Tuyển sinh ĐH, CĐ 2005:

“Tấm chăn ba chung” hở tứ bề

Cái “chăn ba chung” (chung ngày thi, chung đề và sử dụng chung kết quả thi) không dùng được nữa - Đó là khẳng định của nhiều trường ĐH thuộc hàng “top”. Một nhà tuyển sinh thậm chí “vỡ mộng” trước các điểm 9, 10 không mong đợi: “Tôi không chọn được học sinh của tôi, đó chưa phải là học sinh giỏi”.

Một nhà tuyển sinh ở một trường ĐH tầm cỡ bày tỏ: “Năm ngoái trường tôi chỉ có vài thủ khoa, được tuyển thẳng vào hệ cử nhân tài năng. Năm nay, có tới 200-300 thủ khoa (con số chưa chính thức), mà lại không phải là học sinh giỏi thật, chúng tôi biết làm thế nào?”

 

“Lụt” thủ khoa và nỗi bức xúc của các nhà tuyển sinh

 

Nhớ năm 2003, cả nước chỉ có 2 TS đạt 30/30 điểm, đều nằm ở trường ĐH Xây dựng Hà Nội, thủ khoa dạo đó được coi như một hiện tượng của mùa thi. Mùa tuyển sinh năm 2004, cả nước đã có 39 thủ khoa.

 

Năm nay, vừa mới vài ba trường công bố điểm đã có những tin về thủ khoa bay ra tới tấp: 3 TS ĐH Ngoại thương đạt điểm tuyệt đối (chỉ mới tính ở cơ sở 2); thêm 4 thí sinh đạt điểm tuyệt đối ở ĐH Dược...

 

Theo dự đoán con số thủ khoa năm nay có thể lên tới hàng trăm và tuy chưa có thông báo chính thức, nhưng tin đồn về “cơn mưa” điểm 9, 10 không khỏi làm dư luận hoang mang.

 

Dù chưa tổng hợp điểm chính thức, nhà tuyển sinh ở một trường ĐH danh tiếng tỏ ra bức xúc: “Tài năng là phải tuyển. Không thể bắt các trường đắp chung một tấm chăn “ba chung” một cách khiên cưỡng như thế này được!…”.

 

Tấm chăn “ba chung” chật chội

 

“Tấm chăn ba chung” hở tứ bề - 1
  

Điểm thi quá cao hay quá thấp đều khiến

các nhà tuyển sinh lo lắng.

 

Trước khi những “cơn mưa” điểm 9, điểm 10 “rơi xuống”, mới chỉ đọc đề thi, thành viên Ban chỉ đạo thi Học viện Quan hệ Quốc tế Nguyễn Vũ Tùng đã phản ánh: “Ba chung” đã làm cho người ta khó tuyển sinh. Ngoài trí tuệ, khả năng sáng tạo..., Học viện cần những TS có năng khiếu đặc biệt về học ngoại ngữ. Vậy mà lại phải chịu chung một cuộc sát hạch mà đề thi dành cho mọi đối tượng có thể làm được và chỉ thỏa mãn một số kỹ năng nhất định (chủ yếu là ngữ pháp).

 

Trước thời kỳ “ba chung”, Học viện tự ra đề, đề khó và tuyển được học sinh giỏi thực sự nên chỉ tốn 1 năm để đào tạo cơ bản trước khi đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành; nay vì “ba chung”, Học viện phải mất thêm 1 năm dạy ngoại ngữ cơ bản (trong khi chương trình học chỉ còn 4 năm) vì TS đầu vào chủ yếu “ăn” điểm ở Toán, Văn.

 

Nếu cứ tiếp tục cuộc “ba chung”  thế này thì Học viện cần được xếp vào trường năng khiếu mới có thể tuyển được theo yêu cầu đào tạo”.

 

Nghĩ đến con số khoảng 200 - 300 thủ khoa như dự đoán, một nhà tuyển sinh không khỏi kêu trời. Theo ông, “ba chung” chỉ là giải pháp tình thế trong những sửa đổi hoàn toàn mang tính tình thế của giáo dục hiện nay và giờ đây, giải pháp này đã hết vai trò lịch sử.

 

Giải pháp nhập 2 kỳ thi có thích hợp không?

 

Trong lúc “ba chung” còn đang làm các nhà tuyển sinh bối rối thì sắp tới, theo dự kiến, ngành GD - ĐT lại tung ra một bước cải tiến mới là nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thành 1 kỳ thi duy nhất vào năm 2008.

 

Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: “Năm nào mình cũng có một cuộc thi trong toàn quốc, huy động từ cha mẹ, ông bà anh chị em đến công an, cảnh sát, xe lửa, tầu bay,… khiến toàn xã hội nháo nhào. Thật khốn khổ! Vấn đề của GD phải giải quyết một cách tổng quát chứ không thể chắp vá mãi được”.

 

GS Nguyễn Cảnh Toàn cho rằng không nên nhập 2 kỳ thi, một bên là thi tuyển sinh, tuyển chọn những em xuất sắc để đào tạo chuyên môn. Một bên là kỳ thi tốt nghiệp, kiểm tra xem các em đã hoàn thành bậc văn hóa bắt buộc chưa. Hai kỳ thi này hoàn toàn khác nhau về tính chất. Nhập 2 thứ khác nhau vào một sẽ dễ sinh ra nhiều tiêu cực.

 

Tại sao chất lượng ĐH kém? Muốn sửa phải sửa ngay từ tuyển sinh đầu vào.

 

Tuyển sinh theo hướng nào?

 

Theo GS Hoàng Tụy, không những tiểu học, THCS, mà còn cả bậc THPT nên bỏ thi tốt nghiệp. Học sinh học đến đâu thi đó, cuối cấp cho học sinh được tốt nghiệp, không thi. Khi chuẩn bị vào ĐH chỉ nên có một kỳ thi theo kiểu sơ tuyển giống kỳ thi SAT của Mỹ. TS qua được kỳ thi này mới có quyền được đăng ký vào các trường ĐH (xin đăng ký chứ không phải được tuyển).

 

Trường ĐH căn cứ vào hồ sơ học tập của thí sinh 3 năm cuối phổ thông, kết quả kỳ thi sơ tuyển  trong toàn quốc và dựa theo tình hình tuyển sinh của nhà trường mới thấy cần gọi học sinh đó hay cần thi tuyển riêng cho trường mình hoặc không. Có thể có những trường không cần thi tuyển mà chỉ dựa vào kết quả sơ tuyển toàn quốc để lấy học sinh.

 

Bỏ thi tốt nghiệp các cấp; tổ chức một kỳ thi quốc gia để lấy ngưỡng chung; những trường của Nhà nước để đào tạo nhân tài, đào tạo cán bộ thì phải thi tuyển riêng... là ý kiến được nhiều trường ĐH ủng hộ hiện nay.

 

Theo Hồ Thu

 Tiền phong