Thạc sĩ ĐH Harvard: “Giáo dục tại nhà không phải một giải pháp… bỏ cuộc”

(Dân trí) - Theo bà Đào Thu Hiền (Thạc sĩ ĐH Harvard), mô hình homeschooling - giáo dục tại nhà không đơn thuần là một giải pháp “bỏ cuộc” của phụ huynh trước những bất công, bức xúc gặp phải với giáo dục nhà trường như một số người Việt nghĩ.

Homeschooling trên thế giới cũng phải trải qua quá trình “start-up”

Tin tức trong tuần qua về việc một gia đình tại TP. Hồ Chí Minh chọn tự dạy con ở nhà thay vì cho con tới trường có lẽ đã làm nhiều cha mẹ và những người làm giáo dục ở Việt Nam băn khoăn. Khi đọc phản ứng trên mạng xã hội thì tôi thấy phần lớn mọi người đang phản đối, cho rằng đây là giải pháp “bỏ cuộc” và lấy đi của những đứa trẻ này một cơ hội đối mặt với những thử thách đời thường mà các con cần.

Giáo dục tại nhà có phải là lựa chọn bỏ cuộc trước bất cập của giáo dục ở nhà trường? (Nguồn ảnh: Reuters)
Giáo dục tại nhà có phải là lựa chọn bỏ cuộc trước bất cập của giáo dục ở nhà trường? (Nguồn ảnh: Reuters)

Tranh cãi này tôi cho là cần thiết trong bối cảnh hiện tại ở Việt Nam, nơi mà giáo dục trong nhà trường còn nhiều bất cập, mô hình homeschooling (giáo dục tại nhà) chưa được công nhận, và cũng chưa có một hệ thống xã hội để hỗ trợ việc tự dạy con.

Ở nhiều nơi trên thế giới như Úc, Mỹ, Anh và Canada, homeschooling không mới. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là Mỹ, nơi mô hình này xuất hiện từ những năm 1960 và tới nay đã có tới 2 triệu trẻ em đang học ở nhà, chiếm khoảng 3-4% số trẻ em đang độ tuổi tới trường. Từ năm 1989, các tiểu bang đã chính thức công nhận “trường tại gia” bằng cách bỏ luật bắt buộc trẻ em tới trường, chấp nhận kết quả học ở nhà và cho phép các trường cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh thi đạt yêu cầu.

Song song với việc đó, nhà nước đưa ra qui trình quản lý chất lượng, nhiều tổ chức được thiết lập để hỗ trợ cha mẹ, cung cấp giáo trình và phương pháp giảng dạy.

Ở Canada, nơi có khoảng 22.000 học sinh học tại nhà, một điều tra của Trung tâm Giáo dục Tại nhà năm 2006 về 5.800 trường hợp trong cả nước cho thấy 94% học sinh này đạt kết quả cao hơn mức trung bình của các bạn cùng tuổi đang học tạị trường, cả về kiến thức và năng lực.

Ở Canada, theo một điều tra của Trung tâm Giáo dục Tại nhà năm 2006 về 5.800 trường hợp trong cả nước cho thấy 94% học sinh này đạt kết quả cao hơn mức trung bình của các bạn cùng tuổi đang học tạị trường, cả về kiến thức và năng lực. (Ảnh minh họa: Business Insider)
Ở Canada, theo một điều tra của Trung tâm Giáo dục Tại nhà năm 2006 về 5.800 trường hợp trong cả nước cho thấy 94% học sinh này đạt kết quả cao hơn mức trung bình của các bạn cùng tuổi đang học tạị trường, cả về kiến thức và năng lực. (Ảnh minh họa: Business Insider)

Kết quả là thế, nhưng những người tiên phong homeschooling ở các nước có tiền lệ không thể biết trước con họ sau này sẽ phát triển thế nào. Họ cũng chỉ dựa vào một niềm tin cá nhân và động lực từ những lý do như: không còn niềm tin vào trường học (theo trường phái “Schools kill creativity”), cho rằng trẻ em học tốt nhất khi được dạy theo cách phù hợp (personalized education vs. one size fits all), điều kiện hoặc hoàn cảnh không cho phép con tới trường (sống ở nơi hẻo lánh, con có những đặc điểm đặc biệt, v.v.).

Nhờ có những người kiên trì đấu tranh cho ý tưởng và những người làm chính sách có tư duy mở, mà công cuộc homeschooling đã được khám phá và xây dựng. Cũng như những ý tưởng mới khác, homeschooling cũng phải trải qua quá trình “start-up” để trở thành một lựa chọn nhận được đầu tư và ủng hộ của xã hội. Tới nay những cha mẹ ở Mỹ chọn homeschooling không cảm thấy mình “bỏ cuộc” mà chỉ đơn giản là chọn cách hiệu quả hơn đối với con họ.

Không phải lựa chọn phù hợp cho tất cả…

Nhưng, mặc dù homeschooling là lựa chọn của hàng triệu gia đình trên thế giới, không có nghĩa homeschooling đương nhiên trở thành lựa chọn phù hợp cho tất cả các gia đình hay ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngoài ra, mỗi xã hội có thể có những quan điểm chung nhất định về việc con em chúng ta cần được dạy cái gì.

Ví dụ, nước Đức có một nền giáo dục rất tiên tiến, nhưng nhà nước vẫn cấm homeschooling với lý do cha mẹ có thể truyền bá cho con những tư tưởng (về tôn giáo, chính trị) không đồng nhất với nền giáo dục quốc gia.

Chúng ta nên tìm hiểu về điểm tốt và điểm hạn chế của mô hình này để xem xét một cách đúng đắn nhất. Dựa vào những nghiên cứu ở các nước và hoàn cảnh ở Việt Nam, tôi thấy có những điểm sau đây phụ huynh cần xem xét:

* Điểm có thể là ưu việt của mô hình này:

- Học ở nhà môi trường thoải mái hơn ở trường, không phải đi lại, không bị nóng bức và mệt mỏi.

- Mỗi em có một cách học và nhu cầu riêng, nên học ở nhà các em có thể tìm được cách thức học, tốc độ phù hợp với mình.

- Muốn học gì thì học, không phải theo chương trình chung, miễn là khi kết thúc khoá học thi đạt yêu cầu. Ở Việt Nam chưa có qui định cho việc homeschooling nên mô hình này chỉ phù hợp cho thi các chương trình của nước ngoài.

- Học ở nhà thường chỉ 1 thầy 1 trò (vì bố/mẹ trực tiếp dạy con) nên tiết kiệm thời gian.

- Giảm rủi ro bị bắt nạt, xảy ra tai nạn, hay áp lực từ bạn bè, thầy cô.

- Giảm rủi ro bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng của số đông.

Tác giả bài viết Đào Thu Hiền - cựu sinh viên ĐH Harvard.
Tác giả bài viết Đào Thu Hiền - cựu sinh viên ĐH Harvard.

* Điểm có thể là bất lợi nếu học tại nhà:

- Ở Việt Nam, điểm bất lợi lớn nhất là hình thức học ở nhà chưa được chấp nhận nên con sẽ không tốt nghiệp được và không học tiếp lên các bậc cao hơn. Du học là lựa chọn duy nhất (cũng là lựa chọn tốt nhưng cần có năng lực tài chính và được chuẩn bị đầy đủ về ngoại ngữ, học lực và phát triển cá nhân).

- Giảm cơ hội phát triển kỹ năng xây dựng quan hệ trong môi trường xã hội.

- Giảm cơ hội được học từ nhiều người, nhiều phong cách, mở mang không chỉ kiến thức mà cách nhìn nhận vấn đề và tăng nguồn cảm hứng.

- Có thể bị hạn chế tiếp cận các hoạt động tập thể, ngoại khoá, tiện ích như sân bóng, sân khấu, v.v.

- Bố mẹ cần có thời gian dạy con và phải có kỹ năng sư phạm cũng như kiến thức nền tảng.

- Bố mẹ cần phải là người tạo được cảm hứng và động lực tích cực cho con (không phải ai cũng đủ kiên trì).

- Nếu bố mẹ có những quan điểm thái quá, có thể tạo ảnh hưởng một chiều tới con.

- Con dễ bị bạn bè trêu trọc hay người ngoài nhòm ngó, “Bị làm sao mà phải học ở nhà?”.

Tác giả bài viết Đào Thu Hiền, từng học Thạc sĩ tại ĐH Harvard từ 2003 - 2005 và học tại ĐH Columbia từ 1997 - 1998. Bà từng làm việc tại Sở Tài chính New York và văn phòng thị trưởng New York trong giai đoạn 2005 - 2011. Trước đó, tác giả Đào Thu Hiền làm báo cho Bloomberg và AP.

Bà Hiền từng là cố vấn cho các Sở Giáo dục tại Mỹ về cải tổ giáo dục trong giai đoạn 2010-2012.

Đào Thu Hiền

(Thạc sĩ ĐH Harvard)