SV cử tuyển không về địa phương: Phải hoàn lại tiền học!

Bộ GD-ĐT dự kiến trình Chính phủ ban hành nghị định về việc bồi hoàn kinh phí đào tạo đối với những người học theo chế độ cử tuyển, nhưng không chấp hành sự điều động công tác sau tốt nghiệp.

Đây là một trong những chủ trương nhằm cải thiện công tác tuyển sinh cử tuyển trong hệ thống đào tạo ĐH, CĐ và THCN sau quá trình thực hiện chính sách này trong 15 năm qua.

 

Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, quy hoạch cán bộ phù hợp với nhu cầu và có một bộ phận chuyên trách theo dõi, cùng với các trường quản lý HSSV trong suốt quá trình học tập đến khi tốt nghiệp trở về địa phương công tác. Đồng thời địa phương cần phải có kế hoạch chủ động tiếp nhận và phân công công tác cho các đối tượng diện cử tuyển.

 

Một giải pháp nữa để cải thiện chất lượng đào tạo cử tuyển là sẽ tiếp tục xây dựng phát triển các trường phổ thông dân tôc nội trú, nâng cao chất lượng bồi dưỡng văn hoá làm cơ sở tạo nguồn cho hệ cử tuyển, dự bị. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy. Học sinh sẽ học 5 môn chính cho các khối A, B, C thay vì trước đây học 9 môn.

 

Một chủ trương đáng lưu ý nữa là tăng chỉ tiêu cử tuyển, dự bị ĐH. Năm 2006 chỉ tiêu cử tuyển là 2.560 em, hệ dự bị đại học là 2.710, chỉ tiêu đào tạo sẽ tăng dần cho cả 2 hệ cử tuyển và dự bị đến năm 2010, mỗi hệ là 3.000 HS.

 

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất Chính phủ cho nâng mức học bổng bằng 80% mức lương tối thiểu theo qui định của Nhà nước; đảm bảo mức chi tối thiểu cho một SV cử tuyển một năm không thấp hơn 10 triệu đồng.

 

Sau 15 năm thực hiện chế độ cử tuyển, các địa phương đã phối hợp với các trường tuyển được 20.590 HS vào các trường ĐH, CĐ, trung cấp. Trong đó, có 14.476 HS trong tổng số 16.541 chỉ tiêu vào các trường ĐH, CĐ trung ương, đạt 87,5%.

 

Các ngành, nghề đào tạo chủ yếu là: Nông lâm, Thuỷ lợi, Xây dựng, Giao thông, Kinh tế, Kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm, Y tế, Văn hoá, Ngoại ngữ...Theo số liệu giám sát của Hội đồng Dân tộc,sau tốt nghiệp, đã có 80,7% số SV cử tuyển trở về địa phương công tác.

 

uy nhiên, hạn chế nổi bật của chính sách này là nhiều địa phương chưa xây dựng được qui hoạch, kế hoạch đào tạo; chưa có sự phối hợp giữa địa phương với các trường trong việc quản lý, đào tạo; ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng, việc tiếp nhận sử dụng số sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp của các địa phương chưa tốt, hiệu quả chưa cao. Đến nay cũng chưa có thống kê đầy đủ cán bộ là HSSV cử tuyển hiện đang công tác tại địa phương, cũng như việc đánh giá chất lượng và khả năng làm việc của số cán bộ này.

 

Một hạn chế khác cũng đã tồn tại nhiều năm là việc phân giao chỉ tiêu hàng năm còn chậm, số lượng và ngành nghề đào tạo chưa căn cứ vào nhu cầu sử dụng; việc triển khai thực hiện của các ban, ngành địa phương chưa đồng bộ, trách nhiệm chưa cao, có nơi còn thiếu công khai, dân chủ trong việc tuyển chọn, tuyển không hết chỉ tiêu, tuyển sai đối tượng, sai vùng tuyển, dẫn đến hàng năm không đạt được chỉ tiêu Nhà nước giao.

 

Ngày 20/1 tới, một hội nghị tổng kết 15 năm chế độ cử tuyển sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình tại Hà Nội, Huế, TPHCM và Cần Thơ.

 

Theo Song Nguyên

Vietnamnet