Áp dụng phương pháp CLIL trong giảng dạy tích hợp:

Tăng khả năng xử lý thông tin và thu nạp kiến thức

Văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản số 860/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chấp thuận cho Sở GD-ĐT TPHCM triển khai Chương trình dạy Toán - Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam tại các trường công lập do Sở GD-ĐT TPHCM biên soạn.

Chủ trương này đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý giáo dục hàng đầu trên cả nước.  

Phát triển khả năng ngôn ngữ vượt trội

Chương trình tích hợp là chương trình được biên soạn tích hợp chương trình Quốc gia Anh quốc với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trên cơ sở giảm tải khoa học và chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất của học sinh.

Chương trình Tích hợp 3 môn Toán, Tiếng Anh, Khoa học chọn phương pháp giảng dạy tích hợp giữa ngôn ngữ và nội dung làm nền tảng khoa học để phát triển khả năng ngôn ngữ vượt trội cho người học theo chuẩn Anh.

Thứ nhất, những ứng dụng giảng dạy ngôn ngữ và bộ môn (toán, khoa học) hiện đại trong đề án tích hợp được đưa ra với những nghiên cứu các yếu tố trùng lắp của chương trình toán, khoa học của 2 hệ thống giáo dục Anh và Việt Nam thông qua việc so sánh chi tiết 2 chương trình của các môn trên. Từ đó tìm ra các học phần phù hợp và logic để giảng dạy trong chương trình tích hợp.

Thứ hai, việc nghiên cứu mục tiêu học tập của từng bộ môn trong 2 hệ thống giáo dục được chú trọng, nhằm mục đích tìm ra sự trùng hợp cũng như khác biệt trong mục tiêu giáo dục nói trên giữa 2 hệ thống. Thêm vào đó, sự tiếp nối chủ đề và thời gian các học phần của một bộ môn, chẳng hạn như sinh học, hay hóa học được giảng dạy, có thể khác nhau giữa 2 hệ thống Việt Nam và Anh. Để cân bằng và tránh trùng lặp, sự tiếp nối chủ đề đã được điều chỉnh nhằm đảm bảo tính liên thông và đảm bảo các chủ đề học thuật cơ bản cho từng bộ môn được giảng dạy đầy đủ trong suốt cấp học. Ví dụ như một vài chủ đề hóa của lớp 8 trong hệ thống giáo dục Việt Nam có thể được dạy sớm hơn (hoặc muộn hơn) so với hệ thống quốc gia Anh. Điều chỉnh kế hoạch giảng dạy và sự tiếp nối chủ đề đã được thực hiện sao cho hết cấp THCS, học sinh học chương trình tích hợp sẽ nắm được các chủ đề này, tránh trùng lắp và vẫn đảm bảo việc đánh giá đầu ra theo hệ thống giáo dục Việt Nam cho học sinh tích hợp với bộ môn hóa học của cấp THCS, cũng như theo chuẩn quốc tế.

Đi đầu trong định hướng dùng phương pháp CLIL

Đặc biệt, chương trình tích hợp của TP Hồ Chí Minh sẽ đi đầu trong định hướng dùng phương pháp hiện đại kết hợp nội dung và ngôn ngữ (CLIL) để giảng dạy cho học sinh các cấp.

CLIL  là phương pháp giảng dạy tiên tiến trên thế giới (viết tắt của Content Language Integrated Learning). Đây là phương pháp dạy và học kết hợp giữa nội dung và ngôn ngữ sao cho một học sinh thông qua hai ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ và một ngôn ngữ khác) vừa nắm được thuần thục về nội dung chương trình cũng như đạt được một chuẩn cao của ngôn ngữ (theo tiến sỹ Peeter Mehisto của Trường Đại học London).

Theo nghiên cứu của Dr Mehisto, có rất nhiều lợi ích cho việc áp dụng phương pháp giảng dạy CLIL cho học sinh, cụ thể: Tăng khả năng quản lý và xử lý thông tin và khả năng thu nạp kiến thức của học sinh; Tăng cường việc luyện trí nhớ cho học sinh; Tạo ra cách làm việc và học tập mới cho học sinh và giáo viên, một trọng tâm của giáo dục hiện đại trong thế kỷ 21; Tiết kiệm thời gian vì nội dung bộ môn và ngôn ngữ được giảng dạy cùng lúc; Việc tăng cường tư duy bằng hai thứ tiếng (tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh) giúp học sinh có thể áp dụng kiến thức bộ môn (chẳng hạn như toán hay khoa học) vào hiện thực cuộc sống để tìm cách giải quyết vấn đề.

Học sinh tham gia học chương trình tích hợp, thông qua phương pháp giảng dạy CLIL được bắt đầu học tập chương trình tích hợp giữa chương trình Quốc gia Anh và chương trình Việt Nam cho 3 môn toán, tiếng Anh, Khoa học kể từ lớp 1. Đối với môn toán và khoa học, học sinh sẽ thu được tất cả những kiến thức bộ môn cần thiết nhất thông qua ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh (tiếng Việt theo quy định của Bộ GD-ĐT cho 3 bộ môn này nhưng đã qua tích hợp và lược bớt những phần trùng lặp để tránh mất thời gian của học sinh). Đối với môn tiếng Anh, học sinh sẽ được học khung chương trình tiếng Anh của vương quốc Anh, kết hợp với các học phần giảng dạy của chương trình tiếng Anh do Bộ GD-ĐT Việt Nam hướng dẫn.

Sơ đồ sau miêu tả sự hòa quyện kiến thức nội dung và ngôn ngữ:

(Nguồn: Dr. Peeter Mehisto)
(Nguồn: Dr. Peeter Mehisto)

Việc bắt đầu học theo phương pháp trên từ sớm giúp học sinh tiếp cận và chuẩn hóa ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ.

Học sinh THCS học chương trình song ngữ (có tích hợp) của một bộ môn nhưng thông qua 2 thứ tiếng tại Bắc Mỹ và châu Âu đã chia sẻ như sau về việc học môn toán qua tiếng Anh: “Cha mẹ em nghĩ rằng học toán qua ngôn ngữ thứ 2 hẳn là khó lắm. Hoàn toàn không phải vậy. Chúng em học tập theo nhóm, vui và hiệu quả. Học bộ môn thông qua một ngôn ngữ khác giúp em thông thạo ngôn ngữ, từ vựng và cách diễn tả toán học. Có thể nói em sẽ phải học tích cực hơn nhưng chắc chắn em sẽ giỏi hơn”.

Đối với môn khoa học, các em cảm thấy được thoát ra khỏi cách học truyền thống, khi người thầy giảng về các khái niệm và các em làm bài tập. Các em học qua việc xây dựng đề án, luôn trải nghiệm cái mới và luôn luôn là người đặt câu hỏi. Các em thật sự thú vị với điều đó. “Học thực sự là sự đam mê” - các em chia sẻ.

Đam mê này sẽ dẫn các em tới đâu?

Tại Anh, các học sinh học tập theo phương pháp CLIL thường nhận định là phương pháp này giúp các em tập trung cao độ hơn trên lớp, tự tin hơn, mở rộng kỹ năng và hiểu biết cuộc sống toàn diện, cũng như giúp các em cảm thấy mình đang “đi trước các bạn cùng trang lứa” trong hành trình thu thập kiến thức. Ở rất nhiều em khác, thành công thể hiện ở việc các em đạt kết quả cao trong kỳ thi GCSE, kỳ thi quốc gia dành cho lứa tuổi 16, 17. Hy vọng với phương pháp này, học sinh Việt Nam cũng sẽ có những trải nghiệm tương tự và được các trường đại học hàng đầu trên thế giới chào đón.