Kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH 2006:

Số lượng điểm 0 và điểm 10 giảm đáng kể

(Dân trí) - Theo kết quả thống kê sơ bộ tình hình chấm thi tại gần 100 trường ĐH, điểm thi của thí sinh năm nay có sự “dịch chuyển” khá rõ nét về chất lượng. Tuy đánh giá trên mặt bằng chung, kết quả thi chỉ xấp xỉ như năm trước nhưng số bài thi đạt điểm trên trung bình lại chiếm phần nhiều hơn và số bài thi bị điểm 0 cũng như điểm 10 đều giảm đáng kể.

Nếu như trong năm 2005, số bài thi bị điểm 0 chiếm tới hơn 20.000 bài thi thì trong năm nay, con số này chỉ bằng hơn một nửa. Trường ĐH có nhiều điểm 0 nhất năm nay là ĐH Thái Nguyên với 7.000 bài, tiếp đó là ĐH Vinh với khoảng 3.000 bài, ĐH Sư phạm cũng có khoảng 600 bài thi Sử đạt điểm 0.

Tại các trường ĐH khác, số lượng bài thi bị điểm 0 chỉ là vài trăm, ở nhiều trường thì chỉ là vài chục.

Về tình hình bài thi đạt điểm 10 thì như năm 2005, nếu chỉ tính riêng trong số 99 thí sinh đạt mức điểm tuyệt đối 30/30 thì số bài thi đạt điểm 10 đã lên đến gần 300 bài. Trong khi năm nay, số thí sinh đạt mức điểm tổng tuyệt đối 30/30 chưa đến ngưỡng 40 thí sinh, tức là chưa bằng ½ so với năm 2005.  

Điểm 0 và điểm 10 năm nay cũng có sự phân vùng rất dễ nhận thấy: Những trường ĐH hàng top luôn là những trường tập trung nhiều điểm 10 nhất, ngược lại, điểm 0 tập trung nhiều ở những trường ĐH vùng và các trường ĐH thuộc top 3 như các trường ĐH dân lập. 

Thí sinh năm nay thiệt thòi hơn

Theo nhận xét của đại đa số các trường ĐH thì thí sinh năm nay vấp phải 3 sự thiệt thòi lớn. Đó là:

1. Đề thi khó hơn. Nếu nhìn về mặt chuyên môn thì đề thi năm nay rõ ràng là một thành công lớn đối với những người ra đề khi đề thi ĐH đã đạt được “đẳng cấp” về tính phân loại và tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhìn từ phía thí sinh thì khi đón nhận một đề thi như vậy, việc đạt được kết quả cao sẽ gian nan hơn nhiều. Chỉ rất ít thí sinh xuất sắc đạt được điểm tối đa. 

2. Áp dụng quy định bỏ điểm thưởng cho học sinh tốt nghiệp loại giỏi. Năm 2006, có tới hơn 30.000 thí sinh được cộng điểm thưởng vào kết quả thi ĐH nhưng năm nay quy chế đã không còn và như vậy cũng có tới chừng đấy thí sinh phải chịu thiệt thòi hơn so với năm trước.  

3. Quy chế chấm thi thay đổi về cách làm tròn điểm. Mọi năm, thí sinh được làm tròn 0,25 điểm cho mỗi môn, nếu may mắn có thể được lợi 0,75 điểm với 3 môn. Trong khi, năm nay chỉ được làm tròn lần cuối ở điểm tổng 3 môn, tối đa chỉ được làm tròn 0,25 điểm. Như vậy, thí sinh đã bị “mất không” 0,5 điểm so với năm trước. 

Mức điểm tuyển NV1 tại các trường: Đa số sẽ trên 20

Thống kê bước đầu cho thấy, số thí sinh có kết quả tổng điểm trên 21 đã có tới trên 70.000 thí sinh, chiếm tới gần 10% trong tổng số thí sinh dự thi và cũng đã chiếm tới gần 50% chỉ tiêu dành cho các trường ĐH trong mùa tuyển sinh năm 2006. Như vậy, rất nhiều trường ĐH sẽ dư nguồn “đầu vào” để có thể định điểm chuẩn ở mức trên 20 điểm. 

Số thí sinh có kết quả thi trên 24 điểm hiện cũng đã có tới hơn 30.000 thí sinh. Số này đa phần nằm trong những trường thuộc hàng top trên như ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng… 

Điểm chuẩn dưới 20 vào thời điểm này chỉ có thế hy vọng ở một vài ngành khó tuyển trong một số ĐH đa ngành, một số ĐH thuộc hàng top 2 và các trường ĐH thuộc top 3. Nếu thí sinh chỉ có mức điểm dưới 20 thì nhiều cơ hội đỗ nhất vẫn chỉ là chờ đợi ở khối các trường dân lập.

Số thí sinh có kết quả thi trong khoảng từ 15 - 20 điểm đang được ước tính là khoảng 220.000 thí sinh. Tuy nhiên, chỉ có gần 50% trong số đó có cơ hội trúng tuyển ngay từ NV1, hơn 50% còn lại sẽ phải trông chờ hoàn toàn vào NV2. 

Không có bất kỳ cơ hội xét tuyển NV nào là hơn 600.000 thí sinh dưới 14 điểm - mức điểm được dự báo là điểm sàn của năm nay. Tuy nhiên, cơ hội cho những thí sinh này sẽ vẫn còn khi thí sinh nộp đơn xét tuyến đến những trường CĐ hoặc TCCN. Theo quy định, mức điểm sàn đối với những trường CĐ sẽ thấp hơn so với ĐH là 3 điểm. 

Thí sinh phải chấp nhận rủi ro

Quy định về việc xét tuyển NV của Bộ GD-ĐT đã từ 4 năm nay không bắt buộc các trường phải tuyển NV2. Việc tuyển NV2 hoàn toàn do các trường tự nguyện căn cứ trên yêu cầu về chất lượng đầu vào và do các trường tự cảm thấy có cần thiết hay không. Theo thực tế tuyển sinh từ 4 năm nay, tuy các trường đều ngần ngại với việc tuyển NV2, nhưng cũng đã có tới 90.000 thí sinh trúng tuyển nhờ NV2. 

Song, có một “tai nạn” mà thí sinh hay vấp phải trong việc nộp đơn xét tuyển NV2 là nơi rất cần hồ sơ xét tuyển thì không nộp, nơi ít cần hồ sơ xét tuyển thì lại lao đơn vào dẫn đến nhiều thí sinh có số điểm khá cao nhưng vẫn ngậm ngùi cam chịu trượt ĐH. Và vì đã thuộc về quy định nên Bộ GD-ĐT không thể can thiệp đến việc xét tuyển NV này để “cứu” thí sinh.  

Theo bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ ĐH và SĐH thì: “Xét trên khía cạnh nào đó, thí sinh phải lượng sức và chịu trách nhiệm với quyết định của mình, trong đó chấp nhận cả những rủi ro. Chúng ta cũng phải bảo vệ quyền lợi của những em thí sinh biết lượng sức, đăng ký vào những ngành có thể ít người theo học. Về mặt quản lý nhà nước, Bộ sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, tuy nhiên không thể đảm bảo cho tất cả các em. Bộ GD-ĐT có tránh nhiệm khuyến cáo các trường dành chỉ tiêu nguyện vọng 2 để chọn những học sinh giỏi trượt nguyện vọng 1”. 

Bắt đầu từ ngày 25/8 đến ngày 10/9, thí sinh bắt đầu nộp đơn xin xét tuyển NV2; Việc nộp đơn xét tuyển NV3 sẽ bắt đầu từ ngày 15/9 đến ngày 30/9. 

Nhóm PV Giáo dục

Dòng sự kiện: Chấm thi ĐH 2006