Tại sao cử nhân chấp nhận làm ô sin, bảo vệ?

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp, cơ quan đang phàn nàn về chất lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc. Phải mất hàng năm nữa có sự hướng dẫn, kèm cặp, SV mới làm được việc. Điểm yếu nhất của SV hiện nay là kỹ năng và kiến thức thực tiễn.

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Đặng Quang Điều - Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) trong cuộc trao đổi với PV Dân trí quanh thực trạng cử nhân làm trái ngành nghề. 

PV: Thưa ông, trong đánh giá của mình về tình hình việc làm và thất nghiệp của cử nhân hiện nay, ông thấy có những vấn đề gì nổi cộm?

:
TS Đặng Quang Điều: Vấn đề việc làm và thất nghiệp ở Việt Nam luôn “nóng” do sức ép của tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao. Trong câu chuyện thất nghiệp, điều rất đáng quan tâm là số người có bằng đại học đang chiếm tỉ lệ rất cao.

Qua tìm hiểu tại nhiều doanh nghiệp, tình trạng lao động có bằng đại học làm công việc của lao động phổ thông hoặc làm công nhân trực tiếp sản xuất. Thậm chí, lao động có tới 2 bằng đại học mà vẫn không kiếm được việc làm đúng nghề nên đành phải đi lao động trực tiếp.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội mới đưa ra con số thống kê trên 70% lao động có trình độ đại học đang làm các công việc của công nhân, trong đó không ít người có 2 bằng đại học.

Trong thực trạng đó, theo ông nguyên nhân chính của vấn đề cử nhân thất nghiệp làm trái ngành nghề, thậm chí là lao động phổ thông, là gì?

Có nhiều nguyên nhân, trước hết là chính sách của Nhà nước có liên quan đến đào tạo, hướng nghiệp, phân luồng và chính sách tiền lương. Tất cả các chính sách này chưa đồng bộ và thể hiện được định hướng thật rõ ưu tiên đối với người học nghề, ưu tiên đối với lao động trực tiếp.

Nguyên nhân thứ hai là Việt Nam đang phát triển quá “nóng” về đào tạo đại học: Các trường đại học thành lập ra nhiều, điểm chuẩn thấp. Nhiều hình thức đào tạo đại học phát triển, đặc biệt là hình thức liên thông. Vì vậy, việc đào tạo bậc đại học và số người theo học phát triển mạnh thời gian qua.

Cuối cùng, tâm lý “sính” bằng đại học vẫn còn phổ biến trong xã hội. Một số cuộc điều tra, khảo sát học sinh (HS) các trường trung học phổ thông cho thấy, hầu hết HS phổ thông đều có ý định đi học đại học, hoặc học cao đẳng để liên thông lên đại học, không có hoặc rất ít HS có ý định đi học nghề.
 
Ứng viên dự tuyển tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề Bán lẻ và Marketing ngày 15/5 tại Hà Nội
Ứng viên dự tuyển tại phiên giao dịch việc làm chuyên đề Bán lẻ và Marketing ngày 15/5 tại Hà Nội.

Nhiều chuyên gia có ý kiến rằng, yếu tố thiếu sự định hướng nghề nghiệp trong nhà trường ảnh hưởng cũng là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ tới tình trạng thất nghiệp, thưa ông?

Yếu tố định hướng nghề nghiệp trong nhà trường chỉ đóng vai trò thứ yếu. Vì định hướng có làm tốt nhưng các chính sách vĩ mô không khuyến khích, thu hút HS học nghề, coi nhẹ lao động chân tay, tiền lương công nhân trực tiếp thấp thì khó phân luồng và hướng nghiệp HS vào học nghề được.

Ở các nước phát triển, ngoài việc hướng nghiệp rất tốt ở nhà trường phổ thông, chính sách vĩ mô được quy định rất rõ ràng như: Học nghề được miễn phí hoàn toàn, học đại học phải đóng học phí ở mức cao, tiền lương và thu nhập của lao động trực tiếp cao bằng, thậm chí cao hơn người tốt nghiệp đại học.

Bộ LĐ, TB&XH mới đưa ra con số có hơn 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với cuối năm 2012. Theo quan sát của ông, tình trạng thất nghiệp này nói lên điều gì? Theo ông, các doanh nghiệp quan tâm gì nhất tới chất lượng của sinh viên mới tốt nghiệp?

Đây là con số rất đáng để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý xem xét để điều chỉnh chính sách vĩ mô liên quan đến công tác hướng nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Con số này nói lên sự lãng phí vô cùng lớn của mỗi gia đình và toàn xã hội đã đầu tư cho đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Chúng ta hãy hình dung, đào tạo 1 sinh viên (SV) đại học mất 4 năm, mỗi gia đình sẽ chi ít nhất cũng vào khoảng 30 triệu đồng/năm cho các  khoản tiền học phí, mua tài liệu, thuê nhà... Chưa kể khoản chi phí từ ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, thời gian đào tạo sơ cấp nghề chỉ mất 6, trung cấp nghề 12 tháng, cao đẳng nghề cũng chỉ mất 18 - 24 tháng và chi phí bằng 30% so với học đại học.

Chưa tính đến việc SV tốt nghiệp đại học rồi, quay lại làm nghề cũng phải học nghề và như vậy lại tốn thêm một khoản chi nữa.

Để hạn chế tình trạng thất nghiệp của SV ra trường hiện nay, theo ông cần chú trọng tới giải pháp gì?

Để giải quyết vấn đề cử nhân thất nghiệp, giải pháp trước mắt là chuyển đổi nghề, học nghề. Nguồn nhân lực thợ nghề, lao động phổ thông đang thiếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại, các doanh nghiệp cũng rất cần lao động trình độ học nghề. Khi nền kinh tế xã hội phát triển, nhiều cơ hội việc làm phù hợp thì việc chuyển về làm việc đúng nghề đào tạo đại học mới có cơ hội phát triển.

Về giải pháp lâu dài, Nhà nước cần thực hiện nhiều chính sách đồng bộ hơn, đặc biệt biệt là pháp về chính sách liên quan đến đào tạo nghề và đào tạo đại học, cần phải có những thay đổi cơ bản.

Chính sách này cần xây dựng theo hướng ưu tiên và khuyến khích nhiều hơn, nhằm tạo ra “lực hút đủ mạnh” để lao động đi học nghề, thay đổi tư duy và cái nhìn của xã hội đối với người lao động trực tiếp. Nâng cao chất lượng đầu vào và tăng học phí đối với SV các trường đại học.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Mạnh thực hiện