Thí điểm dạy tiếng Anh ở tiểu học:

Tạm chấp nhận những giáo viên đạt từ 400 điểm TOEFL

(Dân trí)- Năm học 2010-201, ngành giáo dục bắt đầu triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học. Theo đó, có 18 tỉnh, thành phố sẽ triển khai thí điểm chương trình này. Tuy nhiên, đến thời điểm này vấn đề giáo trình, giáo viên, cơ sở vật chất vẫn còn loay hoay tìm giải pháp.

Ngày 11/9, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học năm học 2010-2011. Mục tiêu chương trình đặt ra là kết thúc cấp tiểu học, học sinh sẽ đạt trình độ A1.3, tương đương trình độ Movers của Cambridge ESOL. Theo PGS Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trước mắt, sẽ cần khoảng 1.700-2.000 giáo viên (GV), các năm tiếp theo mỗi năm cần khoảng 2.000 GV.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, từ năm học này sẽ thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh 10 năm và dạy đại trà trong các trường tiểu học ngay năm sau. Bộ GD-ĐT đã xây dựng bộ tài liệu dạy học tiếng Anh và hướng dẫn thực hiện chương trình. GV sử dụng bộ tài liệu do Bộ GD-ĐT hướng dẫn và thực hiện theo phân phối chương trình của Bộ để thiết kế và triển khai giảng dạy.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hiển cho hay, GV có thể sử dụng các loại tài liệu tiếng Anh đã dạy có kết quả ở địa phương để thiết kế và triển khai bài dạy với điều kiện phải đảm bảo được các mục tiêu của chương trình tiếng Anh tiểu học và chất lượng của học sinh đạt trình độ tiếng Anh tương đương với cấp độ A1 của khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ. Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình.
 
Tạm chấp nhận những giáo viên đạt từ 400 điểm TOEFL - 1
Từ năm học này sẽ thực hiện thí điểm chương trình tiếng Anh 10 năm trong các trường tiểu học.

Giáo viên, phòng học chưa đạt yêu cầu

Qua kiểm tra, trong số 147 GV được khảo sát chỉ có 28 người đạt được 550 TOEFL; 88 người đạt trên 400 TOEFL. Mặc dù theo quy định, để đủ điều kiện tham gia thí điểm, GV cần có chứng chỉ TOEFL 550.

Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT, cho hay trước mắt, GV chưa đạt điểm TOFEL như yêu cầu vẫn được tham gia dạy nhưng một năm sau phải đạt theo quy định. Còn Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm nay sẽ tạm chấp nhận những GV đạt từ 400 điểm TOEFL.

Tuy nhiên, với yêu cầu mà Bộ đặt ra cho GV đạt chuẩn TOEFL 550/IELTS 6.0 vào cuối năm học 2010-2011 nhiều địa phương kêu trời quá cao so với thực tế. Theo bà Võ Thị Lan, hiệu trưởng Trường tiểu học Đằng Giang, thành phố Hải Phòng: “Điều kiện để được giảng dạy tiếng Anh tiểu học là giáo viên phải có trình độ cao đẳng sư phạm tiếng Anh trở lên, điểm TOEFL 550 trở lên hoặc IELTS 6.0. Đây là tiêu chuẩn vô cùng khó, nhất là trong hoàn cảnh các trường không có biên chế cho giáo viên tiếng Anh mà chỉ ký hợp đồng".
 
"Do vậy, cần phải có cơ chế để giáo viên tiếng Anh được vào biên chế, nếu không sẽ quá thiệt thòi cho họ" - bà Lan đề nghị.

Tuyển được GV giỏi đã khó nhưng có được cơ sở vật chất, phòng học đạt tiêu chuẩn còn khó hơn. Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, hoạt động dạy học phải được tổ chức thông qua môi trường giao tiếp đa dạng, phong phú với các hoạt động tương tác như vẽ tranh, kể chuyện, câu đố. Trong quá trình dạy học, cần sử dụng đồng bộ các tài liệu và phương tiện dạy học như sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, thiết bị nghe nhìn...

Tại hội nghị, nhiều địa biểu cho biết, cơ sở vật chất còn quá thiếu, không đáp ứng được yêu cầu mà Bộ đề ra. Bà Nguyễn Thị Minh Tâm - hiệu trưởng Trường tiểu học Phả Lại 2, thị xã Chí Linh, Hải Dương cho rằng, để dạy chương trình tiếng Anh đạt kết quả cao nhất, phải có phòng nghe nói riêng, nhưng hiện tại, nhà trường dù đã cố gắng nỗ lực rất lớn nhưng đến nay, phòng này vẫn chưa có. Hiện tại, trường cũng có phòng riêng dạy tiếng Anh nhưng chỉ với các điều kiện trang thiết bị tối thiểu nhất.
 
Trước những kiến nghị trên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ sẽ có kế hoạch bồi dưỡng thêm cho đội ngũ GV tham gia, tuy nhiên, GV phải dựa vào việc tự học để nâng cao trình độ là chính. Các địa phương cần bắt đầu xây dựng lộ trình đào tạo GV. Về kinh phí, chương trình này nằm trong chương trình giáo dục quốc gia nên sắp tới, các trường được thí điểm sẽ có kinh phí phục vụ triển khai chương trình.

Không thi tuyển và thu tiền đối với học sinh học tiếng Anh

PGS Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, việc đưa môn tiếng Anh vào giảng dạy thí điểm trong năm học này và trở thành môn học bắt buộc trong những năm học tiếp theo, các trường tuyệt đối không thu tiền đóng góp của phụ huynh. Đề án được đầu tư ngân sách nhà nước nên không có lý do gì để thu thêm tiền của phụ huynh.

Đặc biệt, các trường không được phép thi tuyển để vào học tiếng Anh hay kiểm tra năng lực dưới bất kỳ hình thức nào đối với học sinh ở các trường. Khi tiếng Anh đã trở thành môn học bắt buộc thì tất cả các môn học đều công bằng như nhau, mọi học sinh đều có quyền vào học.

Những tỉnh thành được tham gia thí điểm tiếng Anh: Hà Nội có 9 trường; Hải Phòng: 6 trường; Nam Định: 5 trường; Vĩnh Phúc: 5 trường; Hải Dương: 4 trường; Thái Bình: 4 trường; Thanh Hoá: 6 trường; Nghệ An: 8 trường; Thừa Thiên - Huế: 3 trường; Đà Nẵng: 4 trường; Khánh Hoà: 3 trường; TPHCM: 9 trường; Đồng Nai: 4 trường; Bà Rịa- Vũng Tàu: 4 trường; Cần Thơ: 5 trường; Hà Nam: 2 trường; Hà Tĩnh: 4 trường; Hòa Bình: 3 trường.

 

Hồng Hạnh