Stress vì điểm kém

Điều gì đã xảy ra với cô học sinh giỏi N.N.A? Hai tuần vừa rồi em nói không muốn học. Khi đến trường em thường cảm thấy hồi hộp và bủn rủn toàn thân. Biểu hiện này xuất hiện đặc biệt mạnh vào những hôm có giờ toán, một môn học N.A luôn dẫn đầu lớp.

Qua quá trình tìm hiểu, nhà tâm lý được biết trước đó N.A bị ốm nặng và phải nằm viện hai tuần. Sau khi ra viện, em bị điểm 3 môn toán kiểm tra một tiết do chuẩn bị bài chưa kỹ.

Tôi đã yêu cầu N.A hình dung lại tình huống bị điểm 3 môn toán trước đây. Lúc đó, em sẽ nghĩ gì, có cảm nhận như thế nào ứng với mỗi suy nghĩ. N.A đã viết ra những suy nghĩ của mình như sau:

N.A. suy nghĩ

N.A. cẢm thẤy

Mình bị các bạn chê cười

Xấu hổ, không dám nhìn ai

Mình bị cô giáo mắng

Lo sợ

Cô giáo sẽ nhắc đi nhắc lại điểm kém này của mình

Xấu hổ quá, không dám  gặp cô nữa

Các bạn sẽ thấy mình kém cỏi và luôn nhắc lại điểm kém của mình

Lo lắng, không muốn nói chuyện với ai

Về nhà bị bố mẹ mắng

Lo lắng, không muốn về nhà

Mình thật kém cỏi, đã làm mọi người thất vọng

Buồn bã, mệt mỏi, không muốn học tiếp

Cô giáo sẽ cho làm bài kiểm tra lại

Lo lắng, nhỡ kết quả kiểm tra cũng không tốt

Tôi ngắt mạch những suy nghĩ tiêu cực của N.A bằng cách yêu cầu N.A hãy tưởng tượng khi rơi vào hoàn cảnh đó thì các bạn khác trong lớp sẽ nghĩ gì và cảm thấy như thế nào. N.A bắt đầu đưa ra những suy nghĩ và cảm nhận tích cực hơn.

N.A. suy nghĩ

N.A. cảm thấy

Bài này mình học nhưng chưa hiểu kỹ lắm

Bình tĩnh hơn nhưng rồi lại băn khoăn sao mình lại chưa hiểu nhỉ

Tại mình không cẩn thận

Luyến tiếc, giá mà mình cẩn thận hơn khi làm bài

Mình sẽ cố gắng hơn gỡ lại điểm này

Tự tin, cố gắng tiếp tục để học

Khi N.A đã có những suy nghĩ tích cực và bớt lo lắng, tôi hướng dẫn N.A làm một thí nghiệm nhỏ theo các bước sau:

Tôi đề nghị N.A nhìn nhanh trong phòng, tìm tất cả các đồ vật màu đỏ.

Yêu cầu N.A nhắm mắt và đề nghị kể tên tất cả những đồ vật màu xanh lá, màu vàng, màu đen trong phòng.

N.A đã chỉ kể tên được rất ít đồ vật màu xanh, không nhớ được các đồ vật màu vàng, màu đen.

Cuối cùng, tôi yêu cầu N.A mở mắt, nhìn lại một lần các đồ vật.

“Em thấy không, trong phòng này có nhiều đồ vật với màu sắc khác nhau. Nhưng trước đó, em chỉ chú ý đến màu đỏ nên không nhìn thấy các đồ vật mang màu sắc khác. Nếu chỉ tập trung vào những nhược điểm của bản thân, em sẽ không để tâm đến các mặt mạnh của mình và sẽ luôn chìm đắm trong cảm giác xấu hổ, tự ti, lo lắng và sợ hãi”, tôi bảo N.A.

Theo Trần Thành Nam
(Khoa tâm lý học, Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN)
Tuổi Trẻ