Bạn đọc viết:

Tặng quà thầy cô đừng nghĩ chuyện đổi chác tình cảm, điểm số

(Dân trí) - Câu chuyện tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11 nên nhìn nhận một cách thoải mái nhất. Phụ huynh thực lòng cảm thấy quý mến thầy cô dạy con thì tặng quà để cảm ơn chứ không phải với mục đích thực dụng phía sau, là sự đổi chác mua bán tình cảm, điểm số...

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhiều cửa hàng tạp hóa, mỹ phẩm gần cơ quan tôi làm việc nắm bắt tâm lý khách hàng rất nhanh nhạy, họ đã chuẩn bị sẵn sàng dịch vụ tư vấn, gói quà cho các phụ huynh học sinh. Tôi từng chứng kiến có chị mua một lúc 3-4 gói quà hệt nhau để tặng cho cô giáo của 2 đứa con. Chị bảo, mua hộp quà dầu gội, sữa tắm rồi kèm vào đó phong bì cho lịch sự. Độ dày mỏng của phong bì tùy thuộc vào việc con học lớp mấy, học lực ra sao. Trong gói quà đi thầy cô ngày này còn gói ghém cả mong mỏi của phụ huynh, mong thầy cô quan tâm, nâng đỡ các con. Ai cũng bảo, cả năm mới có 1 ngày để mình quan tâm tới thầy cô dạy con, vài trăm ngàn có đáng là bao...

Có lần, tôi đã thử phản ứng tâm lý của một vài người bạn. Tôi nói, năm nay chị em mình đi làm đồng lương sa sút, trăm thứ phải xoay sở, hay là năm nay thôi không mua quà cáp gì tặng thầy cô của con, đằng nào thì mỗi kì học của các con, tiền quỹ lớp khá nhiều và có chi cho khoản quà ngày 20/11 rồi. Chị em đều giãy nảy phản đối, ai cũng sốt sắng việc quà cáp tặng thầy cô ngày 20/11, ít nhiều cũng phải có quà, không thể bỏ qua được ngày này. Con là ưu tiên số một đương nhiên phụ huynh cũng phải quan tâm tới thầy cô. Không rõ đây là cử chỉ đẹp hay chỉ là trào lưu của số đông phụ huynh thành thị?

Bạn tôi ở nội thành Hà Nội còn nói, mấy năm trước con học đầu cấp thì mua quà, đi phong bì đại khái qua loa ở mức trung bình, năm nay con học lớp 5 cuối cấp 1, quan trọng lắm, cần phải đến quà cáp cô giáo đàng hoàng. Mặc dù con chị học giỏi trong lớp nhưng chị vẫn không yên tâm.

Rõ ràng tồn tại tâm lý lo lắng chung của phụ huynh, lỡ mình thiếu sót gì với thầy cô dạy con thì con mình sẽ thua thiệt bạn bè. Bạn kể, mọi khi ngày 20/11 mình đi phong bì 200 ngàn, năm nay sẽ đi 500 ngàn, tại vì hỏi dò mấy phụ huynh tới đưa đón con, ai cũng đi phong bì nhiều lắm, có nhiều nhà còn đi cả triệu đấy. Năm nay con học lớp 5, tổng kết năm mà không ra gì thì mất điểm cộng ưu tiên khi thi vào cấp 2. Bạn bảo, cũng không thích gì chuyện này nhưng vẫn phải làm, tất cả vì con. Chị bảo, mình đưa con đi học rồi tặng quà cô giáo trên lớp chứ nhiều người cầu kì lắm, họ chở con đến tận nhà cô giáo để tặng quà cho tình cảm. Có nhiều vị phụ huynh còn nói, thời buổi bây giờ cái gì cũng quy đổi vật chất hết, không còn chuyện thầy cô vô tư quý học trò nghèo như ngày xưa...

Chị đồng nghiệp lớn tuổi cùng phòng với tôi từng ca thán: Chả hiểu các cô nghĩ gì chứ con chị 12 năm học, chị chưa từng đi quà cáp cô giáo con bao giờ, con mình ngoan ngoãn học giỏi thì không thầy cô nào trù dập đâu mà các cô cứ phóng đại mọi thứ lên. Mấy chị em lại nhao nhao, cô giáo dạy con em ghê lắm, học lớp 1 mà lơ mơ là cô cho ăn tát ngay; con em không đi học thêm cô, bài kiểm tra cô toàn cho điểm thấp... Chị kể chuyện, cô giáo dạy Toán của con gái chị biết con chị sau giờ học còn mải mê phụ bán quán giúp bố mẹ, cô còn không lấy học phí của con khi ôn thi đại học. Chị gặp cô giáo cũng chỉ có lời cảm ơn cô đã giúp đỡ, chứ nào có quà cáp gì. Mấy chị em nhìn nhau thở dài, thầy cô tốt với học sinh bây giờ hiếm lắm.

Có lẽ câu chuyện tặng quà thầy cô nhân ngày 20/11 nên nhìn nhận một cách thoải mái nhất. Phụ huynh thực lòng cảm thấy quý mến thầy cô dạy con thì tặng quà để cảm ơn chứ không phải với mục đích thực dụng phía sau, là sự đổi chác mua bán tình cảm, điểm số. Tôi nghĩ, trẻ con đi học nên dạy các con biết quý trọng, biết ơn thầy cô vì thầy cô đã tận tâm dạy dỗ, bảo ban. Con tôi tham gia buổi học chuyên đề của lớp, cô giáo nói hôm sau sẽ mua chút bánh kẹo cho các con liên hoan. Đúng hôm ấy, con tôi ốm phải nghỉ học giữa buổi, con rất tiếc không được tham gia liên hoan cùng các bạn. Bẵng đi vài hôm, thấy con vui vẻ cầm quyển sổ nhỏ và vài chiếc bánh về nhà. Con kể: “Cô hoãn buổi liên hoan hôm ấy, chờ con khỏe đi học lại, cô mới liên hoan. Cô giáo con nói, có đông đủ các bạn thì liên hoan mới vui. Con nói, con quý cô lắm, mẹ ạ.”

Thanh Mai

(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!