Thăm làng hiếu học Rbai

(Dân trí) - Là ngôi làng thuần nông với hơn 90% là người dân tộc thiểu số, nhưng làng Rbai (xã Ia Piar, Phú Thiện, Gia Lai) được mệnh danh là làng “sản xuất” ra cán bộ với hơn 210 người đã và đang làm cán bộ từ cấp xã trở lên.

Làng Rbai (bây giờ là 2 làng Rbai A và B) có 313 hộ trong đó người dân tộc J’Rai chiếm hơn 90%. Những người con của làng luôn phấn đấu vươn lên bằng con đường học thức, và con số thống kê chưa đầy đủ là làng có hơn 210 người đã và đang làm cán bộ từ cấp xã trở lên (trong đó có 60 người đạt trình độ thạc sĩ, Đại học, cao đẳng). Ngoài ra, hiện tại làng đang có gần 30 sinh viên đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước.

Bà Siu H’Ngôn là người dân làng Rbai A, bà có 4 người con thì tất cả đều ngoan ngoãn và hiếu học. Bà H’Ngôn cho biết, hiện 3 người con của bà đã có có công ăn việc làm ổn định, trong đó có 1 người làm kế toán ở huyện Ia Grai, người con thứ 2 là Siu Hương sau khi tốt nghiệp trường ĐH Luật TPHCM thì về làm trợ lý pháp luật ở tỉnh Gia Lai, 1 người làm giáo viên và đứa út hiện đang học tại một trường CĐ ở Quảng Ninh. Đặc biệt, cô con gái thứ 2 là chị Siu Hương, 30 tuổi, là Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Vợ chồng bà H'Ngôn luôn tự hào về các con của mình
Vợ chồng bà H'Ngôn luôn tự hào về các con của mình

Để có được “trái ngọt” này, vợ chồng bà H’Ngôn đã phải trải qua nhiều khó khăn về kinh tế. Và chính khó khăn đó đã giúp bà có thêm động lực và quyết tâm để cho các con theo đuổi con chữ đến cùng, vì theo bà chỉ có con chữ mới diệt được "giặc nghèo": “Nuôi các con ăn học mình chỉ vất vả về tiền bạc, rồi phương tiện cho các con đi học không có. Để có thể cho các con đi học, vợ chồng mình phải làm 2,5 ha mía và 1,5 ha lúa. Hồi đó vất vả, nhưng mình chỉ nghĩ mình đã nghèo cái chữ thì buộc phải “mua” chữ cho con, mình phải thắt lưng buộc bụng để cho con ăn học. Chỉ có cái chữ mới giúp nó theo kịp được với xã hội bây giờ, theo kịp được Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước. Vất vả nhưng thấy các con ăn học thành người mình rất vui”, bà H’Ngôn tâm sự.

Cũng không thua kém gia đình bà H’Ngôn, gia đình ông Nay Yem có 5 người con thì 3 người đã tốt nghiệp đại học (1 người là giáo viên, 2 người là bác sĩ), còn 2 người con còn lại đang theo học trung cấp và đại học. “Nếu không học thì sao mà xóa được cái đói, giảm được cái nghèo. Bác Hồ nói học để biết làm ăn, để hiểu biết. Nên mình thấy con mình học thành người mình rất tự hào”, ông Yem nói.

Cái chữ đã giúp người J'Rai ở Rbai diệt được giặc nghèo.
Cái chữ đã giúp người J'Rai ở Rbai diệt được "giặc nghèo".

Chuyện hiếu học ở Rbai không chỉ giúp ngôi làng thuần nông thoát khỏi cái nghèo, nâng cao trình độ dân trí, mà hàng chục năm qua làng luôn là nguồn “sản xuất” ra nhiều cán bộ là người địa phương cho tỉnh Gia Lai như: chị Siu Hương là trưởng chi nhánh Trợ giúp pháp lý của thị xã Ayun Pa kiêm Đại biểu Quốc hội khóa 13; ông Nay Suin - Phó hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Gia Lai; ông Rmah xôn - phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phú Thiện, ông Ksor Giáp - Chuyên viên phòng Nội vụ tỉnh Gia Lai…

Bà Vũ Thị Lý - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Thiện cho biết: “Làng Rbai, xã Ia Piar là hàng có truyền thống hiếu học từ những năm sau giải phóng đến nay. Tinh thần hiếu học của làng ngày càng được phát huy cao hơn, làng luôn là điểm sáng về tinh thần hiếu học cho nhiều thế hệ trẻ trong vùng".

Thiên Thư