưa đủ điều kiện, nếu trong trường hợp em cũng đã từng tốt nghiệp Văn bằng 2 hay tại ĐH tại chức tại một trường công lập khác, dù chỉ 2 năm thì đó là một lợi thế và có cơ hội nhận vào các trường ĐH tại Úc.

Theo phản ánh của nhiều du học sinh Việt Nam, họ rất thiệt thòi khi không biết các dịch vụ, quyền lợi của mình tại trường đang theo học. Vậy theo chị làm thế nào để nắm bắt thông tin đó một cách dễ dàng nhất?

Kinh nghiệm làm tuyển sinh 6 năm ở trường ĐH Charles Sturt, tôi thấy nhiều sinh viên Việt Nam khi thắc mắc về vấn đề gì đó, thường không hỏi những nhân viên hay giáo viên trong trường mà các em chỉ hỏi từ bạn này qua bạn khác, rốt cục không có được câu trả lời thỏa đáng.

Ví dụ: ngay thời gian đầu khi nhập học, trường đã giới thiệu thầy hiệu trưởng, giám đốc bộ phận dịch vụ và người tuyển sinh là ai cho các em nhưng nhiều em không để ý nên khi có sự việc xảy ra thì lại không biết hỏi ai. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với các học sinh nước ngoài. Một bật mí cho các em học sinh Việt Nam biết rằng, không ít những em học sinh đến từ các quốc gia khác đã xin được việc làm sau khi tốt nghiệp nhờ vào sự năng động, giao lưu với nhiều giáo viên trong trường, và đặc biệt luôn luôn tiếp xúc với bộ phận hỗ trợ sinh viên. Tôi thấy đây là điều mà các học sinh Việt Nam nên học tập, không những vậy các học sinh còn nâng cao được trình độ tiếng Anh của mình khi giao lưu.

Bên cạnh đó, khi nhận được thông tin trả lời của trường, tôi thấy rất ít phụ huynh và học sinh đọc kỹ những thông tin do trường gửi. Có thể do phụ huynh có sự hạn chế về ngôn ngữ, vì vậy theo tôi nếu có thắc mắc, không hiểu, phụ huynh nên hỏi lại cơ quan đại diện của trường hoặc hỏi thẳng trường về quyền lợi học sinh được hưởng như thế nào. Trường ĐH ở nước ngoài họ luôn có bộ phận tuyển sinh để trả lời tất cả những thắc mắc của du học sinh.

Xin cảm ơn chị!

Hồng Hạnh