Sự hài lòng của Thủ tướng với ngành giáo dục

(Dân trí) - Trước khi kết thúc buổi <a href="http://www11.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/4/174450.vip">làm việc với Bộ GD-ĐT</a> vào sáng qua (11/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đứng gần hai giờ đồng hồ “mổ xẻ” các vấn đề của ngành giáo dục. Tinh thần toát lên trong mỗi câu nói của Thủ tướng vẫn luôn là sự tự hào và hài lòng của ông khi nhìn nhận về sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.

Chúng tôi xin giới thiệu những câu nói nổi bật nhất trong việc thể hiện tinh thần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

 

- “Qua báo cáo của Bộ trưởng tôi thấy các đồng chí phản ánh cơ bản đúng thực trạng giáo dục nước ta cả về mặt được và chưa được. Ngành giáo dục cũng đề ra được những mục tiêu chung, cụ thể bám sát nghị quyết của Đảng  và chủ trương Nhà nước trong việc thực hiện sự nghiệp GD-ĐT trong những năm sắp tới. 

 

- Tuy ngân sách chúng ta còn khó khăn. Tổng GDP 62-63 tỷ USD. Mặc dù vậy vẫn dành 20% tổng thu ngân sách đầu tư cho phát triển giáo dục. Đây là quyết tâm của Đảng và nhân dân…. Trong điều kiện ngân sách ít ỏi như thế là chúng ta đã làm được rất tốt.

 

- Trong những năm qua, chúng ta đạt thành tựu tăng trưởng kinh tế cao. Tăng trưởng phát triển trước hết là phát huy nội lực. Nội lực đất nước chủ lực là con người. Tài nguyên có hạn cho nên cần phát huy yếu tố con người. Đóng góp của giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ gắn bó với nhau và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

 

- Chất lượng nhìn nhận không được chạy theo thành tích. Nhưng nói về trình độ, tôi nghe báo cáo và đi thực tế thì thấy số học sinh trung học của ta đi học nước ngoài đều có ngoại ngữ rất tốt, kể cả số học lớp 11-12 chuẩn bị vào ĐH và các nước tiên tiến họ chấp nhận được các em. Điều này cho thấy, mặt bằng về giáo dục về phổ thông của mình cũng cập nhật trình độ của thế giới. Ở Singapore, họ đánh giá cao học sinh phổ thông của chúng ta.

 

- Nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế phát triển tuy cần nỗ lực nhiều nhưng khi chúng tôi tiếp xúc nhà đầu tư, họ đều muốn nhận nhân lực của chúng ta. Mới đây, tôi làm việc với ông chủ tịch tập đoàn Panasonic, họ đề nghị đầu tư 10 tỷ đôla vào Khu công nghệ cao Bắc Ninh, Bắc Giang và một số nơi khác chủ yếu về điện tử và họ có đề nghị giúp họ hợp tác các trường đào tạo 10.000 lao động.  

 

- Công nghiệp hoá thành công mức độ nào, nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào con người. Hay nói cách khác là phụ thuộc quyết định vào sự nghiệp đào tạo của ta. Nếu sự nghiệp giáo dục nhanh hơn, tốt hơn thì cũng có nghĩa là hội nhập chúng ta đi nhanh hơn và sự công nghiệp hoá cũng thành công nhanh hơn”.

 

Những vấn đề Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc Bộ GD-ĐT:

 

- Cần có các giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng các cấp học. Muốn nâng cao chất lượng thì quản lý của ngành giáo dục, chính phủ và chính quyền các cấp và sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định.

 

- Rà soát và nâng cao năng lực hiệu quả lãnh đạo của Bộ GD-ĐT. Tăng cường hơn nữa năng lực quản lý nhà nước của Bộ bằng việc  xây dựng thể chế, hành lang pháp lý, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chí, điều kiện để quản lý và phát triển để làm sao huy động được mọi  nguồn lực.

 

- Đề án đào tạo 20.000 TS phải cụ thể. 

 

- Làm sao hai trường ĐHQG phải đào tạo ra sinh viên là đi nước nào làm cũng được. Như vậy phải lựa chọn giáo trình thế nào, thầy thế nào…? Phải lấy được sản phẩm làm thước đo.

 

- Phải quyết tâm nâng cao đào tạo nghề lên 50% vào những năm tới. (hiện con số này mới chỉ là hơn 20%).

 

- Các trường ĐH, CĐ quán triệt đào tạo yêu cầu và có  quan hệ với tất cả các nhà tuyển dụng, đào tạo theo nhu cầu xã hội.

 

- Lịch trình học phí cần sớm hơn. Phải trình đề án theo tinh thần học sinh nghèo thi được vào đại học thì được miễn học phí hoặc theo hai phương hướng: Học giỏi được hưởng học bổng và  không học giỏi thì được bố trí cho vay để học tập.

 

- Xem xét, tính toán lại Đề án về lương và Đề án Kỳ thi Quốc gia sau THPT.

 

Mai Minh
(Thực hiện)