Tần tảo cuộc mưu sinh nuôi chữ của học sinh vùng cao

(Dân trí) - Một ngày mới bắt đầu từ lúc 1 - 2 giờ sáng với cô học trò lớp 6 Nguyễn Thị Rưng. Khi mọi người còn say trong giấc ngủ, em lọ mọ buộc đồ lên xe và đạp đến chợ. Vất vả là vậy nhưng Rưng chưa bao giờ than vãn.

Đối với em học sinh Trường THCS Hồng Quảng, huyện vùng cao A Lưới, Thừa Thiên - Huế này, để tiếp tục được đến trường, mong có ngày đổi đời là một động lực giúp em quên đi mọi vất vả. 

Trong cái lạnh của vùng cao buổi sớm, Nguyễn Thị Rưng cùng hai bạn khác học cùng trường là Hồ Thị Nghiêm (lớp 9) và Lê Thị Hạ (lớp 9) đạp xe gần 10 km để đến chợ phiên chợ đặc biệt. Ba em đều là người dân tộc Pa Kôr ở thôn Tân Hội, xã Hồng Bắc. Khi xuống xe, vừa bỏ những bì môn, buồng chuối, quả mít... xuống đất, cả ba ngồi co ro lại một chỗ cho đỡ lạnh.

Tần tảo cuộc mưu sinh nuôi chữ của học sinh vùng cao - 1
Các em phải đạp xe 10 km trong đêm tối với chiếc đèn pin mới đến được chợ.

Gọi là chợ đặc biệt, bởi vào lúc 1 đến 7 giờ sáng là thời điểm chợ chỉ có những đồng bào dân tộc Pa Kôr, Vân Kiều, Tà Ôi… Người thì gùi, người thì đạp xe mang những ngọn rau, củ, quả… của núi rừng đến đây trao đổi và bán. Họ ngồi hai ven đường, dùng những chiếc đèn pin để soi tiền mỗi khi có người đến mua và trả tiền. Chợ không ồn ào, cũng không có nhiều lời ngã giá thứ hai, bởi chủ nhân của các loại hàng hóa hầu hết là những em học sinh nghèo.

“Một ngày đi bán em cũng kiếm được 5 đến 15 nghìn, vừa có tiền đi học vừa có tiền cho ba mẹ mua gạo. Em cũng mơ ước sau này mình được làm cô giáo để không phải đi lên rẫy nữa”, Nguyễn Thị Rưng tự hào khoe.

Rưng tâm sự: Em là con út trong gia đình 5 anh em, cả nhà Rưng đều mưu sinh vất vả bằng mấy sào nương rẫy, quanh năm túng thiếu. Bốn anh chị của Rưng đều đã nghỉ học từ rất sớm, riêng Rưng vẫn còn được đến trường vì em luôn là học sinh khá trong các năm học và có thể tự nuôi bản thân. Năm Rưng lên lớp 3, mẹ em bảo Nhà nghèo không có cơm ăn lấy tiền mô mà đi học, thôi nghỉ học lên rừng mà kiếm cái ăn. Nghe mẹ nói vậy, Rưng đã khóc rất nhiều vì sợ không được đi học chữ nữa.

Rồi Rưng thấy trong thôn mình có một số bạn nhà nghèo như nhà mình mà vẫn có thể tự đi kiếm tiền để trang trải học hành và đỡ đần ba mẹ bằng cách lên rừng kiếm đồ ăn để mang ra chợ “dân tộc” bán. Từ đó, Rưng cũng đi theo các bạn để mưu sinh nuôi cái chữ. Khi mặt trời vẫn còn đứng bóng, Rưng đã phải đeo chiếc gùi to hơn thân mình lên rẫy, hay vào tận rừng sâu hàng chục cây số để kiếm những bó rau dại, những củ môn, buồng chuối.... Khi mặt trời xuống núi là lúc Rưng trở về nhà với cái bụng trống rỗng, trên vai là một gùi hàng.

Cũng như Rưng, Nghiêm và Hạ đã phải kiếm tiền như vậy cách đây gần 5 năm. Vất vả cả ngày, dường như thời gian nghỉ ngơi của các em là những lúc được cầm quyển sách lên để học bài. Có lẽ vậy mà phần nào đã làm giảm lực học của cả hai khi cuối năm chỉ là học sinh trung bình, nhưng với mơ ước có một ngày được đổi đời từ cái chữ nên các em không nản lòng. Dù mệt nhọc nhưng nụ cười trẻ thơ luôn nở trên môi các em.

Tần tảo cuộc mưu sinh nuôi chữ của học sinh vùng cao - 2
Những “sản phẩm” mà các em mang bán để kiếm tiền nuôi con chữ.

Niềm vui đầu tiên đã đến, khi chúng tôi thấy Hạ cầm chiếc đèn pin soi lên, đếm lại 15 nghìn vừa mới bán 13 hoa chuối cho một lái buôn. Hạ khoe: “Cả tuần nay, đây là lần em bán được nhiều tiền nhất và nhanh hết nhất đấy chị”. Rồi em nói tiếp : “Có nhiều hôm chợ ế, bán gần 7 giờ mới xong. Em đạp xe về nhà cất đồ, lấy sách vở rồi mới đến trường, vì trường xa lắm hơn đi 10 cây mới đến, nên nhiều hôm em bị muộn học, cô giáo cũng cho vào lớp”. Vất vả như vậy mà sáng nào Hạ cũng đến trường với cái bụng trống rỗng.

Tần tảo cuộc mưu sinh nuôi chữ của học sinh vùng cao - 3
Thẫn thờ vì mãi mà chưa bán được nên sợ muộn học.

Hai tay ôm buồng chuối xanh to hơn cả người, Hồ Thị Ngoan (học lớp 2), đến từ xã Nhâm co ro trong giá rét. Đã có 3 người cầm đèn pin đến soi buồng chuối trả 34 nghìn nhưng em không bán vì “Ở nhà mẹ dặn 35 nghìn mới bán”.

Tần tảo cuộc mưu sinh nuôi chữ của học sinh vùng cao - 4
Buồng chuối còn to hơn người bé Ngoan.

Dì Loan, một tiểu thương chuyên mua những “sản phẩm” núi rừng của chợ cho biết, hầu hết hàng hóa ở đây là rau quả của những đứa trẻ con nhà nghèo vào rừng kiếm được, mang ra chợ bán để có tiền mua gạo và sách vở. Đứa nào cũng thật thà, nói giá bao nhiêu là bán bấy nhiêu chứ kém 1 nghìn chúng cũng không bán.

Cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả nhưng các em vẫn luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn để có thể tiếp tục được đến trường. Trong từng nụ cười, ánh mắt của các em, chúng tôi luôn thấy được một nghị lực phi thường. Nghị lực ấy tiếp sức cho các em không quản vất vả sớm hôm kiếm tiền tự nuôi mình ăn học.

Bài và ảnh: Thiên Thư