Tăng học phí: Phải tính toán cho kỹ!

(Dân trí) - Trong tháng 12 này, Bộ GD-ĐT sẽ công bố dự thảo đề án học phí mới. Trước vấn đề này, nhiều GS.TS, nhà quản lý giáo dục đã có ý kiến.

GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Khi tăng học phí người nghèo có được đi học hay không?

 

Tại nhiều hội thảo về tăng học phí, tôi chỉ đặt ra một câu hỏi, khi tăng học phí người nghèo có được đi học hay không? Và học có được đến nơi đến chốn hay không? Anh muốn thu phí của ai thì thu nhưng vấn đề người nghèo thì phải giải quyết.

 

Hiện nay, đối với vùng núi nếu không có trường nội trú thì trẻ em chỉ học hết lớp 3, trong khi đó nhà nước đang thực phổ cập THCS. Như vậy, với người nghèo làm thế nào để họ đi học được chứ chưa nói đến việc nộp học phí.

 

Tuy nhiên, nếu nhà nước tăng học phí thì phải tính lương của người làm công ăn lương và thu nhập của người không nằm trong biên chế nhà nước, mức học phí ấy chiếm bao nhiêu phần trăm tổng thu để xem tối thiểu họ ăn, mặc, chữa bệnh… vì hiện nay nhiều gia đình có con đi học họ đã phải bấu xéo rất nhiều khoản khác để chi cho con đi học.

 

Ví dụ, một tháng học phí của sinh viên là 300.000đ và giá của mỗi cân cà chua là 2.000/kg, như thế 1 tháng đi học sẽ mất khoảng 150kg cà chua. Vậy dân lấy đất đâu để trồng 150kg cà chua/tháng. Đứng ở góc độ người dân như thế quá khổ và bị thiệt thòi quá nhiều.

 

Hay như tôi đến làm từ thiện (xây 2 lớp học mẫu giáo) ở 1 xã cách Hà Nội có 15km thuộc tỉnh Hà Tây. Các cụ già trong xã cho biết, ở đây gia đình nào mà có người thu nhập 300.000đ/tháng thì là ăn mừng.

 

Bên cạnh đó, nếu nói là tăng học phí là tăng chất lượng, chưa chắc! Hàng tháng, tôi vẫn hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án nhưng mức thù lao chỉ được có 80.000đ/tháng. Hầu như những phần nghiên cứu sinh viết đưa tôi, tôi chữa từng câu từng chữ, nếu 1 chương họ viết thì chữ của tôi nhiều ngang chữ của nghiên cứu sinh. Trong khi đó, nếu tôi đi dự hội thảo, cũng được 100.000đ/ngày. Cho nên nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án không phải do Nhà nước trả mà quan trọng là cái tâm của người thầy.

 

 GS Hoàng Xuân Sính: Phải điều tra ngân sách giáo dục

 

Tăng học phí: Phải tính toán cho kỹ! - 1

GS Hoàng Xuân Sính

Tăng học phí nhưng tăng ở mức độ nào đó chứ nếu không dân sẽ không có đủ tiền để chi trả. Hiện nay, nhiều sinh viên ở nhà trọ quá chật hẹp, sinh hoạt lại quá nghèo nàn. Nếu sống như thế, sinh viên có muốn học giỏi cũng khó mà đạt được.

 

Khi tiếp xúc với nhiều phụ huynh, tôi biết họ không muốn con mình bị “đày đoạ” ở những nơi như thế nhưng vì họ quá nghèo. Tôi mong muốn Nhà nước xây dựng nhiều khu ký túc xá cho sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên học tập và đỡ lãng phí tiền ngân sách Nhà nước đầu tư.

 

Tăng học phí thì tăng nhưng phải tính toán cho hợp lý chứ không cứ nói tăng là tăng. Theo tôi, trước khi tăng học phí thì phải điều tra ngân sách giáo dục trong thời gian qua.

 

Tôi được biết, thời gian qua ngân sách Nhà nước chi cho các trường công lập nhiều và quá lãng phí, thậm chí có tham nhũng ở trong đó cho nên tình trạng lớp học tranh tre nứa lá vẫn còn nhiều.

 

Tôi chỉ so sánh rất đơn giản, đối với các trường ngoài công lập với số tiền rất ít nhưng họ phải làm đủ mọi việc như thuê (mua) đất đai, tiền thuế, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị… so với các trường công lập thì số tiền đó không thấm vào đâu. Trong khi đó, các trường công lập chi phí chủ yếu là trả lương giáo viên và tiền để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị thì riêng. Rõ ràng các trường công lập là có lãng phí chứ?

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Tăng học phí, phải tính toán cho kỹ!

 

Thực tế hiện nay đất nước chúng ta có 80% học sinh là con của nông dân nên việc tăng học phí nhà nước cần phải tính toán cho kỹ. Đối với bậc phổ thông thì không nên tăng vì hiện nay chúng ta đang thực hiện phổ cập Tiểu học và THCS và sắp tới là phổ cập THPT.

 

Tuy nhiên, nếu có tăng thì tăng vừa phải và chú ý đến những gia đình chính sách, gia đình nghèo, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số vì hiện nay dân đóng góp quá nhiều rồi.

 

Đối với bậc đại học, cao đẳng theo tôi cũng nên tăng. Hiện nay, chúng ta có đến 90% các trường đại học, cao đẳng là trường công lập và ngân sách Nhà nước chi cho các trường này hàng năm rất lớn. Do đó, nếu ngân sách không đáp ứng đủ thì các trường lại nghĩ đến tăng học phí.

 

Theo tôi, nếu tăng học phí thì cần phải công khai các khoản chi phí của ngành giáo dục, sử dụng như thế nào, thiếu khoản gì và phải đưa ra một cơ chế tổ chức quản lý hợp lý.

 

Hồng Hạnh
(Thực hiện)