Tăng cường hiệu quả việc dạy và học ngoại ngữ

(Dân trí) - Để tăng cường hiệu quả triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2014-2015 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra một chỉ thị với 5 nhiệm vụ trọng tâm

Theo dự thảo của chỉ thị này, thời gian tới tăng cường công tác chỉ đạo nhiệm vụ triển khai đối với dạy học ngoại ngữ bằng cách tiếp tục triển khai thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, chuyển định hướng chương trình từ dạy học ngôn ngữ sang dạy học giao tiếp, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực tiếng và phương pháp học (nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá) của đội ngũ giáo viên và triển khai hệ thống mới về khảo thí năng lực ngoại ngữ.

Gắn công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đề án với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục, đảm bảo các điều kiện, nhất là đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra; xác định đổi mới dạy học ngoại ngữ nhằm giúp giáo viên và người học sử dụng được ngoại ngữ là một trong những khâu đột phá để hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác thông tin - truyền thông về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, phổ biến cách làm hay, kinh nghiệm tốt của các đơn vị, cá nhân về đổi mới dạy và học ngoại ngữ theo yêu cầu của Đề án.

Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ bằng cách hoàn thành công tác rà soát năng lực ngoại ngữ của giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cấp học và trình độ đào tạo. Trên cơ sở đó, xác định mục tiêu bồi dưỡng đạt chuẩn và nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tế của từng địa phương, trường học để lập kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, giảng viên hiệu quả, chất lượng; tránh áp đặt và yêu cầu đồng loạt.

Tăng cường bồi dưỡng năng lực sử dụng tiếng Anh sư phạm, phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra đánh giá và tổ chức các hoạt động đổi mới trong dạy và học ngoại ngữ ở các cấp học và trình độ đào tạo. Ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ để động viên giáo viên, giảng viên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là giúp đỡ, hỗ trợ học theo các chương trình bồi dưỡng trực tuyến.

Thu hút và huy động các nguồn lực quốc tế, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, giảng viên, tình nguyện viên bản ngữ tham gia vào quá trình dạy học ngoại ngữ và bồi dưỡng nâng cao năng lực đôi ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ trong nước.

Cũng theo dự thảo của chỉ thị này, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới phương thức thi, kiểm tra đánh giá, xây dựng năng lực khảo thí ngoại ngữ quốc gia. Cụ thể, tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện ngân hàng đề thi quốc gia; tăng cường bồi dưỡng đội ngũ viết câu hỏi thi, giám khảo chấm thi nói, thi viết phục vụ đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thành lập và đưa Trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia vào hoạt động; hình thành hệ thống các trung tâm được ủy quyền tổ chức thi trên cả nước.

Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá. Trước mắt, có thể liên kết với các tổ chức khảo thí nước ngoài có uy tín, có giải pháp khả thi để tổ chức kiểm tra, đánh giá công nhận trình độ năng lực ngoại ngữ của giáo viên và học sinh các cấp học và trình độ đạo tạo.

Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị thiết yếu phục vụ đổi mới dạy học ngoại ngữ theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm, học liệu, tài liệu điện tử, các hoạt động ngoại khóa, giao lưu quốc tế nhằm tạo môi trường sử dụng ngoại ngữ...

S.H