“Tết thầy” liệu có còn?

(Dân trí) - “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy” câu nói dân gian ấy dường như đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt Nam mỗi khi Tết về - đó là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay “Tết thầy” liệu có còn?

Ngày mùng 3 là ngày tết Thầy, điều đó cho thấy rằng đạo lý của dân tộc ta thật tốt đẹp. Vào ngày này, học trò đến thăm thầy cô giáo, chúc mừng năm mới và chúc sức khỏe thầy cô. Tuy nhiên, hiện nay quan niệm này theo nhiều người đã bị “thương mại hóa”, không còn ý nghĩa và trong sáng như xưa nữa.
 
Dưới đây là ý kiến của nhiều nhà giáo, nhà tâm lý, nhà quản lý giáo dục về Tết thầy hiện nay.

“Tết thầy” liệu có còn? - 1
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT:

Ngày Tết đến thăm thầy có ý nghĩa rất thiêng liêng

Hình thức Tết thầy xưa và nay rất khác nhau. Ngày xưa, đến ngày Tết thì học sinh đến với thầy cô chỉ cần chục trứng, con gà nhưng ngày nay hình thức Tết thầy khác hơn. Học trò có thể tặng thầy một cuốn sách hoặc món quà khác. Tuy nhiên, bản chất của sự việc vẫn không thay đổi, nó thể hiện tấm lòng, tình cảm của trò đối với thầy cô giáo. Đến thăm thầy, cô ngày Tết cũng là thể hiện tình cảm tri ân của mình với thầy cô. Do vậy, ngày mùng 3 rất ấn tượng đáng nhớ với những người đang đi học, đã đi học nhớ đến thầy.

Các thầy, cô giáo dù thời xưa và thời nay cũng vậy. Với những người thầy giáo chân chính, món quà không phải là biểu hiện tỉ lệ thuận với tấm lòng của học trò với thầy.

Ngay cả bản thân tôi cũng thế, tôi vẫn đi thăm các thầy, cô nhân dịp Tết đến. Có thể tôi đi sớm hơn ngày mùng 3. Tôi nghĩ ngày Tết đến thăm thầy có ý nghĩa thiêng liêng hơn với những ngày lễ khác như 20-11.

Tuy nhiên, dịp Tết đến nhiều người nghĩ đến nhà thầy cô là có mục đích thế này thế khác nhưng tôi nghĩ đó chỉ là một ít trường hợp cá biệt, chứ không thương mại hóa như nhiều người nghĩ.

Các thầy cô ngày Tết cũng rất mong gặp được học trò cũ của mình chứ không mong muốn nhận được cái gì của các em. Nếu vì món quà thì nó mất đi cái gì đó thiêng liêng tình thầy trò.

Ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam:

“Tết thầy” liệu có còn? - 2

Ngày nay, cả làng đi tết thầy!

Theo tôi, Tết thầy xưa và nay có ý nghĩa rất khác nhau. Trước đây từ thời Pháp thuộc, các ông đồ ngày xưa đến ngày Tết rất bình thường, làm gì có nhiều học sinh đến chúc tết chỉ những học trò nào khá giả, có điều kiện mới đến tết thầy.

Ngày nay, thì cả làng đến tết thầy, ngày Tết như đến thầy để trả công. Hiện tượng này, nó như phản ứng dây chuyền, người này tết thì người kia cũng phải tết. Không ai là dám không đi tết thầy ngày Tết. Cái dở bây giờ là thế. Chỉ làm khổ trẻ con, nếu học kém lại phải đi thầy. Nhiều học trò nghèo vẫn cố gồng mình lên mang quà đến tặng thầy. Nhiều khi trở thành công việc phải làm, bố mẹ không đi tết thầy lại áy náy, thầy sẽ nghĩ sai.

Vì vậy, tôi khẳng định, gần 100% học trò hiện nay đi tết thầy, đó là hiện tượng không bình thường, rất lạ. Do đó, không thể nói ngày nay hiếu học hơn trước. Tôi nghĩ lễ Tết không phải là tôn sư trọng đạo.

Theo tôi, ngày nay học trò nào có điều kiện thì nên đi Tết thầy. Bên cạnh đó, các thầy giáo cũng không nên nhận quà của học sinh nhất là học sinh nghèo. Nhiều thầy mà thấy học trò mình nghèo mà nhận quà thì nhẫn tâm quá, không nên.

“Tết thầy” liệu có còn? - 3
Nhà tâm lý Đinh Đoàn:

Tết thầy hiện nay không còn ý nghĩa

Người Việt Nam có câu, “Mùng một Tết Cha, mùng hai Tết Mẹ, mùng ba Tết Thầy”, người thầy được kính trọng cao quý như bậc cha mẹ của mình.

Tôi thấy, ngày Tết những học trò cũ, đã ra trường, thành đạt đến thăm thầy với tình cảm chai rượu, ấm chè rất có ý nghĩa nhưng những học trò cũ ấy lại rất hiếm. Thanh niên bây giờ, để ngày Tết họ đến thăm thầy, tôi thấy lại càng hiếm hơn.

Đối với những sinh viên, ngày Tết đến thăm thầy đều với mục đích xin điểm như chuẩn bị thi tốt nghiệp, thi lại... Đối tượng học trò, chủ yếu bố mẹ đến thăm thầy với mục đích nhờ vả, thầy cô chú ý đến con mình. Còn những phụ huynh đến thăm thầy với đúng nghĩa thăm lại rất ít.

Nói chung cả người thăm và người được thăm cũng chẳng vui vẻ gì, nhiều thầy giáo chậc lưỡi cho qua, thôi thì đời nó thế. Còn những người thầy, cô có lòng tự trọng bức xúc về trò đến thăm mình với mục đích vụ lợi lại rất ít. Do vậy, ý nghĩa nhân văn cao đẹp tết thầy hiện nay đã mất hết rồi, bị thương mại hóa nhiều quá.

Phó Giáo sư Văn Như Cương:
 
Đừng hiểu lầm tình cảm học trò đối với thầy nhân ngày Tết
“Tết thầy” liệu có còn? - 4

Việc Tết thầy là truyền thống từ xa xưa rất tốt, đáng trân trọng, học trò đi Tết thầy bằng gói bánh mứt, phong kẹo, ấm chè... thể hiện tấm lòng của mình. Tôi nhớ ngày xưa khi tôi còn bé, có người mang con gà đến biếu thầy tôi, cũng là thầy giáo. Tôi thấy thầy tôi trả lại. Cậu học trò đó nói rằng: "Thưa thầy, gà này là nhà con nuôi được”. Thầy tôi rất cảm động với tấm lòng của cậu học trò đó. Còn ngày nay, truyền thống này vẫn duy trì tốt đẹp nhưng trong thời đại “Phú quý sinh lễ nghĩa” thì nhiều người hay kèm theo món quà đắt giá hơn.

Đến ngày Tết nhiều người nói đến chúc tết thầy cô giáo với ý này ý kia, thương mại hóa quá, nhưng tôi nghĩ nó rất ít. Tôi thấy chưa đến mức để nói là thương mại hóa. Thường đa số học trò đến chúc tết thầy bằng cả tấm lòng. Trong cả năm, họ không biết thể hiện tình cảm của mình như thế nào với thầy nên nhân dịp ngày tết đến thăm thầy, chúc tết thầy đó là điều tốt đẹp. Vừa qua, tôi cũng đã nhận lẵng quà Tết của tập thể phụ huynh một lớp tặng, đó là tình cảm của họ, rất đáng trân trọng.

Mọi người đừng đánh giá thấp tình thầy trò hiện nay.

Ngày Tết, giáo viên cũng nghèo nhưng nhiều người còn nghèo hơn như công nhân, nông dân, lao động... Chúng tôi nghèo thật nhưng chúng tôi vẫn làm từ thiện, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Nhiều nơi thưởng tết hàng chục triệu, trăm triệu, giáo viên chỉ có 50.000 - 100.000 đồng, cao nhất là 300.000 đồng nhưng tôi nghĩ như thế là tốt lắm rồi, nhiều người còn không được thưởng gì.

“Tết thầy” liệu có còn? - 5
Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng:

Dư luận không nên lên án các thầy!

Ngày Tết học trò đến thăm thầy không có gì lạ, thể hiện tình cảm quý mến thầy. Tôi cũng nói rằng, số đông học trò vẫn chân thành thể hiện tấm lòng của mình đúng mức. Còn một số phụ huynh học sinh lợi dụng ngày Tết để biếu xén thầy thì cả 2 bên đều phải cảnh giác. Thực ra, những món quà phụ huynh, học sinh biếu thầy nhân dịp Tết cũng vừa phải thôi, như 100.000 - 200.000 đồng hoặc mua chai rượu, hộp bánh để biếu.

Tôi cũng khẳng định rằng, ở trường tôi học sinh bây giờ ngày Tết có mấy ai chúc thầy, chỉ vài em cùng bố mẹ mình đến thăm thầy. Dư luận không nên lên án các thầy, như thế ảnh hưởng đến tình cảm thầy và trò.

Mặt khác, dư luận “bỏ rọ” thầy vào một nắm là không đúng. Với những món quà lớn, phần lớn các thầy tìm cách trả lại như trường tôi, có phụ huynh biếu món quà có giá trị một chút, giáo viên đã chuyển sang tiền học phí cho học sinh để trả lại. Nói đến biếu xén, quà cáp ngày tết phải kể đến quan chức mới là lượng lớn chứ đừng nói đến các thầy.

Hồng Hạnh