Sở GD-ĐT TPHCM ủng hộ kiểu dạy mới

(Dân trí) - Đứng trước những luồng ý kiến trái ngược nhau của dư luận về phương pháp dạy mới của trường Tiểu học Lương Định Của, Sở GD-ĐT TPHCM tỏ rõ quan điểm: ủng hộ cách dạy và học này.

Sở GD-ĐT TPHCM ủng hộ kiểu dạy mới  - 1

Lớp 2/8 ở trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3, TPHCM)
 
Ngày 13/10, chúng tôi gặp gỡ ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM. Trước đó, ông vừa tiếp xúc với Ban giám hiệu và phụ huynh học sinh trường Tiểu học Lương Định Của (LĐC).

 

Quan điểm của Sở GD-ĐT về kiểu dạy mới ở trường LĐC như thế nào?

 

Sở luôn khuyến khích những đổi mới trong giáo dục. Chúng tôi sẽ cùng với trường LĐC tiếp tục duy trì cách dạy và học mới này. Tuy nhiên, vì là bước đầu đổi mới nên cách làm của trường LĐC còn chưa hoàn chỉnh.

 

Trong buổi làm việc sáng nay, chúng tôi lưu ý với cô hiệu trưởng là phải luôn cố gắng lắng nghe ý kiến xung quanh, từ phụ huynh, học sinh đến giáo viên, nhà khoa học… Thực hiện cái mới là phải dám chấp nhận thử thách để hoàn thiện nó. Chúng tôi cũng động viên trường LĐC cố gắng đeo đuổi áp dụng phương pháp dạy và học mới. 

 

Học sinh vẫn bị mỏi cổ dù rằng các em học rất hào hứng. Bạn đọc của Dân trí hiến kế nên sắm cho các em những chiếc ghế xoay. Ý kiến ông thế nào?

 

Sở GD-ĐT TPHCM ủng hộ kiểu dạy mới  - 2

Ông Lê Ngọc Điệp
Trường LĐC thực hiện đổi mới trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Diện tích phòng học hiện nay khoảng 6x8m với sức chứa đến 45 hoặc 50 học sinh. Trong khi đó, ở nước ngoài cũng với diện tích trên thì lượng học sinh chỉ là khoảng 25 học sinh. Nếu sắm ghế xoay thì có lẽ chúng ta không đủ kinh phí. Tôi gợi ý cô hiệu trưởng Mỹ Hạnh nên mua cho mỗi em một chiếc ghế nhựa. Như vậy, mỗi khi xoay người nhìn lên bảng hay nhìn cô giáo, các em sẽ xoay luôn cả ghế ngồi. 

 

Còn trước mắt, cô giáo nên nhắc các em nên xoay cả thân người khi nhìn lên bảng để tránh bị mỏi cổ. Chúng tôi đặt sức khỏe của học sinh lên hàng đầu. Nếu để dạy tốt mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh thì cũng không có ý nghĩa gì. Chính vì vậy, dù là một ý kiến của phụ huynh thì nhà trường cũng phải lắng nghe để hoàn chỉnh cách dạy cho tốt hơn. 

 

Trường LĐC thực hiện học nhóm ở hầu hết các môn học. Cách làm này liệu có phù hợp khi hiện nay còn một số môn học vẫn yêu cầu học sinh và giáo viên dùng bảng đen?

 

Học nhóm là một xu thế sư phạm hiện nay. Cách học này rèn học sinh không còn thụ động, biết chia sẻ kiến thức với bạn bè để tự làm giàu thêm hiểu biết cho mình. Giáo viên thì dễ dàng hơn để quan tâm đến từng học sinh. Hiện nay, các trường tư thục quốc tế ở TPHCM đều đã thực hiện hình thức học nhóm này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một trong những cách tổ chức hoạt động lớp học để đạt hiệu quả dạy học. 

Cách dạy và học nào cũng phải đáp ứng được 3 yêu cầu giáo dục: đó là mục tiêu dạy học, khoa học sư phạm và  lí luận giáo dục. Bảng đen, phấn trắng cũng là  một cách tổ chức lớp học, cần thiết nhưng không phải là duy nhất.

 

Việc học nhóm cũng vậy. Hiện nay, chúng tôi đưa ra gợi ý để trường LĐC xây dựng những giáo án linh động hơn. Ngoài việc đổi vị trí ngồi mỗi tuần một lần, chúng tôi đề nghị cũng nên cho các em luân phiên làm nhóm trưởng. Trường cũng nên xây dựng một hệ thống lí luận dạy học khi thực hiện phương pháp mới. Chẳng hạn, việc chia sắp xếp các em thành từng nhóm là phải dựa trên cơ sở nào (tính cách, học lực…) hoặc nhằm mục đích gì. 

 

Theo ông, vì sao các trường công lập khác vẫn chưa thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy và học?

 

Sở GD-ĐT TPHCM đã thực hiện việc tập huấn đổi mới phương pháp dạy và học cho giáo viên từ năm 2002. Hiện nay, trong các trường công lập chỉ có trường Tiểu học LĐC thực hiện việc học nhóm 100%. Một số trường khác cũng học nhóm nhưng chỉ với số ít bộ môn và bàn ghế cũng không xoay lại như trường LĐC. Nguyên nhân có thể xuất phát từ điều kiện của các trường. Có thể là cơ sở vật chất, có thể là từ tiền lương giáo viên. 

 

Bởi nếu thực hiện phương pháp học nhóm như trường LĐC thì cô giáo, thầy giáo sẽ làm việc vất vả hơn rất nhiều. Không còn chuyện đọc cho học sinh chép, giáo viên sẽ phải làm việc tất bật từ tổ chức hoạt động cho lớp học, giao việc cho mỗi em, đánh giá kết quả hoạt động… Tuy nhiên, tôi tin rằng từ mô hình trường LĐC, sẽ có nhiều trường học khác sẽ thực hiện đổi mới cách dạy và học. Bản thân Sở GD-ĐT TPHCM cũng sẽ thường xuyên theo dõi hoạt động của trường LĐC để rút ra kinh nghiệm khi thực hiện việc học nhóm.

 

Hiếu Hiền
(Thực hiện)