Trung Quốc:

Sửa luật để tăng cơ hội vào ĐH với người khuyết tật

(Dân trí)-Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện việc tiếp cận giáo dục ĐH với người khuyết tật bằng cách cấm các cơ quan khảo thí loại bỏ thí sinh khỏi các kỳ thi quốc gia do tàn tật về cơ thể hoặc khuyết tật tâm thần, theo dự thảo luật mới đây của Bộ GD Trung Quốc.

China Daily cho biết dự thảo sửa đổi Quy định về việc giáo dục của những người khuyết tật cũng quy định rằng phải có những hỗ trợ cần có với người khuyết tật khi dự thi, như cung cấp giấy thi bằng chữ nổi cho người khiếm thị.

Dự thảo này được đưa ra sau khi báo chí Trung Quốc đăng câu chuyện về “cuộc chiến” của một phụ nữ khiếm thị để được vào học một trường đại học.

Theo đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, Dong Lina, 27 tuổi, đã viết thư phàn nàn gửi tới Ủy ban Giáo dục thủ đô Bắc Kinh sau khi cơ quan khảo thí địa phương hai lần từ chối đơn xin dự một kỳ thi tự học. Kỳ thi này cho phép những người không đến trường, tự học ở nhà nhưng vẫn có thể thi để lấy bằng được chính phủ công nhận.

Việc lấy bằng của kỳ thi này là một điều kiện tiên quyết để Dong có thể vào học Trường đại học Truyền thông Trung Quốc.

Dong, quê ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc cho tờ China Daily biết cô đã bỏ nghề làm nhân viên mát xa và đến Bắc Kinh năm 2006 học nghề về phát thanh truyền hình.
 
Sửa luật để tăng cơ hội vào ĐH với người khuyết tật - 1
Học sinh tại một lớp ôn thi đại học đặc biệt dành cho người khiếm thị ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Bộ Giáo dục Trung Quốc đang sửa đổi Quy định về việc giáo dục của những người khuyết tật để tăng cơ hội học đại học với người khuyết tật. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Sau khi báo chí đăng tải câu chuyện của Dong, các nhân viên phụ trách thi cử ở Bắc Kinh đã liên lạc với Dong và hứa rằng chị sẽ được dự kỳ thi lấy bằng vào tháng 1 năm tới trên một máy tính có phần mềm đặc biệt có thể đọc câu hỏi.

Đến nay, chỉ 3 trong số 31 tỉnh ở Trung Quốc, gồm Quảng Đông, Hà Nam và Cát Lâm, là cho phép người khuyết tật dự các kỳ thi để lấy bằng sau quá trình tự học.

Hiện có khoảng 83 triệu người ở Trung Quốc mắc các dạng khuyết tật, trong đó có 10 triệu người đang tuổi đến trường, theo số liệu thống kê của Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, trên cả nước Trung Quốc chỉ có 16 trường đại học giáo dục đặc biệt và các trường này nhận khoảng 3.000 sinh viên khuyết tật - Zhuang Shufan, phó hiệu trưởng Đại học Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm cho biết.

Ngoài ra, các trường giáo dục đặc biệt cũng chỉ cung cấp một số cơ hội nhất định cho các sinh viên khuyết tật, ví dụ như các khóa học về mát xa và vẽ.

Shi Huimin, mẹ của một cô bé 16 tuổi bị chứng liệt não, kêu gọi chính phủ thành lập thêm các trường nghề dành cho người khuyết tật.

"Hiện nay, các đứa con của tôi (bị khuyết tật) đành phải ở nhà sau khi kết thúc 9 năm học phổ thông", bà Shi, hiện là thành viên Hiệp hội các Phụ huynh Bắc Kinh có con bị khuyết tật tâm thần, cho biết. "Các trường dạy nghề dành cho người khuyết tật cũng có rất ít và những trường hiện có cũng chỉ nhận những trẻ mà bị khuyết tật không nặng lắm".

Dự thảo luật nói trên cũng quy định phải lập các quỹ đặc biệt để cải thiện việc tiếp cận giáo dục chất lượng với người khuyết tật. Ngoài ra, tất cả các trường phổ thông và cơ sở đào tạo giáo dục đại học được khuyến khích không có những quy định gây trở ngại với người khuyết tật.

Xuân Vũ
Theo China Daily