TPHCM:

Tết đọc sách - tại sao không?

(Dân trí) - Hội thảo “Tết đọc sách, tại sao không?” diễn ra vào chiều ngày 21/3 tại Hội sách TPHCM 2010 thu hút rất đông độc giả. Không chỉ đem lại những thông tin bổ ích, hội thảo còn kêu gọi ủng hộ 10.000 chữ ký vì ngày đọc sách Việt Nam.

Đúng như tên gọi, tâm điểm của buổi hội thảo nói về những lợi ích của việc đọc sách, thói quen cũng như những hạn chế của người Việt trong việc đọc... với sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng như: Nhà văn Nguyên Ngọc, Trưởng đại diện báo Dân trí tại TPHCM - chuyên gia cao cấp Tư vấn về tái cấu trúc và quản trị doanh nghiệp Lý Trường Chiến, PGS.TS Trần Hữu Tá…

Một diễn giả đưa ra thực trạng đáng lo ngại: ở Việt Nam trung bình chỉ có hai đầu sách trên một đầu người. So với thế giới, con số này quá khiêm tốn. Việt Nam có truyền thống hiếu học và ham đọc sách nhưng hiện nay, mọi người đọc quá ít, quá chậm.

“Tôi hoàn toàn đồng ý với lý do các bạn ít đọc sách là bởi các bạn đọc quá chậm. Ở Việt Nam, trung bình các bạn đọc được khoảng 240 chữ/phút. Đó là một con số quá ít, riêng tôi đọc được 1.200 chữ. Đọc chậm khiến các bạn mất quá nhiều thời gian, trong khi cũng với số thời gian đó, tôi có thể tiếp thu được lượng kiến thức gấp 5 lần”, diễn giả Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Tết đọc sách - tại sao không? - 1
Hội thảo "Tết đọc sách - tại sao không?" diễn ra ngày 21/3 tại hội sách TPHCM lần thứ 6.

Diễn giả Lý Trường Chiến đưa ra một con số thống kê đáng giật mình: theo kết quả của một cuộc khảo sát “bỏ túi” thì hơn 70% sinh viên (SV) chỉ học trong sách giáo khoa, 80% không đọc sách một năm qua, 98% không đọc sách tuần qua và có thể nói, 100% gần như không để ý tới thơ.

Ông Lý Trường Chiến còn tiếp tục đưa ra những con số khác trong buổi nói chuyện của mình: “Các bạn SV đánh giá rất cao những kỹ năng cứng như kiến thức học đọc, tầm quan trọng của ngoại ngữ (94%), khả năng sử dụng máy tính (92,9%) trong khi các ứng xử xã hội thì gần như bị bỏ quên. Vậy các em sẽ sống thế nào? Làm việc với ai? Quan hệ xã hội sẽ ra sao?”

“Có thể thấy mong ước của những em này rất thực dụng nhưng không cụ thể. Tư duy thụ động, suy nghĩ nghèo nàn… đó là một trong những điều nguy hiểm khi lựa chọn tương lai. Để thay đổi điều đó, không chỉ có định hướng của những người đi trước mà chính các em cũng có thể tự thay đổi bằng cách học hỏi và đọc sách”, ông Chiến nhấn mạnh.

Không chỉ có các diễn giả mà các SV tham dự cũng đưa ra nhiều ý kiến ủng hộ việc đọc sách. Với Võ Hoàng Anh, SV Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, đọc sách là việc cả đời chứ không phải chỉ một ngày: “Tôi nghĩ mỗi bạn SV nên đọc 1 cuốn sách/tuần. Việc cho ra đời ngày sách quốc gia là một sự kiện quan trọng mà SV chúng tôi hết sức ủng hộ”.

Buổi hội thảo diễn ra sôi nổi, hào hứng. Những người tham dự cùng nhau ký tên ủng hộ 10.000 chữ ký cho Ngày đọc sách Việt Nam như một hành động đầu tiên đánh dấu những nỗ lực thay đổi tiếp theo. Ai cũng háo hức và hi vọng ngày càng nhiều hơn những buổi hội thảo thú vị như vậy.

Tết đọc sách - tại sao không? - 2
Bạn trẻ ký tên ủng hộ Ngày đọc sách Việt Nam.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc