Vụ SITC:

Sự việc chưa đến mức để cơ quan an ninh vào cuộc

(Dân trí) - Đó là phát biểu của ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong cuộc họp báo sáng nay (9/2) để thông báo chính thức tình hình cuộc họp giữa các Bộ, ngành liên quan đến vụ SITC.

Theo đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH& ĐT) đã có văn bản gửi chủ đầu tư yêu cầu làm rõ việc đột ngột đóng cửa của SITC. Nếu họ vẫn từ chối tiếp xúc và lẩn trốn, cơ quan an ninh sẽ vào cuộc.

 

Theo ông Thắng, việc SITC đột ngột đóng cửa là sự việc rất nghiêm trọng gây thiệt hại cho các học viên và người lao động ở các trung tâm này. Chúng tôi đã làm việc với Đại sứ quán Singapore chiều qua. Đại sứ quán Singapore đã chia sẻ tình hình về sự việc đáng tiếc, ghi nhận những đề xuất của Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH& ĐT) và thông báo với các cơ quan bên Singapore để phối hợp chặt chẽ để giải quyết vụ việc này. Đại sứ quán Singapo hứa sẽ là đầu mối với Cục đầu tư nước ngoài có trách nhiệm để giải quyết.

 

Nhưng thưa ông, có vẻ như mọi thứ còn đang rất mờ mịt?

 

Chúng tôi đã có văn bản gửi chủ đầu tư yêu cầu làm rõ việc đột ngột đóng cửa của SITC Việt Nam nhưng đáng tiếc là chúng tôi chưa liên hệ được với họ. Chúng tôi tiếp tục liên hệ với cơ quan phát triển kinh tế Singapore và được cơ quan này cho biết chủ đầu tư của cơ quan này vẫn hoạt động bình thường.

 

Chúng tôi đang chờ đợi và hy vọng rằng chủ đầu tư với tư cách đang hoạt động hợp pháp tại Singapore sẽ sớm phải trả lời. Trong trường hợp chủ đầu tư không trả lời thì chúng tôi sẽ có biện pháp thích ứng để yêu cầu họ trả lời để phù hợp với thông lệ quốc tế và hiệp định bảo hộ đầu tư.

 

Biện pháp thích ứng đó cụ thể là gì, thưa ông?

 

Trong trường hợp chủ đầu tư SITC không trở lại Việt Nam để giải quyết thì Việt Nam sẽ căn cứ vào luật pháp để xử lý. Đây là trách nhiệm của hai Chính phủ và nếu không được, chúng tôi sẽ khởi kiện theo luật pháp quốc tế.

 

Theo diễn tiến của cuộc họp khẩn cấp ngày hôm qua (8/2), giữa hai Bộ KH& ĐT và Bộ GD& ĐT thì vụ việc đổ vỡ của SITC, trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

 

Đây là trách nhiệm liên đới. Bộ KH&ĐT cấp phép đầu tư và quản lý sau khi cấp giấy phép và Bộ KH&ĐT đã thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, mở chi nhánh ở địa phương thì cũng có ý kiến của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và Sở GD&ĐT.

 

Chúng tôi cũng chỉ phối hợp thực hiện với Bộ GD&ĐT chứ không đi sâu quá vào quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi đã thực hiện trách nhiệm của mình nhưng trách nhiệm thì là trách nhiệm chung và sự việc đáng tiếc xảy ra do quản lý ở cơ sở lỏng lẻo.

 

Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn thuộc về chủ đầu tư không thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam, buông lỏng quản lý giảng dạy tại Việt Nam.  

 

Việc buông lỏng quản lý giảng dạy tại Việt Nam của SITC đã được phát hiện cách đây đã hơn nửa năm. Phải chăng chỉ vì muốn thu hút ngày càng nhiều đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nên Bộ KH&ĐT đã không muốn xử lý mạnh tay?

 

Tất cả chúng ta không muốn việc này xảy ra nhưng vịêc đã xảy ra. SITC đã vi phạm điều 36 Nghị định 24 của Chính phủ vì những học viên đăng ký học đã có cam kết với SITC, việc bỏ trốn này là SITC vi phạm hợp đồng.

 

Theo điều 52, khoản 4 Luật đầu tư thì việc vi phạm này sẽ rút giấy phép đầu tư. Nhưng nếu SITC chưa trở lại Việt Nam thì chưa thể rút giấy phép đầu tư. Nếu SITC cương quyết  không trở lại giải quyết thì chúng ta sẽ dựa vào đơn tố cáo của học viên để đưa ra toà xử lý. Nếu họ vẫn từ chối tiếp xúc và lẩn trốn, cơ quan an ninh sẽ vào cuộc. Còn hiện nay, sự việc chưa đến mức như vậy.

 

Vì thế, trước mắt chúng ta hãy chờ đợi! Vì  hiện Việt Nam có 72 dự án đầu tư nước ngoài về giáo dục với tổng số vốn là 105,6 triệu USD và không thể để vụ việc này khiến các nhà đầu tư nước ngoài nản lòng.

 

Minh - Hạnh

Thực hiện