Tâm sự người thầy 30 năm cắm bản giữa đại ngàn Trường Sơn

(Dân trí) - 30 năm qua, ngày ngày thầy Đinh Văn Hướng (sinh năm 1960, ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) vượt từng ngọn núi cheo leo, miệt mài gieo con chữ cho các học trò nơi miền biên viễn.

Một sáng trời đông lạnh giá, men theo con đường gập ghềnh, dốc dựng đứng, chúng tôi đến với bản Cha Cáp, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), nơi thầy Đinh Văn Hướng đang công tác. Là một xã nghèo nơi miền biên giới, địa bàn rừng núi hiểm trở, đường sá đi lại gian nan nên đời sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Huế năm 1978, thầy Hướng về giảng dạy tại Trường cấp 1 Dân Hóa (nay là Trường tiểu học Dân Hóa). Dạy ở đây được 4 năm, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy rời xa mái trường thân yêu để tham gia vào quân ngũ. Đến năm 1986, sau khi rời quân ngũ trở về, thầy lại tiếp tục theo nghiệp giáo dục.

Lớp học tranh tre xiêu vẹo của các em học sinh nơi 
Lớp học tranh tre xiêu vẹo của các em học sinh nơi bản Cha Cáp.

Một anh bộ đội cụ Hồ, mang theo nhiều hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, muốn đem con chữ lên nơi nhiều trẻ em không được cắp sách tới trường. Lúc này thầy quyết định vào với trẻ em đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa. Thầy Hướng chia sẻ: “Lúc tôi chọn lên đây, gia đình ai cũng phản đối. Bởi Thượng Hóa lúc đó là một xã biệt lập hoàn toàn, nằm sâu trong núi, cách quê tôi gần cả trăm km đường rừng. Mỗi lần đến lớp phải chuẩn bị đồ từ sáng sớm, đi bộ nguyên một ngày trời mới vào tới”.

Đồng bào Rục ngày ấy chỉ có 9 hộ, với 32 nhân khẩu sống biệt lập trong các hang núi heo hút giũa đại ngàn Trường Sơn, trình độ dân trí thấp nên để đưa được cái chữ đến với trẻ em nơi đây quả là một điều hết sức khó khăn. Để dạy được con chữ cho học sinh nơi đây trước hết phải học tiếng của người Rục để còn biết giao tiếp. Đồng thời, người dân chưa chú trọng đến việc học nên thầy Hướng phải đi vận động từng nhà mong người ta đồng ý cho con em đến lớp. Mặt khác, nhiều em ban ngày phải lên nương, lên rẫy thì thầy Hướng phải dạy vào ban đêm.

Lớp học tranh tre xiêu vẹo của các em học sinh nơi 
Thầy giáo Đinh Văn Hướng với hơn 30 năm miệt mài gieo từng con chữ cho các em học sinh nơi các bản làng xa xôi hẻo lánh ở phía Tây tỉnh Quảng Bình.

Nhớ lại những ngày đặt chân lên đây, thầy kể: “Để bám được với bà con đồng bào Rục và dạy chữ cho trẻ em nơi đây, trước hết phải học tiếng của họ đã, phải sống như một người ở đây, rồi từ đó mình làm quen với họ, gần gũi với họ thì mình mới có thể động viên được học sinh đến lớp được. Mình đã khó khăn, nhưng nhìn các em học sinh quần áo rách rưới, nhem nhuốc lại thấy thương! Nhất là những lúc trời mưa lạnh thấy các em không có áo ấm để mặc đến lớp, đôi chân tím tái vì lạnh, mình phải đỏ bếp lửa lên cho ấm rồi mới dạy được”.

Việc khó khăn trong giao tiếp cũng là rào cản bài giảng tryền đến học sinh lại càng khó hơn. Những lúc như vậy, thầy giáo vừa là người đứng lớp vừa là người phiên dịch, học trò vừa là người học chữ vừa là người dịch chữ. Không có bảng để viết nên thầy và trò chỉ biết dùng than củi để viết chữ xuống nền nhà.

Thầy Đinh Văn Hướng với hơn 30 miệt mài gieo ước mơ con chữ học sinh con em đồng bào.
Thầy Đinh Văn Hướng với hơn 30 năm miệt mài gieo ước mơ con chữ học sinh con em đồng bào.

Khó khăn chồng chất khó khăn, xa vợ xa con nhiều lúc muốn về nhà nhưng thời tiết mưa lũ nên có khi 3 tháng thầy mới về nhà được một lần. “Lúc đó, cơm không có ăn, mình phải vào rừng cùng dân bản để đào từng củ mài, củ nu, hái từng bó rau rừng để ăn qua ngày. Mắc bệnh sốt rét thường xuyên nhiều lúc nhớ nhà, nhớ con quá muốn bỏ trường nhưng nhìn lại những chặng đường đã đi được, nhất là tình yêu với những đứa học trò nơi đây nên không thể bỏ lớp được”, thầy Hướng tâm sự.

Rồi cứ thế suốt hơn 27 năm “cắm bản” gieo chữ ở đồng bào Rục, nên khi thầy Hướng được chuyển lên công tác tại Trường PT Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Trọng Hóa, nhiều người dân nơi đây đã khóc và không cho thầy đi. Thầy kể: “Lúc đó nhiều người còn làm đơn gửi lên Phòng Giáo dục để xin cho mình ở lại, giải thích mãi với họ rằng “Đây là công việc của nhà nước! Thầy lên đó để dạy cho nhiều em khó khăn hơn, lúc nào có thời gian thầy lại về với bà con” lúc đó họ mới đồng ý cho mình đi”.

Năm nay đã ngoài 50 tuổi, với vẻ ngoài ngăm đen vì nắng gió giữa đại ngàn Trường Sơn nơi miền biên cương xa xôi, người thầy giáo ấy vẫn ngày đêm miệt mài bám bản, bám làng làm cho người dân và học sinh nơi miền biên viễn ở phía Tây tỉnh Quảng Bình thấy ấm lòng hơn.

Hơn 30 năm gieo chữ cho trẻ em vùng cao, thầy Hướng không thể nhớ hết đôi chân của mình đã vượt bao nhiêu đèo, lội bao nhiêu con suối, đến bao nhiêu hộ dân để vận động học sinh tới lớp, nhiều thế hệ học sinh đồng bào Rục của thầy đã trưởng thành như em Hồ Phong, hiện là công an, hay em Hồ Tiến Nam hiện là giáo viên dạy Trường tiểu học Yên Hợp... Nhưng, có lẽ điều mà thầy Hướng nhớ nhất là ước mong được gieo từng con chữ cho bao lớp trẻ giữa đại ngàn Trường Sơn để các em sớm có một tương lại tươi sáng hơn.

Văn Lịnh

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!