Tâm sự của một thầy giáo về thi cử

(Dân trí) - Đã từ rất lâu tôi luôn day dứt trăn trở với câu hỏi “Vì sao học sinh lười học?”. Sau nhiều năm giảng dạy tôi nhận thấy 1 thực tế là học sinh không chịu học là vì việc kiểm tra đánh giá quá dễ dãi.

Học sinh không học nhưng vẫn được đánh giá xếp loại trung bình để được lên lớp.Thậm chí có nhiều em bị buộc phải nhận danh hiệu học sinh tiên tiến hay học sinh giỏi một cách “oan ức” vì thành tích chung của nhà trường và của lớp. Có những em được giấy khen về là giấu biến đi không dám cho ai biết. Sự việc trên mấy năm gần đây mới được đặt cho cái tên là “căn bệnh thành tích”.

Từ tâm sự của một thầy giáo đứng lớp….

Cách đây từ nhiều năm khi mà ngành giáo dục lấy thành tích học tập của học sinh để làm 1 tiêu chí quan trọng đánh giá xếp loại thi đua cho giáo viên với phương châm thành tích năm sau phải luôn cao hơn năm trước. Tôi đã “đơn phương” đánh giá chất lượng thật của học sinh, không ít lần bị Ban giám hiệu nhắc nhở về việc này.

Tôi đã tìm mọi cách để chống quay cóp, gian lận trong kiểm tra. Ví dụ như kiểm tra miệng, để tránh hiện tượng học sinh nhắc bài cho nhau, tôi chuẩn bị sẵn câu hỏi ra giấy, khi gọi học sinh lên bảng tôi đưa câu hỏi cho học sinh. Như vậy học sinh ngồi bên dưới không biết câu hỏi như thế nào để nhắc bài cho bạn. Đồng thời ra bài tập cho các học sinh còn lại. Khi kiểm tra viết, tôi cố gắng soạn nhiều đề khác nhau để những học sinh ngồi cạnh nhau không có cơ hội trao đổi, quay cóp.

Từ năm 2005, Bộ GD-ĐT có chủ trương thi trắc nghiệm, tôi cho đây là việc làm rất đáng hoan nghênh. Với phần mềm trộn đề, chỉ cần soạn 1 đề có thể tạo ra rất nhiều mã đề có cùng nội dung nhưng thứ tự sắp xếp các câu hỏi và đáp án bị đảo lộn nên rất khó khăn cho 2 học sinh ngồi cạnh nhau trao đổi, quay cóp.

Từ khi có chủ trương thi kiểm tra trắc nghiệm thì ở trường tôi cũng rộ lên phong trào thi trắc nghiệm, nhà trường bắt buộc giáo viên phải kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm. Và lúc đó thì “người người trắc nghiệm”, “bài bài trắc nghiệm”, tất cả các bài kiểm tra từ 15 phút, 1 tiết đến kiểm tra học kỳ đều được tổ chức thi trắc nghiệm.

Nhiều giáo viên cứ mua những bộ đề thi trắc nghiệm rồi chỉ cần pho to 1 mã đề cho học sinh làm, thế là kết quả cứ gọi là cao “chót vót”.

Từ năm 2000 tôi đã mua 1 máy vi tính, học sử dụng rồi sử dụng phần mềm trộn đề để tạo ra rất nhiều phiên bản khác nhau. Một lớp 45 học sinh tôi tạo ra 8 hoặc 10 thậm chí 15 mã đề khác nhau.

Trong khi coi kiểm tra tôi yêu cầu học sinh tập trung vào bài làm của mình, không nhìn ngang nhìn dọc, không hỏi, không trả lời. Ai vi phạm mỗi lần nhắc tên bị trừ 1 điểm.

Để tránh tình trạng học sinh không có kiến thức khoanh bừa để lấy điểm ăn may, tôi đã thực hiện trừ điểm những lựa chọn sai. Rất nhiều học sinh lười học phản đối quyết liệt quy định này của tôi.

Tôi đã giải thích với các em rằng, như thế mới là công bằng. Nếu các em không muốn bị trừ điểm thì đừng khoanh bừa, câu nào biết chắc chắn đúng thì hãy khoanh. Muốn biết câu nào chắc chắn đúng thì phải học.

Với việc kiểm tra 15 phút và kiểm tra miệng, vì đây là bài kiểm tra kiến thức trong phạm vi hẹp nên tôi vẫn áp dụng hình thức tự luận với nhiều mã đề có nội dung khác nhau. Bởi vì nếu quá lạm dụng hình thức trắc nghiệm, bài nào cũng trắc nghiệm thì sau khi tốt nghiệp THPT, tôi nghĩ, học sinh chỉ có kỹ năng duy nhất là khoanh tròn hoặc bôi đen mà không có khả năng tư duy lập luận hay mất đi tính sáng tạo.

Đối với khâu chấm bài tôi luôn đảm bảo nguyên tắc “chính xác, công bằng” không thiên vị hay châm chước bất cứ trường hợp nào dù học sinh đó là con cháu tôi. Do vậy mà kết quả những lớp của tôi rất thấp. Rất nhiều học sinh dưới điểm trung bình. Phổ điểm các bài kiểm tra của các lớp tôi dạy rất rộng, từ không điểm đến mười điểm đều có cả.

Nhiều lần tôi bị Hiệu trưởng gọi lên chất vấn: “Tại sao môn học của các giáo viên khác đều có kết quả rất cao còn môn của anh lại có kết quả thấp như vậy? Anh phải xem lại chuyên môn và phương pháp của mình, nếu không cải thiện được tôi buộc phải trả anh cho Sở.”

Mặc dù chuyên môn của tôi luôn được tổ bộ môn đánh giá là khá hoặc giỏi. Có một số giáo viên chủ nhiệm do lo ngại đến thành tích của lớp mình sau khi “bóng gió” với tôi không có kết quả họ đã gợi ý cho học sinh viết đơn tập thể đề nghị đổi giáo viên.

Rốt cuộc cũng chẳng có ai dám vào dạy những lớp mà học trò viết đơn “kiện” giáo viên như thế. Cũng có nhiều giáo viên gặp tôi đề nghị “giúp đỡ” nâng “điểm khống” để có học bạ đẹp cho 1 số trường hợp nhưng tôi đều khéo léo từ chối và giải thích cho họ hiểu rằng điểm số không quan trọng bằng kiến thức.

Cũng có không ít người không bằng lòng với tôi. Họ cho rằng tôi không thức thời, không khôn ngoan. Thậm chí có người cho tôi là “hâm” là “chập mạch” giống thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây.

Cho đến những niềm tâm huyết với ngành giáo dục

Tôi cho rằng nguyên nhân là do khâu thi cử không nghiêm túc và đề nghị cải cách thi cử. Tôi cho rằng đó là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Tôi đã đề xuất với bộ GD- ĐT ý tưởng gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. Đây là một việc làm nhưng đạt được rất nhiều mục tiêu: vừa giảm phiền hà, lãng phí cho nhân dân và ngân sách nhà nước, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh trong thi cử làm cho tính chất của kỳ thi nghiêm túc hơn.

Vừa qua tôi rất vui mừng được biết năm 2009 Bộ GD & ĐT sẽ chủ trương chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất, vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ.

Tôi cho rằng đây là 1 chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Qua kinh nghiệm bản thân tôi thấy, nếu chúng ta càng nghiêm túc trong khâu kiểm tra đánh giá, học sinh càng học hành tích cực và chăm chỉ hơn.

Từ ngày có chủ trương thực hiện “hai không” của Bộ GD-ĐT, học sinh của chúng ta có phân tích cực và tự giác học tập hơn. Kết quả ở những lớp tôi dạy có phần tiến bộ hơn trước. Phổ điểm đã thu hẹp lại, thông thường là từ 3 điểm đến 10 điểm.

Mặc dù hiện tại có rất nhiều học sinh còn ghét tôi (thậm chí có học sinh còn dùng điện thoại để khủng bố tôi) nhưng tôi không cảm thấy buồn. Bởi vì mỗi năm tết đến, xuân về vẫn có nhiều học sinh cũ trở về thăm tôi. Họ nói với tôi: “Nhờ sự nghiêm khắc của thầy mà chúng em mới được thành đạt như ngày hôm nay”. Đây chính là phần thưởng vô giá đối với một những người làm nhà giáo như tôi.

Thầy giáo: Hoàng Nam
(Nguồn: www.Edu.net.vn )