Tại sao các bà mẹ Ấn Độ không phạt con?

(Dân trí) - Các bậc cha mẹ Ấn Độ tin rằng việc la hét không giúp ích gì trong giáo dục con.

Với sự đan xen của Phật giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo, đất nước Ấn Độ thừa hưởng những điều tốt nhất trong truyền thống giáo dục trẻ. Các bậc cha mẹ không bao giờ la mắng hay trách phạt trẻ nhỏ dù đứa bé đó có nghịch ngợm, bướng bỉnh đến đâu. Để giúp trẻ phát triển toàn diện nhất, họ đã dạy con theo những nguyên tắc sau:

Dạy con sống tử tế với tất cả mọi người, mọi loài

Từ khi sinh ra, trẻ em Ấn Độ đã được bố mẹ dạy cách sống tử tế, yêu thương tất cả mọi người và với bất kì sinh vật nào. Để làm được điều đó, sự kiên nhẫn là điều vô cùng quan trọng và được coi là một chuẩn mực đạo đức. Ngược lại, các bậc phụ huynh cũng giáo dục con họ cách kiềm chế cảm xúc vì sự nóng nẩy có thể làm tổn thương người khác.

Không la mắng là cách giáo dục con của các ông bố, bà mẹ ở Ấn Độ. (Ảnh minh họa)
Không la mắng là cách giáo dục con của các ông bố, bà mẹ ở Ấn Độ. (Ảnh minh họa)

Lựa chọn và kiểm soát thông tin mà trẻ tiếp cận

Cha mẹ Ấn Độ thường xuyên hạn chế cho trẻ xem tivi, nhất là những chương trình liên quan đến nghệ thuật và giáo dục. Theo họ, điều này rất quan trọng khi mà ngày nay, Internet và truyền hình có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tính cách của trẻ.

“Tiên học lễ…”

Phụ nữ Ấn Độ nổi tiếng thế giới trong việc thực hiện các lễ nghi và họ cũng luôn chú ý truyền dạy cho con mình những điều tốt đẹp đó, đặc biệt nghi lễ khi ngồi vào bàn ăn và cách cư xử với mọi người sao cho phù hợp. Ở tuổi lên 2, trẻ nhỏ có thể nghịch ngợm với đồ ăn nhưng hành động này không thể tha thứ nếu chúng đã 10 tuổi.

Bố mẹ phải làm gương cho con cái

Các bậc phụ huynh Ấn Độ cho rằng thói quen của họ chính là đặc điểm tính cách của con mình trong tương lai. Đó là lý do tại sao họ không giảng lý thuyết suông mà lấy mình làm gương cho con học hỏi. Các thế hệ lớn tuổi cũng tham dự vào việc dạy con trẻ. Nhiều thế hệ cùng sống dưới một mái nhà ở Ấn Độ với mục đích truyền lại những đức tính tốt cho con cháu đời sau.

Người mẹ phải luôn gắn kết chặt chẽ với con

Các bác sỹ Ấn Độ khuyên người mẹ nên thường xuyên ngủ cùng con nhỏ để có thể thấu hiểu, cảm nhận được đứa trẻ của mình. Khi đứa bé lo lắng, người mẹ nên ôm chúng vào lòng, đây là cách tốt nhất để đứa bé lấy lại bình tĩnh.

Dạy trẻ cách nói lên suy nghĩ của mình

Ở trường học Ấn Độ, trẻ em được giáo dục nhiều về tinh thần và sự khoan dung. Chúng được học cách nói lên ý tưởng và thảo luận các ý tưởng đó; các em cũng được học yoga, cách rèn luyện trí nhớ và cách mỉm cười… Tất cả những điều này giúp trẻ em khám phá tiềm năng của mình.

Hoàn thiện bản thân

Nhiệm vụ chính của bất kì học sinh nào là hoàn thiện bản thân, không ngừng phấn đấu để bản thân tốt hơn mỗi ngày. Hàng tháng, những học sinh tiến bộ sẽ nhận được thẻ đặc biệt để chứng nhận sự nỗ lực. Trẻ em Ấn Độ được dạy rằng luôn phải cố gắng chiến thắng chính mình chứ không phải chiến thắng người khác.

Quy định dành cho giáo viên: Bao dung, yêu thương trẻ

Giáo viên ở Ấn Độ được đòi hỏi phải có lòng bao dung và sức chịu đựng lớn. Họ không được thể hiện sự bất mãn hoặc đòi hỏi bất cứ điều gì mà chính họ chưa làm được. Bởi vậy, trong mỗi lần họp, giáo viên sẽ cùng nhau thảo luận, nhận xét và đánh giá các quy tắc ứng xử của mình chứ không phải của học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên ở đất nước này luôn không ngần ngại thể hiện tình yêu của mình đối với học trò. Họ có thể ôm hoặc vỗ nhẹ vào đầu đứa trẻ. Và những cử chỉ yêu thương ấy không phải chỉ dành cho những “học trò cưng” bởi vì mọi đứa trẻ đều cần được động viên.

Giống như bất kì quốc gia nào trên thế giới, sự giáo dục và những nguyên tắc giáo dục ở Ấn Độ được xây dựng dựa trên tinh thần dân tộc. Và không có gì sai nếu chúng ta học hỏi từ họ những nguyên tắc hay để trở nên tử tế và kiên nhẫn hơn với con em mình.

Thu Hiền

Theo Brightside