Sinh viên xin được… đánh trượt!?

Do Bộ GD-ĐT cho phép lấy điểm cao nhất nên có những trường hợp sinh viên năm nào cũng bị thi lại và mỗi kỳ thi lại tới 5 môn, nhưng tốt nghiệp vẫn được nhận bằng giỏi, trong khi nhiều người không thi lại lần nào bằng chỉ đạt trung bình.

Xin đánh trượt thì có mấy thầy gây khó dễ?

 

Người bạn tôi là giảng viên Học viện Quan hệ quốc tế, cho tôi xem bảng điểm của một số sinh viên trong khoa anh phụ trách. Chỉ nhìn lướt qua, tôi đã thấy toàn điểm khá, giỏi. Thấy tôi xuýt xoa khâm phục, bạn tôi cười và chìa ra một tập bài thi cũng với những cái tên ấy, song lại toàn điểm kém.

 

Có người thi lần 1 chỉ được 1 điểm, nhưng lần 2 lại được 8. Thì ra, qui trình để có điểm "nhảy vọt" như sau: khi thi xong lần 1, biết kết quả làm bài sẽ chỉ đạt điểm trung bình, sinh viên liền năn nỉ thầy đánh trượt để "được" thi lại. Mà xin tăng điểm thì khó, chứ xin đánh trượt thì có mấy thầy gây khó dễ?

 

Như vậy, họ sẽ có thời gian ôn thi nhiều hơn, đề thi lần 2 lại thường dễ hơn lần 1, nên dễ đạt điểm cao. Đấy là chưa nói tới việc ở lần thi sau, giáo viên và sinh viên thường dễ "thoả thuận" hơn. Hiện tượng trái qui luật này xuất hiện kể từ khi có qui chế 04 của Bộ GD- ĐT qui định: "Điểm trung bình chung học tập để xét phân loại kết quả học tập của khoá học, xét tốt nghiệp (…) được tính theo điểm thi cao nhất trong hai lần thi".

 

Cũng vì mong muốn "được" thi trượt của sinh viên mà cô H., giảng viên Trường Đại học Lao động - Xã hội từng gặp chuyện dở khóc, dở cười. Đợt chấm thi hết năm, cô thương tình nâng lên điểm 5 cho một số bài điểm 4 và cận 4, nào ngờ, bị học trò làm đơn đòi… phúc khảo. Bực mình vì nghĩ lòng tốt bị hiểu sai, cô định "trả" điểm về như cũ, thì được một giáo viên của Phòng Đào tạo nhà trường "bật mí": "Họ cố tình chọc tức giáo viên để được đánh trượt đấy".

 

Hiện nay, một số trường còn có cơ chế thi nâng điểm: sau khi thi lần 1, sinh viên bị điểm trung bình muốn thi lại để đạt điểm cao hơn thì nộp tiền. Điểm thi lại cao hơn thì lấy, thấp hơn thì bỏ. Vì thế, có những trường hợp sinh viên  năm nào cũng bị thi lại và mỗi kỳ thi lại tới 5 môn, nhưng tốt nghiệp vẫn được nhận bằng giỏi, trong khi nhiều người không thi lại lần nào bằng chỉ đạt trung bình.

 

Luận văn sau đại học: Kiểu gì cũng đỗ

 

Thế là dù trình độ "lởm khởm", nhiều cử nhân đương nhiên đủ điều kiện học cao học, rồi làm luận án tiến sĩ. Từng dự một số cuộc bảo vệ luận văn, luận án nên tôi phần nào biết được thực chất giá trị khoa học của những tấm bằng này.

 

Trong một luận văn nghiên cứu về thuốc lá tác động tới học sinh, người phản biện không hài lòng về kết quả công trình khoa học này vì "phạm vi mẫu nghiên cứu hẹp, tác giả của công trình chỉ nghiên cứu ở 2 trường, lại cùng địa bàn Hà Nội, nên không mang tính đại diện; các dẫn chứng và lý giải ở phần đầu mâu thuẫn với phần sau. Luận văn cũng không đề xuất được các giải pháp cần thiết. Lỗi chính tả tràn lan". Ý kiến được Hội đồng tán thành. Thế nhưng, cuối cùng, luận văn vẫn được Hội đồng chấm 9 điểm, chỉ vì người hướng dẫn là một giáo sư danh tiếng ở trường Y.

 

Tại một cuộc bảo vệ luận văn thạc sĩ khác, người phản biện nhận xét: "Tác giả chưa đủ khả năng hiểu đúng nghĩa những bài thơ đang nghiên cứu, phần kết luận là phần yếu nhất của luận văn; không nêu bật được kết quả nghiên cứu theo từng mục tiêu của đề tài, thậm chí không hiểu điều mình nói vv…".

 

Cứ tưởng, với những lời đanh thép đến vậy, luận văn chỉ đáng điểm 5. Vậy mà cả Hội đồng đều cho… 10 điểm, cũng chỉ vì người hướng dẫn là một văn sĩ ở Viện X. Hóa ra, không phải là các thầy chấm bài của học sinh mà là chấm… nhau!

 

Tình trạng vị nể, bệnh thành tích và cả vì "lý do tế nhị" khá phổ biến trong khoa học. Hậu quả là xã hội phải gánh chịu: mỗi năm, các trường đại học vẫn đào tạo một số lượng lớn thạc sĩ, tiến sĩ và đều với điểm xuất sắc (năm 2003 cả nước đào tạo 11.500 thạc sĩ, đến 2005 đã lên tới gần 20.000), nhưng giá trị thực tiễn lại rất nhỏ.

 

 

Theo Ngô Thanh Hằng

Công An Nhân Dân