“Tất cả con ở đây gọi tôi là mẹ”

(Dân trí) -Nhiều người nói chị lo chuyện “bao đồng” khi mở cơ sở dạy nghề tranh thêu không công cho người khuyết tật, nhưng nhìn đôi mắt ánh niềm vui khi chị nói “tất cả con ở đây gọi tôi là mẹ” chúng tôi cảm nhận rõ ràng ở chị niềm hạnh phúc sống vì người khác.

Đó là chị Nguyễn Thị Liền (sinh năm 1962), chủ cơ sở tranh thêu Thanh Ngọc Minh - cơ sở dạy nghề tranh thêu miễn phí cho người khuyết tật.

Chị Liền bên “các con” ở cơ sở dạy nghề tranh thêu cho trẻ khuyết tật Thanh Ngọc Minh
Chị Liền bên “các con” ở cơ sở dạy nghề tranh thêu cho trẻ khuyết tật Thanh Ngọc Minh

“Tôi dặn các con phải coi trọng bản thân mình”

Cơ sở tranh thêu của chị Liền nằm ngay đối diện chợ Nại Hiên Đông (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Chị kể trước đây chị làm ở tranh thêu XQ, và rồi trong những chuyến tham gia công tác xã hội, dạy nghề cho những trẻ em khuyết tật, mồ côi ở các trung tâm bảo trợ xã hội, hình ảnh những đứa trẻ kém may mắn khiến chị cứ nghĩ hoài rằng phải làm điều gì đó cho các em.

“Điều gì đó” là chị về bàn với gia đình cho đón các em về nhà mình dạy nghề thêu. Có em thiểu năng trí tuệ, có em không có chân, có em chỉ có một cánh tay… Ngay chính người nhà cũng nghĩ các em khó mà làm được chuyện gì, chỉ có thể chấp nhận một cuộc đời bất hạnh. Có em bị bỏ rơi khi mới lọt lòng, bươn bã giữa đời với những nghĩ suy đầy cay đắng. “Ta là N.Đ.D. Ta sinh ra đời đã không có tình thương - Nó đã viết như vậy đó và đã sống bất cần đời” - chị Liền vẫn nhớ cảm giác đứt ruột khi chị đọc tập vỡ của một học trò vừa khuyết tật, vừa mồ côi mà trước đây rất cá biệt, nay đã học khá thuần thục nghề thêu.

“Nhiều người nghĩ các con như thế thì không làm được gì, nhưng tôi nghĩ khác. Tôi nghĩ nếu các con đừng vin vào mặc cảm mãi rồi buông xuôi mà sống đầy nghị lực để tự khẳng định bản thân mình, học lấy một nghề với lòng đầy đam mê, các con nhất định sẽ làm được. Trước khi dạy nghề, tôi dặn các con phải coi trọng bản thân mình. Muốn người đời công nhận mình, thì bản thân mình phải công nhận năng lực của mình trước” - giọng chị Liền dứt khoát như khi chị đang trò chuyện với các trẻ kém may mắn được chị dẫn về nhà nuôi dạy nghề - những đứa trẻ gọi chị bằng mẹ.

Chị Liền bên “các con” ở cơ sở dạy nghề tranh thêu cho trẻ khuyết tật Thanh Ngọc Minh
“Muốn người đời công nhận mình, thì bản thân mình phải công nhận năng lực của mình trước” - chị Liền luôn căn dặn học trò của mình điều này để các em nuôi nghị lực phấn đấu vượt khó.

“Hạnh phúc của tôi là tình thương yêu của các con dành cho mẹ”

Những bức tranh thêu tinh xảo, những đường kim mũi chỉ thuần thục của các em mà chúng tôi tận mắt thấy khi đến thăm cơ sở Thanh Ngọc Minh đã chứng minh lời chị Liền. “Có lần tôi mang một bức tranh của các con đến tham gia đấu giá từ thiện. Mạnh thường quân bỏ ra một khoản tiền lớn để mua nhưng cứ bán tín bán nghi là do tôi làm lấy cho các con. Tôi dẫn họ về coi tận mắt và họ đã phải công nhận tài năng của các con. Không phải các con ai cũng giỏi. 10 thì mới có 2 con làm giỏi vì người bình thường còn phải có năng khiếu mới làm được huống chi là các con khi mà bức tranh có thể được hình thành với chỉ một bàn tay chứ không phải một đôi tay lành lặn. Nhưng các con đã kiên trì, bền bỉ với từng đường kim mũi chỉ để hoàn thành một sản phẩm đẹp nhất có thể” - chị Liền kể về một kỷ niệm.

Chị Liền tự hào khoe những tác phẩm tranh thêu đẹp của học trò.
Chị Liền tự hào khoe những tác phẩm tranh thêu đẹp của học trò.

Với người phụ nữ “bao đồng” này, hạnh phúc là khi chị nhìn thấy các em học thành nghề và thành người. Đã hơn 10 năm nay, kể từ khi chị Liền bắt đầu nhận nuôi dạy nghề thêu cho trẻ khuyết tật vào năm 2003, đã có hàng trăm trẻ học thành nghề, trưởng thành và vào đời tự lập. Thế nhưng dù đi đâu về đâu, các em vẫn nhớ về “nhà của mẹ Liền”.

“Khi gặp những trắc trở khó xử trong cuộc sống, các con cũng tìm về xin lời khuyên. Như trường hợp một em phải đi bằng xe lăn may mắn được một anh chàng thương yêu thật lòng. Thế nhưng người nhà kia không chịu. Hai đứa vẫn quyết lấy nhau. Bền gan và bền bỉ, con bé đã lấy được tình yêu thương của cả nhà chồng khi nghe lời tôi rằng dù thế nào cũng giữ đạo hiếu, hết lòng lo cho nhà chồng như lo cho chính nhà mình. Phải đi bằng xe lăn nhưng tự tay con bé có thể lo tươm tất cho cả một đám giỗ ở nhà chồng.

Rồi những khi tôi ngã bệnh, nghe tin, các con đã lập gia đình ở xa cũng tất tả chạy về thăm. Tết nhà tôi năm nào cũng có một ràng bánh tráng to đùng của gia đình con bé quê ở Đại Lộc mang ra biếu. Có năm, tôi đã bật khóc trong sinh nhật của mình khi đón nhận bức tranh thêu mà mấy đứa đã bí bật cặm cụi với từng đường kim mũi chỉ rất lâu mới làm xong…”.

Câu chuyện kể của chị về “các con” dường như bất tận như suối nguồn tình yêu thương của người mẹ không bao giờ cạn. “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là tình thương yêu của các con dành cho mẹ” - chị Liền nói giọng nhẹ nhàng mà chan chứa niềm vui.

Khánh Hiền