Nhật ký cho con:

“Tạm biệt con gái yêu, mẹ đi theo cơm có thịt”

(Dân trí)-Những ngày giữa tháng 5 nắng nóng, trong khi người người háo hức xuống biển thì đoàn Cơm Có Thịt Nhật từ VYSA cùng đoàn Cơm Có Thịt Hà Nội xách ba lô lên núi. Đường xa không ngại khi trong tim mỗi thành viên đều đầy ắp tình yêu thương dành cho các bé vùng cao.

Trên vai mỗi thành viên đều trĩu nặng niềm tin, hy vọng của bao người ở lại đang dõi theo từng bước chân của cuộc hành trình. 

Xe đưa mẹ đi theo con đường lên huyện Bát Xát, xã Pa Cheo - nơi mà tổ chức Cơm Có Thịt Nhật của mẹ đang ấp ủ kế hoạch đỡ đầu 386 học sinh tiểu học. Đường đi nhiều đoạn cua gập ghềnh, cheo leo và hiểm trở. Một bên là núi đá, một bên là vực sâu thăm thẳm, phía trước là đường hẹp chỉ vừa gọn cho 4 bánh ô tô, phải lái thật khéo mới đi lọt. Mẹ thực sự sợ hãi và luôn bị ám ảnh bởi những suy nghĩ dại dột. “Lỡ mẹ có làm sao, chỉ thương con gái bé bỏng”. Con gái yêu, vì một trong những điều mẹ sợ nhất trên đời là con không có mẹ. Thế mới biết nhiều thành viên của Cơm Có Thịt, nếu không đủ dũng cảm, không đủ nhiệt huyết, không đủ nhân ái, thì sao có thể đi liên tục và triền miên đến vậy.

Pa Cheo nơi mẹ đến, lúc mưa lúc nắng thất thường. Nghe nói mùa này là mùa dân đang đói. Điểm trường đầu tiên mà đoàn dừng chân là trường chính Kim Sáng Hồ. Trường chính, tức là nơi có cơ sở vật chất khang trang nhất so với các điểm trường ở bản vùng sâu vùng xa. Dù vậy, nhìn vào khu ký túc xá của giáo viên cũng không khỏi ngậm ngùi. Một dãy nhà lụp xụp nền đất, vách nứa, không có gì đáng giá ngoài một cái giường. Mẹ được giải thích rằng những gian nhà đó còn có thể thành căn phòng hạnh phúc của các thầy cô khi lập gia đình. Mẹ cũng là cô giáo, mẹ may mắn được sinh ra và lớn lên ở thành phố, may mắn được học tập và làm việc tại những ngôi trường lớn và nổi tiếng. Mẹ đã tự hỏi liệu mẹ có đủ can đảm và hy sinh để về đây dạy học không? Mẹ xấu hổ với câu trả lời của chính mình. Mẹ chỉ biết cầu mong những đồng nghiệp của mẹ ở nơi xa xôi ít người biết tới này sẽ không bao giờ nản lòng mà từ bỏ công việc cao quý họ đang làm. Bởi nếu ai cũng ngại khó ngại khổ thì những tuổi thơ ngơ ngác kia sẽ đi về đâu?

Trường chính Kim Sáng Hồ, bữa trưa qua làn nước mắt của các cô các bác trong đoàn Cơm Có Thịt. Con có thể hình dung được những cặp lồng chỉ có cơm với mấy củ gừng hoặc một chút muối, không hề có thức ăn không? Đó là bữa trưa của các bạn tầm tuổi con đấy. Con có thể hình dung được những túi nylon buộc dúm dó vứt chỏng chơ trên bệ cửa sổ kia không? Đó cũng là bữa trưa của các bạn tầm tuổi con đấy. Mẹ đã sống gần nửa cuộc đời, đi hết gần nửa đất quê hương, vậy mà chưa bao giờ hình dung nổi ở đâu đó trên dải chữ S thân yêu này lại có những tuổi thơ khiến mẹ nhói lòng đến vậy.
 
Bữa trưa tại Phân hiệu Xéo Pa Cheo (Tiểu học Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai)
Bữa trưa tại Phân hiệu Xéo Pa Cheo (Tiểu học Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai).

Điểm trường tiếp theo mẹ đến là Xéo Pa Cheo và Tả Pa Cheo. Xa hơn, sâu hơn. Ở đây mẹ không còn nhìn thấy bóng dáng của cặp lồng đâu nữa, hầu như chỉ có túi nylon con à. Mẹ đến nơi khi các bạn của con sắp đến giờ ăn trưa. Mẹ cùng các cô các bác trong đoàn giúp các bạn mở túi nylon. Nghẹn lòng trước những túi cơm thậm chí còn chẳng có thìa, chứ chưa nói đến đồ ăn. Một lần nữa mẹ quay mặt đi vì không muốn các bạn thắc mắc vì sao mẹ khóc. Nhưng các bạn của con ngoan lắm, hồn nhiên ăn rất ngon lành. Không cần biết mỗi miếng cơm vào miệng là lại thêm nghẹn ngào dâng lên trong tim mẹ và mọi người trong đoàn.

Buổi chiều cùng ngày, đoàn của mẹ tiếp tục hành quân đến một điểm trường xa và sâu hơn nữa. Đường xấu và xóc khiến người như sắp nẩy khỏi xe. Xe không vào được tới nơi, cả đoàn phải đi bộ gần 2 cây số, leo dốc giữa cái nắng miền núi tháng 5 chang chang rát bỏng. Con đường đất đỏ mùa hạ khiến người lớn còn thở dốc, thì mùa mưa rét mướt và lầy lội, những bạn tiểu học mang thân hình của trẻ lên 4, lên 5 có lẽ phải bò con ạ.

Pờ Sì Ngài, cái tên mà mãi mẹ mới nhớ nổi, bé nhỏ, lặng lẽ, tiêu điều và cô đơn đến tội nghiệp. Không thể gọi là trường vì nơi đây chỉ là mấy gian nhà vách nứa dựng tạm trên nền đất gồ ghề, chẳng có điện, chỉ có ánh mặt trời le lói xuyên qua mái nhà xếp bằng vài tấm gỗ mỏng manh xộc xệch. Mùa đông sẽ càng thêm phần tăm tối. Cô Sợi - hiệu trưởng mời đoàn vào phòng giáo viên nghỉ ngơi. Không có quạt, mà nếu có thì cũng không có điện. Nơi gọi là phòng này, tường bao chỉ là mấy tấm liếp, mấy vách nứa, khá hơn là mấy tấm vải bạt thủng lỗ chỗ. Nếu ập đến một cơn mưa lớn, hoặc một cơn gió lốc thì sẽ chẳng còn gì cả. Đưa đoàn vào lớp giao lưu với học sinh, đôi mắt rưng rưng cô kể: “Các cô thường trích lương để mua thêm mỳ tôm làm canh chan cho các con”, “Nhiều học sinh đi học phải cõng thêm em bé 3 tuổi trên lưng.Thương qúa các cô cũng đành cho vào lớp, rồi kiêm luôn cô giáo mầm non. Vì nếu không làm vậy thì học sinh chỉ còn cách nghỉ học ở nhà trông em”. Vậy là khẩu phần ăn trưa đã ít, lại phải san sẻ, nên càng đói đến đau lòng. Mẹ cúi nhìn xuống dưới chân, thấy đang lồm cồm bò trên sàn đất một bé gái chừng 3 tuổi, chẳng mặc quần, chiếc áo nỉ đen nhẻm đã ngắn hở đến nửa bụng, miệng ngậm cái kẹo mút mà ai đó trong đoàn đã cho. Bé cứ lủi thủi bò từ xó này đến xó khác, hoảng hốt, sợ sệt mỗi khi có người lạ tới gần. Mẹ cố gắng làm quen để bế được bé lên, nhìn vào đôi mắt bé, thấy nơi đó sáng tươi và trong veo đến lạ kỳ. Cô Sợi kể: “Bé này bố mất, mẹ đi đâu biệt tích. Hàng ngày bé bám theo các anh các chị đến trường, lang thang vạ vật. Thương quá, các cô lại đành cho vào lớp, rồi lại cùng chia nhau khẩu phần ăn vốn đã vô cùng eo hẹp”. Đất cát trên người bé bám vào quần áo mẹ đỏ quạch một mầu tê tái. Mẹ bất giác nghĩ đến con gái nhỏ. Cũng bất giác lệ tràn mi.

Nhờ sự dẫn đường của cô giáo Hồng (tiểu học Tả Lèng), đoàn của mẹ lại tiếp tục đi bộ qua lối mòn bùn đất lầy nhầy, lợn đeo gông ụt ịt rúc góc hàng rào, mùi phân hoi nồng, để đến thăm nhà bạn học sinh giỏi Lý Thị Ghênh. Khom người chui vào căn chòi xiêu vẹo, chỉ có Ghênh và 2 cậu em đang ngồi lặng lẽ trong xó tối. Cha mất, mẹ và chị lớn đi làm nương, em út đi mẫu giáo. Bên bếp lửa sắp tàn, lay lắt cháy không đủ hơn ấm để hong khô manh áo sũng nước mưa trên người mấy chị em Ghênh, cả đoàn bỗng lặng đi không ai nói nổi một lời nào.
 
Đoàn tình nguyện viên của Cơm Có Thịt bên căn nhà của Ghênh
Đoàn tình nguyện viên của Cơm Có Thịt bên căn nhà của Ghênh.

Đêm Pa Cheo. Đoàn của mẹ quyết định nghỉ đêm tại trường Nội Trú Cấp 2 Pa Cheo, thay vì quay về Lào Cai. Một đêm trắng với nhiều thành viên trong đoàn - một đêm đầy ý nghĩa với Cơm Có Thịt. Giao lưu văn nghệ, liên hoan, tặng quà, cùng nắm tay nhau múa quanh lửa trại. Niềm vui sướng sáng bừng trên khuôn mặt trẻ thơ, niềm hạnh phúc rạng ngời trong ánh mắt thầy cô giáo, và niềm hy vọng xen lẫn tự hào dâng nghẹn con tim của các thành viên Cơm Có Thịt.

Bình minh Pa Cheo. Yên lành hay cô quạnh khi mà mẹ không nghe thấy cả tiếng gà gáy sáng. Mẹ nhìn lên trời cao vời vợi, những dải mây ngút ngàn bềnh bồng như suối tóc mềm của thiếu nữ Mông. 15, 16 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, đã phải nghỉ học lấy chồng, đã phải đèo bòng con cái. Thầy giáo Minh (trường Nội Trú Cấp 2 Pa Cheo), một tình nguyện viên tận tâm của Cơm Có Thịt, kể rằng nhiều nhà muốn có con dâu chỉ để thêm người lao động. Các bé gái dân tộc phải làm vợ, làm mẹ khi chưa kịp đi qua thời thiếu nữ, cái thời đẹp nhất của đời người. Giống như lá non chưa đến mùa úa vàng đã vội lìa cành. Mẹ lại bất giác nghĩ đến con gái nhỏ. Cũng lại bất giác lệ tràn mi.

Đoàn tạm biệt các thầy cô và học sinh trường Nội trú cấp 2 Pa Cheo để đi nốt đoạn cuối cuộc hành trình. Những cái bắt tay thật chặt chan chứa nghĩa tình của người đi và người ở. Người đi gửi lại nỗi nhớ, niềm thương, người ở gửi theo đợi chờ, hy vọng. Mẹ thấy ấm áp đến nao lòng.

Sau vài đêm mất ngủ, nhiều giờ ngồi ô tô, rồi lại đi bộ leo ngược những con dốc nắng, đoàn đã rất mệt. Mẹ cũng cảm thấy đôi chân mỏi rã rời.

Vẫy tay chào Pa Cheo, nhưng đoàn vẫn chưa thể quay về Hà Nội vì vẫn còn nhiều điểm cần đến trên miền đất Bát Xát này. Phía trước là Dềnh Thàng, nơi Cơm Có Thịt từng dừng chân trong chuyến đi vào mùa đông rét mướt cuối năm 2011.
 

Các tình nguyện viên, sau chuyến đi Dềnh Thàng cuối năm 2011, đã chia sẻ về tình cảnh của hai anh em với cộng đồng. Và một thành viên Cơm Có Thịt cùng một số thành viên của Nhóm Giỏ Thị đã ngỏ ý muốn giúp hai anh em tiền ăn mỗi tháng. Cô hiệu trưởng trường Mầm non Dềnh Thàng khi đó đã là đầu mối tiếp nhận, giúp hai anh em có thêm gạo và đồ ăn trong những ngày nghỉ học. Anh Chao biết nấu cơm cho em nên những ngày tháng đó cũng tạm an lòng. Nhưng đến năm nay cô hiệu trưởng chuyển công tác về trường khác nên mất kết nối. Người Hà Nội thì quá bận rộn, miền núi lại xa thăm thắm, dõi theo hoài không tìm lại được hai anh em. Dẫu vẫn biết hai anh em lại đang bơ vơ đói khát, cùng đành ngậm ngùi nén nỗi xót xa vào trong tim. Em Lan giờ học lớp 1, ít nhiều vẫn có cơm trưa theo tiêu chuẩn của Cơm Có Thịt. Tội nghiệp anh Chao lại cút côi một mình. Lần này ghé Dềnh Thàng, đoàn muốn có lại kết nối với hai anh em Chao, Lan. Gặp lại hai anh em Chao, Lan trong tình cảnh không áo cơm cù bất cù bơ mà xót nhói lòng.

Căn nhà trơ trọi trên đồi cao của hai anh em Tráng A Chao và Tráng Thị Lan đã từ lâu bếp tàn tro lạnh, mạng nhện che phủ bàn thờ của người mẹ trẻ. Bé anh Tráng A Chao 8 tuổi nhưng chỉ nhỉnh hơn trẻ lên 5, bé em Tráng Thị Lan 6 tuổi năm nay đã đi học lớp 1. Anh Chao vốn không gia đình, được bố mẹ em Lan nhận về nuôi trước khi sinh em Lan. Hai anh em giờ mồ côi mẹ, bố đi làm ăn xa chẳng mấy khi về, như hai cây non lẻ loi yếu ớt đang cố gắng tồn tại trên mảnh đất cằn, chỉ còn nhau là chỗ dựa duy nhất. Ngày em Lan đi học mầm non, ít nhiều được ấm lòng nhờ bữa cơm trưa với tiêu chuẩn 120.000đồng/tháng từ Cơm Có Thịt. Nhưng anh Chao thì tội lắm, chân tật nguyền cà nhắc, vì là con nuôi nên không có giấy tờ tùy thân, nên không được đến trường. Hàng ngày anh Chao lang thang khắp bản cho đến khi đói lòng lại quay về thập thò cửa lớp Mầm Non Dềnh Thàng nơi có em Lan đang học. Các cô giáo, cũng là những người mẹ, sao có thể quay mặt đi khi ánh mắt anh Chao tuyệt vọng: “con đói”. Những ngày trường lớp nghỉ, hai anh em không có cái ăn, lại dắt díu nhau đi khắp bản, ai cho gì ăn nấy. Tối lại lếch thếch đưa nhau về căn nhà cô độc trên đồi cao. Chẳng ai dám qua lại để cưu mang vì dân bản đồn rằng người mẹ sau khi đi Trung Quốc về bị con ma bắt.

Năm nay em Lan đã đi học lớp 1, tiêu chuẩn mầm non 120.000 đồng/tháng để san sẻ cho anh Chao không còn. Nhưng như một thói quen, những lúc đói lòng, anh Chao lại tập tễnh tìm về lớp Mầm Non Dềnh Thàng, nhưng giờ em Lan đâu còn học ở đó nữa.

Hai anh em mồ côi mẹ, vắng cha hai anh em Chao, Lan
Hai anh em mồ côi mẹ, vắng cha hai anh em Chao, Lan.
 
Hình ảnh hai đứa trẻ đầu trần chân đất tập tễnh dắt díu nhau khuất dần cuối con đường dốc có lẽ suốt đời mẹ không quên được. Gương mặt u hoài không chút bóng dáng nụ cười đó chắc cũng sẽ là nỗi ám ảnh không thể nguôi của mẹ.
 
Cả đoàn lặng nhìn theo bóng hai anh em Chao, Lan khuất dần cuối con dốc nắng
Cả đoàn lặng nhìn theo bóng hai anh em Chao, Lan khuất dần cuối con dốc nắng.

Còn nhiều lắm những nơi cần đến trên mảnh đất Bát Xát này. Còn nhiều lắm những câu chuyện mẹ muốn kể con nghe. Để một khi nào đó trong trái tim con tràn ngập tình tương thân tương ái, con sẽ không còn hờn dỗi và mếu máo: “Mẹ lại đi theo Cơm Có Thịt à? Con không muốn mẹ đi. Con chỉ muốn mẹ ở nhà với con.”

* Bài viết có sử dụng một số thông tin và ảnh do anh Hoàng Minh Hùng và chị Lana Nguyễn (Cơm Có Thịt Hà Nội) cung cấp. 

* Chương trình CƠM CÓ THỊT Nhật từ VYSA là chương trình thiện nguyện do Quỹ tấm lòng vàng trực thuộc hội Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) khởi xướng từ tháng 11/2012.

Đỗ Hương Giang
Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai, những ngày tháng 5/2013