Tân giáo sư trẻ nhất Việt Nam 35 tuổi trải lòng về “tình yêu” toán học

(Dân trí) - Nhân dịp năm mới Mậu Tuất, tân giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2017, Phạm Hoàng Hiệp đã có những chia sẻ, trải lòng về “tình yêu” toán học với Dân trí


Tân GS trẻ nhất Việt Nam năm 2017 Phạm Hoàng Hiệp

Tân GS trẻ nhất Việt Nam năm 2017 Phạm Hoàng Hiệp

Nhà toán học Việt Nam ở trong nước đầu tiên có bài đăng trên Acta Mathematica

Ngày 1/2/2018, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Trong đợt xét học hàm lần này, người được công nhận chức danh giáo sư trẻ nhất năm 2017 là Phạm Hoàng Hiệp khi mới 35 tuổi và là giáo sư trẻ trẻ nhất của Việt Nam khi được phong từ trước đến nay (sinh tháng 3, 1982).

Phạm Hoàng Hiệp được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2011 khi mới 29 tuổi và cũng là phó giáo sư trẻ trẻ nhất của Việt Nam khi được phong từ trước đến nay.

Tân GS Phạm Hoàng Hiệp sinh tháng 3 năm 1982 tại Hải Dương. Anh tốt nghiệp đại học tại Đại học Sư Phạm Hà Nội năm 2004, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Umea, Thụy Điển năm 2008, và luận án tiến sĩ khoa học tại Đại học Aix-Marseille, Pháp năm 2013.

Từ năm 2005 đến năm 2014 anh Hiệp là cán bộ giảng dạy tại Đại học Sư Phạm Hà Nội. Từ năm 2015 anh là cán bộ Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Trong quá trình công tác anh Hiệp cùng với các đồng nghiệp đã công bố 37 công trình khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành, một cuốn sách chuyên khảo, 2 cuốn sách giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học, đã hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ.

Anh là nhà toán học Việt Nam ở trong nước đầu tiên có bài đăng trên Acta Mathematica, một trong những tạp chí toán học được xếp hạng cao nhất của cơ sở dữ liệu ISI.

Hiện anh đang cùng với GS. Đinh Tiến Cường, ĐH Quốc gia Singapore, hướng dẫn nghiên cứu sinh Đỗ Thái Dương, người nhận được học bổng Breakout Graduate danh giá nhất của Hội Toán học thế giới.

Anh Phạm Hoàng Hiệp đã được tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng như: Gương mặt trẻ Việt nam tiêu biểu năm 2011; Giải nhất giải thưởng khoa học của Đại học Sư Phạm Hà Nội năm 2013; Giải thưởng Viện Toán học năm 2013; Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ năm 2015; Thành viên trẻ của Viện Hàn lâm khoa học Thế giới thứ ba (2016-2020).

Toán học đóng vai trò là nền tảng của thời kỳ công nghiệp 4.0

Trò chuyện với PV Dân trí, tân GS Phạm Hoàng Hiệp không muốn nói nhiều về bản thân mình, mà anh dành thời gian nói về toán học, mục đích của toán học ngày nay, nhất là trong thời kỳ công nghiệp 4.0 và làm thế nào để nuôi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam đam mê với Toán học…

GS Phạm Hoàng Hiệp cho biết, trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của GS. Hoàng Tụy, Viện toán học đã tổ chức Hội nghị toán học quốc tế “Thuật toán tối ưu và một số vấn đề liên quan”. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến chúc mừng GS. Hoàng Tụy, đồng thời cũng thăm và làm việc với Viện Toán. Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đã dẫn câu nói của nhà khoa học Galileo Galilei: “Toán học là ngôn ngữ viết lên vũ trụ. Phát triển Toán là một tiền đề để phát triển nền khoa học”.

Câu nói của nhà khoa học Galileo Galilei đã cho thấy vai trò của toán học chính là nền tảng, ngôn ngữ và công cụ của các ngành khoa học trong việc tìm hiểu về các hiện tượng, quy luật của tự nhiên, xã hội để từ đó có thể vận dụng vào thực tế cuộc sống.

Nghiên cứu và giảng dạy các ngành khoa cơ bản nói chung, Toán học nói riêng, sẽ góp phần xây dựng những con người có thể sử dụng toán học vào công việc, cũng như sử dụng toán học trong các tất cả lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Chia sẻ về vai trò Toán học đối với đời sống hiện nay, nhất là trong thời kỳ công nghiệp 4.0, tân GS Phạm Hoàng Hiệp cho hay, để phân tích rõ hơn về vai trò của toán học trong cuộc sống thì chúng ta cần tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử và quá trình phát triển của của toán học. Toán học bắt đầu khi con người sáng tạo ra các con số tự nhiên để giúp chúng ta nhận thức các hiện tượng đơn giản trong thế giới vật chất như là đo đếm số lượng, định lượng, thời gian...

Trong quá trình phát triển, chúng ta ngày càng có nhu cầu muốn hiểu biết sâu hơn về các quy luật vận động phức tạp của thế giới tự nhiên. Vì vậy ngày càng có nhiều lĩnh vực khoa học mới ra đời để giải thích các quy luật vận động phức tạp này.

Cùng với đó các khái niệm toán học phức tạp hơn như số thực, số phức, hàm số, … cũng đã được chúng ta sáng tạo ra như là một nền tảng, công cụ quan trọng cho các ngành khoa học.

GS Hiệp cho rằng, lĩnh vực tối ưu trong toán học được sử dụng trong kinh tế, thống kê toán học được sử dụng trong y học, các công thức toán học tính toán chịu lực được sử dụng trong xây dựng, các thuật toán được sử dụng trong tin học, giải tích toán học được sử dụng trong cơ học, lý thuyết mật mã là nhánh của toán học được sử dụng trong bảo mật như ngân hàng, quân sự, … Albert Einstein đã sử dụng mô hình hình học không thời gian 4 chiều phát minh ra Thuyết tương đối rộng đã giải thích các quy luật vận động của các vật thể có kích cỡ lớn.

Số phức, một khái niệm trừu tượng của toán học, đã được sử dụng trong Lý thuyết cơ học lượng tử giải thích các hiện tượng của thế giới vật chất nhỏ bé cỡ nguyên tử hay hạ nguyên tử.

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0, Toán học vẫn tiếp tục đóng vai trò là nền tảng, công cụ cho các ngành khoa học, điều đặc biệt hơn là các thuật toán trong trí tuệ nhân tạo sẽ được nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tới cuộc sống nhiều hơn.


Trường Toán học Đông Nam Á về Giải tích và Hình học phức tại Viện Toán học năm 2017.

Trường Toán học Đông Nam Á về Giải tích và Hình học phức tại Viện Toán học năm 2017.

Cần xác định đầu tư cho khoa học là chiến lược lâu dài

Thưa tân GS vì sao xã hội không thấy hết vai trò của Toán học? Mục đích của toán học ngày nay là gì?

Tất cả chúng ta đều sử dụng toán học trong cuộc sống hàng ngày. Tùy theo từng công việc cụ thể mà chúng ta sử dụng toán học ở các mức độ khác nhau.

Chúng ta hãy thử hình dung nếu như trước đây các nhà toán học không sáng tạo ra các con số tự nhiên thì chúng ta cũng sẽ không thể có được nền khoa học phát triển như ngày nay.

Toán học là nền tảng, ngôn ngữ và công cụ của các ngành khoa học, toán học phải kết hợp với các tri thức của ngành khoa học khác để tạo ra các sản phẩm ứng dụng nên nhiều khi chúng ta không nhìn thấy hết được vai trò của toán học trong các sản phẩm đó.

Mục đích của toán học hiện nay là tiếp tục nghiên cứu phát triển những tri thức mới đẹp đẽ trong nội tại của toán học, cũng như những ứng dụng tới tất cả các ngành khoa học, đồng thời truyền đạt những tri thức toán học tới mọi người trong các hệ thống giáo dục và cộng đồng, xã hội.

Để nuôi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam đam mê với Toán học thì phải có những biện pháp nào, đòn bẩy nào, thưa tân GS?

Toán học là một phần trong bức tranh tổng thể của nền giáo dục và khoa học. Giáo dục và đào tạo, khoa học cơ bản và công nghệ luôn cùng phát triển, hỗ trợ lẫn nhau, là chìa khóa giúp mọi quốc gia, dân tộc phát triển ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Hiện nay, một phần chính của giáo dục và đào tạo chính là truyền bá tri thức khoa học cơ bản và công nghệ đã biết của thế hệ đi trước cho các thế hệ đi sau, để xây dựng nên những con người có tri thức, là những lực lượng sản xuất tiên tiến của xã hội.

Chúng ta cần xác định đầu tư cho khoa học là chiến lược lâu dài có tầm ảnh hưởng quan trọng tới tất cả mọi mặt của đời sống xã hội.

Chúng ta phải có những chính sách tiếp tục thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của các ngành khoa học nói chung, ngành Toán học nói riêng, tạo các điều kiện cho các nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu, nhất là các bạn trẻ có niềm say mê trong nghiên cứu khoa học.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục