Tại sao học trò "nghiện" mạng xã hội?

(Dân trí) - Học sinh thời nay, nhất là học sinh thành phố được bố mẹ quan tâm, đầu tư đầy đủ phương tiện học tập. Các em đi học bằng xe đạp điện, có máy tính nối mạng tại nhà, điện thoại thông minh cầm tay để bố mẹ dễ dàng liên lạc. Đặc biệt là mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu của đa số học sinh.

Cha mẹ đâu thể kè kè bên cạnh con hàng ngày nên việc cấm con vào “phây” là không có tác dụng. Nếu bị cấm đoán thì con trẻ cũng sẵn sàng rút vào “hoạt động bí mật”.

Mạng xã hội hấp dẫn lấp lánh muôn màu sắc, người lớn chúng ta vướng vào còn say sưa huống chi con trẻ. Bản thân tôi đã trải qua một thời gian đắm chìm vào thế giới Facebook đến quên ăn quên ngủ. Cách đây 3 năm, một người bạn cùng lớp nhắn tôi lập tài khoản để bạn bè liên lạc cho tiện. Sau nhiều năm bặt thông tin, được nhìn thấy bạn bè trong lớp, bạn đồng hương, bạn đồng nghiệp trên mạng xã hội, tôi sung sướng không tin vào mắt mình. Tôi có thể biết bạn hôm nay đi đâu, mặc gì, ăn gì, bạn buồn hay vui... Những bức ảnh, tâm trạng mọi người được cập nhật liên tục đều được tôi theo dõi mải miết.

Mạng xã hội đánh trúng tâm lý tò mò, khao khát cái mới của người sử dụng vì nó quá tiện lợi. Tôi cũng xăm xăm đăng những câu chuyện vụn vặt, những va chạm đời thường lên mạng để lôi kéo sự chú ý của bạn bè. Mọi người like, bình luận nhiều đồng nghĩa với việc đăng đàn lần sau phải gay cấn hơn, tôi chả ngại gì phơi bày lên đó những chuyện này nọ ở gia đình, cơ quan để câu like. Sau vài tai nạn bị ném đá trên mạng, hiểu lầm cãi vã ngoài đời thực, tôi mới ý thức được sự tai hại khôn lường nếu như không biết cách sử dụng mạng xã hội.

Với các em học sinh, việc tham gia mạng xã hội chính là việc được công khai hình ảnh cũng như cảm xúc của bản thân với một cộng đồng bạn bè, trường lớp hay trong một nhóm cùng sở thích mà các em tham gia. Tuổi mới lớn khiến các em khao khát được khẳng định cái tôi, cũng như thể việc bố mẹ bắt con gái để tóc dài nhưng con thấy tóc tém mới đẹp, mới cá tính. Những xu hướng thời trang tuổi teen, cảm xúc tuổi teen, tò mò giới tính tuổi teen, cha mẹ thường phớt lờ thắc mắc của con cái và áp đặt con thì chính mạng xã hội sẽ là nơi thôi thúc các em được bày tỏ, thắc mắc và sẽ nhận được vô vàn câu trả lời, hướng dẫn. Chỉ một cái nhấp chuột là các em có thể tìm hiểu được vấn đề mà không phải nghe lời cáu kỉnh, mắng mỏ từ bố mẹ, anh chị.

Trước tình trạng con trẻ “nghiện” mạng xã hội, phụ huynh khó lòng cấm đoán được con tham gia mạng xã hội mà nên đồng hành cùng con như một người bạn. Tôi cho rằng một phụ huynh không hề biết tí gì về mạng thì sẽ không thể có kinh nghiệm để trò chuyện cùng các con. Những lời nhắc nhở chung chung, đe nẹt con cái hầu như phản tác dụng. Là một người từng “nghiện” mạng xã hội, hiểu tường tận mặt trái và những góc tối của Facebook nên tôi hiểu rõ tâm trạng của các em. Có khi những chia sẻ, hỏi han và những câu chuyện vui trên mạng khiến các em rất hào hứng tham gia. Có em học lớp 9, khi tôi vừa đi bộ vừa trò chuyện với em về Facebook, em hồn nhiên nói: "Chúng cháu toàn vào mạng chê cô giáo béo như lợn, xấu xí. Bọn cháu lập nhóm trên mạng chửi nhau với mấy đứa khác, nó chửi lại cháu là hôm sau cháu đánh nó luôn". Lý do cãi cọ, đánh chửi nhau nơi trường lớp được cháu lý giải rất cụ thể như "con đấy láo xược, dám thích người yêu bạn cháu, không cho cháu nhìn bài, cháu sai đi quét lớp phiên trực nhật của cháu, nó dám từ chối". Có em thì bập vào yêu sớm, mạng xã hội tiện quá, không mất thêm tí tiền nào mà tâm tình được với nhau suốt ngày.

Để con em không đắm chìm vào thế giới ảo thì phụ huynh cần quan tâm tới con nhiều hơn, trò chuyện cùng con để theo kịp tâm trạng thất thường của các con. Như vậy mới có thể kéo con trở về với cuộc sống thực, định hướng cho con cuộc sống thật rất đẹp bằng những hành động cụ thể như vào bếp, đi chợ cùng con, dạy con cắm hoa thêu thùa, cùng con bình luận về một cuốn sách, một bộ phim hay mà bố mẹ và con cùng đọc, cùng xem. Tôi thấy một hiện tượng phổ biến là con càng lớn thì giao tiếp giữa bố mẹ và con cái càng thu hẹp: con chỉ thấy cần bố mẹ khi phải xin tiền đóng học và bố mẹ phát hoảng lên khi sự đã rồi mới dành thời gian hỏi chuyện con. Các em sống giữa gia đình mà cô đơn lạc lõng rất dễ trở thành con thiêu thân trên mạng xã hội.

Mỹ Đức 

(Đông Anh, Hà Nội)

 

Dòng sự kiện: Khi học trò sống ảo