Tâm lý đám đông khi chọn trường

Năm nay, thí sinh có 12 ngày để lựa chọn trường đại học và ngành học muốn đăng ký xét tuyển, từ ngày 1 đến 12/8. Theo dõi những ngày đầu xét tuyển, có thể thấy các trường ĐH vốn được xem như top trên vẫn luôn thu hút số lượng thí sinh nộp hồ sơ nhiều nhất, trong khi chưa chắc việc lựa chọn mã ngành của thí sinh đã phù hợp, vì nhiều em mải chạy theo tâm lý đám đông.

Dù năm nay, Bộ GD-ĐT có thêm hình thức xét tuyển bằng phương thức trực tuyến thông qua phần mềm của Bộ nhưng ngay trong 3 ngày đầu tuyển sinh, số hồ sơ nộp trực tiếp tại các trường này vẫn lên đến con số hàng nghìn.

Trong khi đó, các trường được coi là “top dưới”, trường cao đẳng, trường nghề dù đã vận dụng nhiều chiêu thức thu hút thí sinh như các chương trình học bổng, bốc thăm trúng thưởng, hỗ trợ học phí đối tượng khó khăn… nhưng vẫn còn rất thưa thớt hồ sơ.

Có thể thấy, quy định có kết quả điểm thi rồi mới chọn trường, chọn ngành đăng ký xét tuyển, cùng với các chương trình tư vấn tuyển sinh được tổ chức ngày càng thiết thực, đã giúp các thí sinh chủ động và nhiều cơ hội hơn trước cánh cửa đại học, cao đẳng.

Quan tâm hàng đầu của thí sinh cũng như phụ huynh bây giờ không còn là được bước chân vào một trường đại học nữa, mà là chọn ngành, nghề gì để đảm bảo hài hòa nhất giữa cơ hội trúng tuyển, cơ hội việc làm và sở thích của bản thân…

Dù vậy, trước “ma trận” thông tin về các trường ĐH-CĐ hiện nay, không ít thí sinh vẫn loay hoay, nhất là khi các trường đua nhau mở ra nhiều ngành học mới, ngành học “hot” trong khi chưa có một bộ tiêu chuẩn hay bảng xếp hạng đánh giá chất lượng các trường để làm căn cứ. Nhiều thí sinh vẫn chọn trường học, ngành học theo cảm tính, theo trào lưu, theo độ “hot” của trường, của ngành học.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải cứ ngành nào trong top điểm cao thì thí sinh khi ra trường sẽ dễ kiếm việc và cho thu nhập cao. Có một số ngành không được coi là “hot”, thậm chí rất ít thí sinh theo học nhưng lại có nhu cầu nhân lực lớn và mức lương hấp dẫn. Bởi vậy, trường top trên, top dưới hay ngành “hot” hiện nay chỉ mang tính cảm quan, do tâm lý đám đông chứ chưa có căn cứ thực tế.

Giữa tâm lý đám đông khi chọn trường không ít thí sinh lạc vào địa chỉ không như mong đợi, mà ở đó người ta bằng mọi giá thu hút người học nhưng không quan tâm đến chất lượng đầu ra khi sinh viên tốt nghiệp, để dễ kiếm việc làm. Một trường có chất lượng tốt chưa chắc đã cần thu hút được những thí sinh điểm cao nhất, mà phải là trường có thể đào tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất.

Yêu cầu này càng cấp thiết khi chúng ta bước vào hội nhập sâu rộng, nguồn nhân lực không chỉ phải đáp ứng yêu cầu trong nước mà còn phải đảm bảo trình độ và các kỹ năng để hội nhập, cạnh tranh với lao động trên thế giới.

Theo Linh Thật

An Ninh Thủ Đô