Tại sao ai cũng thích khoe con?

(Dân trí) - Nhân đọc bài “Vẫn tích cực khoe bảng điểm của con” của tác giả Lê Đăng Đạt đăng trên Dân trí, tôi thấy sao mà đúng với thực tế bây giờ quá. Dường như việc khoe con trên mạng đang trở thành “mốt” của các phụ huynh.

Những ngày này, lướt “phây” ta sẽ thấy hàng loạt hình ảnh phụ huynh khoe thành tích của con sau một năm học. Nào là bảng điểm, nào là giấy khen và các phần thưởng được trao. Ai cũng hồ hởi vui vẻ thông báo về những thành tích mà con mình đã đạt được sau khi tổng kết năm học.

Đúng như tác giả viết, các bố mẹ phấn khởi chia sẻ những thành tích của con mình đâu có nghĩ đến tâm trạng của nhiều phụ huynh khác khi con họ không đạt được thành tích như thế. Từ đây kéo theo rất nhiều hệ lụy khác như tâm lí hơn thua giữa các bậc phụ huynh. Cha mẹ có con học tập chưa tốt sẽ về nhà chì chiết con mình hoặc so sánh con mình với con người ta. Rồi chưa kể họ lao vào cuộc chạy đua học thêm để cho bằng bạn, bằng bè...

Cuối năm học, bảng điểm của con lại được bố mẹ tích cực khoe lên mạng xã hội (ảnh minh họa)
Cuối năm học, bảng điểm của con lại được bố mẹ tích cực khoe lên mạng xã hội (ảnh minh họa)

Người ta bây giờ thường đổ tại bệnh thành tích là do ngành Giáo dục mà ra. Ai cũng nghĩ trường học mới cần các con số đẹp, chứ phụ huynh thì mong muốn con học thật, thi thật. Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Chính cha mẹ luôn mong con phải học giỏi. Ngoài việc động viên con học hành để có tương lai thì cha mẹ còn muốn con đạt thành tích để còn hãnh diện với mọi người.

Dường như thành tích của con luôn là niềm vui bất tận của các bậc phụ huynh. Khi con không đạt danh hiệu học sinh giỏi, phụ huynh buồn ra mặt. Thậm chí chính phụ huynh còn điện cho giáo viên để xin điểm cho con... Với họ, điểm số của con trẻ quan trọng hơn thực chất chúng học rất nhiều. Nhiều người luôn bắt con học ngày, học đêm để kiếm cái giấy khen mà hãnh diện với bạn bè. Họ luôn sợ con người ta đều giỏi cả mà con mình thì học dở. Mang tâm lí hơn thua như vậy nên nhiều người thường đổ áp lực lên chính những đứa con của mình.

Việc coi trọng điểm số có hai mặt rất rõ ràng. Ưu điểm là cha mẹ sẽ khuyến khích, động viên con cái nỗ lực phấn đấu vươn lên. Các em sẽ vì nó mà cố gắng phấn đấu để học tốt. Nhưng nhược điểm thấy rõ nhất là trẻ dễ có tư tưởng trọng điểm số rồi có gắng học vì điểm để vừa lòng bố mẹ. Khi không đạt được thành tích ấy, nhiều trẻ sợ dẫn đến các hành động tiêu cực mà phụ huynh không thể lường trước được.

Ngày nay cha mẹ hầu hết đều chơi Facebook nên điểm số còn quan trọng hơn xưa rất nhiều. Nhìn qua Facebook, con người ta ai cũng giỏi cả, được khen, được tâng bốc lên mây ai mà chẳng thích. Chỉ cần đăng lên là ai cũng biết con mình giỏi, người ta sẽ khen con thông minh học giỏi. Xem những lời bình, phụ huynh nào chẳng thích. Nói chung là cảm giác thật tuyệt vời.

Xin kể một câu chuyện mới xảy ra ở xóm tôi cách đây mấy ngày. Hai cô bé nhà chỉ cách nhau có vài bước chân. Từ bé hai đứa đều học giỏi, chăm ngoan. Thành tích học tập của chúng luôn đứng tốp đầu. Cả xóm luôn được nghe những lời ca ngợi con của hai bà mẹ. Nhiều người thường lấy gương hai chị để giáo dục con mình. Năm nay hai bé đang học lớp 9. Chẳng hiểu sao một bé cuối năm môn Sử bị điểm kém. Thế là rớt danh hiệu học sinh giỏi. Khỏi phải nói mẹ bé tức tối như thế nào. Mấy ngày liền bé bị chì chiết, so sánh rồi mắng nhiếc... Quá uất ức, bé đã bỏ nhà đi. Cả nhà được một phen náo loạn. Rất may bé chỉ trốn đến nhà bạn một ngày vì buồn tủi. Chẳng biết qua chuyện này mẹ bé có rút được kinh nghiệm cho mình.

Bản thân là giáo viên nên tôi hiểu rõ phụ huynh bây giờ trọng điểm số như thế nào. Vì hầu hết các gia đình đều đăng kí sổ liên lạc điện tử nên các phụ huynh sẽ biết điểm ngay khi giáo viên đăng. Gần đến ngày thi là phụ huynh lại gọi điện cho cô giáo để xin điểm cho con. Có người còn nói thẳng vì làm cơ quan nhà nước nên nếu con không giỏi thì rất ngại với đồng nghiệp. Ngày họp phụ huynh thì cha mẹ có con học khá và giỏi mới đi. Khi tôi điện trao đổi hỏi xem lí do vì sao mà phụ huynh không tới thì họ bảo rằng “đi làm gì cho nhục mặt”. Rồi họ cúp máy cái rụp. Thật chẳng biết nói sao nữa.

Mong rằng các bậc phụ huynh hãy đồng hành cùng con trên chặng đường dài. Mỗi đứa trẻ sẽ có những thế mạnh khác nhau, đừng bao giờ vì điểm số mà biến con trở thành rô bốt.

Loát Trần

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!