ĐBSCL:

Tập trung đào tạo ngành nghề mang tính bức thiết cho vùng

(Dân trí) - Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong năm 2012 quy mô đào tạo cao đẳng, đại học vùng ĐBSCL tăng nhanh theo hướng đa ngành. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy năm qua tăng trên 10% so với năm 2011.

Thống kê của Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ cho biết, trong năm qua, mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông của vùng tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố và chuẩn hóa. Tất cả các tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2011-2012 đạt 90%.

Trong khi đó, quy mô đào tạo cao đẳng, đại học tăng nhanh theo hướng đa ngành. Hiện toàn vùng có 12 trường đại học, 27 trường cao đẳng, 35 trường trung cấp chuyên nghiệp; 10/13 tỉnh, thành có trường đại học và các địa phương đều có trường cao đẳng. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy năm 2012 tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn 50.630 chỉ tiêu, tăng 10,5% so với năm 2011.

Tổng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo năm 2012 của vùng ĐBSCL là 758,22 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2011.

Toàn vùng hiện có khoảng 174 cơ sở dạy nghề, gồm 11 trường cao đẳng nghề, 35 trường trung cấp nghề, 128 trung tâm dạy nghề. Trong năm qua đã giải quyết việc làm cho trên 394.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện nay của vùng là 40,15%.

Tình hình giáo dục đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc có nhiều tiến bộ, số lượng học sinh các cấp tăng nhanh với khoảng 213.000 em; trong đó có 7.891 học sinh dân tộc nội trú, tăng 2.000 học sinh so với năm học trước. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 90%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 96%. Số lượng sinh viên dân tộc thiểu số trên 3.000 sinh viên. Các chính sách ưu đãi đối với giáo viên, cử tuyển, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên dân tộc được các địa phương thực hiện tốt.

ĐBSCL sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực với những ngành nghề bức thiết cho vùng. (Ảnh: Huỳnh Hải)

ĐBSCL sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực với những ngành nghề bức thiết cho vùng. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Theo BCĐ Tây Nam Bộ, tuy ngành giáo dục được quan tâm đầu tư, cải thiện nhưng tỷ lệ sinh viên/vạn dân, số trường đạt chuẩn quốc gia, trường học 2 buổi/ngày còn thấp, nhiều xã chưa có trường mầm non độc lập, năng lực của một bộ phận quản lý giáo dục, giáo viên vẫn còn thấp so với một số vùng miền khác.

Trong khi đó, các cơ sở dạy nghề vẫn còn thiếu, lạc hậu, kết nối cung- cầu còn hạn chế, lực lượng giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn.

Thời gian tới, BCĐ Tây Nam Bộ cho biết sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm về nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục đào tạo và dạy nghề hoàn thành đúng tiến độ, có trọng tâm. Mục tiêu phấn đấu trong năm 2013 là tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 43%, giải quyết việc làm cho khoảng 400.000 lao động.

BCĐ cũng sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT và các Viện, trường xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào các ngành nghề mang tính bức thiết cho sự phát triển của vùng như xây dựng, kiến trúc, quy hoạch đô thị...

Huỳnh Hải