Hàn Quốc:

Tân cử nhân ngập đầu trong nợ

(Dân trí) - Jin không dễ gì giữ được vẻ tự tin trong các buổi phỏng vấn xin việc vì cô tân cử nhân 23 tuổi này luôn đau đáu trong đầu khoản tiền 6 triệu won (tương đương 85 triệu đồng Việt Nam) cô đã vay để có được tấm bằng đại học.

Jin nợ nhiều tiền như vậy không phải do ăn chơi tốn kém mà là dùng để trang trải học phí trong những năm học đại học. Ý nghĩ đeo món nợ lớn cứ nặng trĩu trong lòng cô, nhất là khi cô chưa có thu nhập gì. 

Suốt tám tháng nay, Jin đã tất tả tìm việc nhưng chưa có kết quả. “Sự lo lắng trong tôi đã lên mức cực điểm. Biết rằng mình mang nợ lớn trước khi tốt nghiệp đại học đã làm tôi mất hết tự tin”, Jin tâm sự.  

Nhưng Jin vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn bè khác chung cảnh ngộ thất nghiệp và nợ nần vì món nợ của Jin vẫn còn “khiêm tốn” hơn họ. 

Tân cử nhân ngập đầu trong nợ - 1
Sinh viên Hàn Quốc xuống tóc để phản đối việc tăng học phí (Ảnh: Korea Times)

Theo trang web việc làm trực tuyến Career, tính trung bình, sinh viên mới tốt nghiệp đại học ở Hàn Quốc nợ tổng cộng 7,08 triệu won. Những sinh viên đại học 4 năm thì buồn chán vì nợ nần nhiều hơn là sinh viên cao đẳng 2 năm.

Hầu hết các cử nhân cho biết họ mang nợ để trang trải tiền học đại học, tiền sinh hoạt phí, chuẩn bị cho các phỏng vấn xin việc, một số khác thì vay tiền để mở công ty hoặc đầu tư... Khoản nợ không nhỏ này khiến các tân cử nhân gặp khó khăn khi xin việc vì họ luôn bị stress và trầm cảm, thậm chí mất hướng đi mỗi khi nghĩ đến số tiền nợ nần ngày càng chồng chất. 

Khảo sát của trang Career cũng cho thấy trung bình mỗi “con nợ” mất 2 năm và 10 tháng mới trả hết nợ. Để thanh toán khoản nợ, 70% số người được hỏi cho biết họ làm thêm, 27% dựa vào bố mẹ, 13% vay các nguồn khác, 12% vay bạn bè và người thân. 

Nhà tư vấn tài chính Chang Kyung-soo nhận định rằng, học phí tăng không ngừng trong khi thị trường việc làm ngày càng co lại, các bậc cha mẹ thì không đủ khả năng về tài chính để đỡ gánh nặng chi phí học hành cho con.  

Xuân Vũ
TheoKorea Times