Sự phát triển kinh ngạc của giáo dục ĐH Ấn Độ và Trung Quốc

(Dân trí) - Cùng với sự vươn lên mạnh mẽ của châu Á trong thời gian qua, các quốc gia ở châu lục này đã đạt được nhiều thành công trên lĩnh vực cải tổ và phát triển giáo dục. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc được coi là 2 điển hình về những tiến bộ đáng kinh ngạc trong giáo dục đại học.

Trong vòng 15 năm, số sinh viên tăng gấp đôi

 

Tại Ấn Độ, trong thập niên 1990, số lượng sinh viên đã tăng gần gấp đôi từ, 4,9 triệu lên 9,4 triệu. Nền giáo dục đại học Ấn Độ tập trung đi theo hướng tăng cường chuyên biệt hóa và đầu tư tập trung.

 

Ngân sách giáo dục đại học của chính phủ được tập trung đầu tư cho những trung tâm nghiên cứu và đào tạo đại học lớn như Viện Y học toàn Ấn, Viện Khoa học Ấn Độ tại Bangalore và Viện Kỹ thuật Ấn Độ (IIT). Chính những trung tâm nghiên cứu lớn này đã góp phần tạo đà đưa Ấn Độ nhanh chóng kết nối với nền kinh tế tri trức toàn cầu.

 

Những trung tâm nghiên cứu và đào tạo đại học lớn như Viện Kỹ thuật Ấn Độ thường cho sinh viên sang Mỹ vào những mùa hè, đồng thời cũng mở cửa nhận tài trợ nghiên cứu từ các công ty đa quốc gia như Sun Microsystems, Cisco, Volvo và Ford.

 

Bốn năm, số TS tăng 12 lần

 

Còn với Trung Quốc, quốc gia châu Á có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới này cũng đã đạt được nhiều thành công trên lĩnh vực cải tổ và phát triển giáo dục đại học.

 

Nếu như ở thập niên 1980, chỉ có khoảng từ 2% đến 3% học sinh tốt nghiệp phổ thông hằng năm tại Trung Quốc là vào được đại học, thì đến năm 2003, tỷ lệ này đã tăng lên 17%. Tỷ lệ phát triển nghiên cứu sinh tiến sĩ thậm chí còn nhanh hơn tỷ lệ gia tăng sinh viên tốt nghiệp đại học.

 

Trong những năm từ 1999 đến 2003, số người được nhận bằng tiến sĩ tại Trung Quốc đã tăng gấp 12 lần so với giai đoạn từ năm 1982 đến 1989. Số lượng tiến sĩ đã tăng từ 14.500 người vào năm 1998 lên 48.700 vào năm 2003.

 

Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đang tập trung vào chính sách đầu tư cho một số trường đại học trọng điểm như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Vũ Hán..., nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc đạt đẳng cấp thế giới.

 

Sự trỗi dậy mạnh mẽ

 

Theo dự báo của các nhà nghiên cứu, với đà phát triển như hiện nay, tới năm 2050 Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cùng với Mỹ là 3 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, sẽ trở thành những cỗ máy chính tạo ra những chuyển biến lớn lao và sâu sắc về cục diện trên tất cả mọi mặt của một thế giới mới trong tương lai.

Trong những yếu tố đã đóng góp vào sự trỗi dậy mạnh mẽ của 2 quốc gia này, rõ ràng không thể không kể đến vai trò của việc coi trọng phát triển giáo dục nói chung, và giáo dục đại học nói riêng, như một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất.

 

Vũ Anh Tuấn