Thăm làng tiến sĩ ở xứ dừa

(Dân trí) - Xã Vĩnh Hòa (Ba Tri, Bến Tre) nổi tiếng là xã khuyến học với nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân đóng góp lớn cho xã hội. Điều đặc biệt là nhiều gia đình quyết cho con cái chữ chứ không cho tài sản hay ruộng đất nên càng nhiều "ông cử, bà cử" đỗ đạt thành tài.

Từ làng quê nghèo trở thành làng ông cử, bà cử

Từ trung tâm huyện Ba Tri đến xã Vĩnh Hòa chưa đến 10 km nhưng nơi đây từ lâu là một xã thuần nông nghèo với nghề trồng lúa, chăn nuôi. Tuy là xã nghèo nhưng từ xưa nơi đây nổi tiếng là xã hiếu học của tỉnh Bến Tre. Theo thống kê toàn xã có 7 tiến sĩ, 40 thạc sĩ và hàng trăm cử nhân xuất thân từ vùng quê nghèo khó này thành tài đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước. Ông Hồ Văn Phúc, phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, cho biết: “Đây là xã nghèo diện tích đất sản xuất ít nên người dân rất cần cù trồng trọt, chăn nuôi. Điều đặc biệt do nghèo khó nên ai cũng có tư tưởng cho con cầm viết chứ không muốn cho cầm cày vất vả như thế hệ cha ông. Vậy là thành phong trào rất nhiều người học hành thành tài”.

Những tấm gương học giỏi được tuyên dương hàng năm ở trường Tiểu học Vĩnh Hoà
Những tấm gương học giỏi được tuyên dương hàng năm ở Trường tiểu học Vĩnh Hòa.

Theo ông Phúc, những tiền sĩ nổi tiếng ở địa phương có thể thống kê được như Tiến sĩ Nguyễn Tấn Mẫn, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; Tiến sĩ Dương Thành Đa, nguyên phó giám đốc Công ty Điện máy miền Nam; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Cẩn, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức (nay là ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM); Tiến sĩ Lê Thị Cúc, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp; Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre… Còn đối với thạc sĩ, cử nhân thì chỉ biết số lượng chứ chưa biết chính xác họ tên. Trung bình mỗi năm ở địa phương có khoảng 20 đến 30 em học hết lớp 12 thi đỗ vào các trường đại học.

Học sinh trường tiểu học Vĩnh Hoà
Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Hòa.

Để tiếp thêm tinh thần cho các em, mỗi năm sau kỳ thi đại học địa phương sẽ tổ chức buổi lễ tuyên dương, khen thưởng các em có thành tích đỗ đại học. Mỗi em nhận được suất học bổng vài trăm ngàn để chuẩn bị hành trang lên thành phố nhập học. Năm nào cũng có vài chục em ở địa phương thi đỗ đại học.

Những câu chuyện vượt khó tìm con chữ

Nhiều câu chuyện việc phấn đấu vươn lên trong học tập ở đất Vĩnh Hoà được truyền miệng từ đời này sang đời khác để giáo dục các thế hệ noi theo. Trong đó tấm gương những tiến sĩ, thạc sĩ thành tài hay những gia đình hiếu học được nhiều người nhắc tới.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Vĩnh Hòa cho biết: “Ở địa phương có rất nhiều tấm gương vượt khó, hiếu học. Chẳng hạn câu chuyện về gia đình cha cùng hai người con cùng học lớp bổ túc buổi tối để lấy kiến thức. Khi trên lớp hay về nhà thì cha con tranh luận về cách giải một bài toán ỏm tỏi bình thường như bạn bè…”.

Dù nghèo khó nhưng ông Phuôn vẫn chắc chiu lo cho con ăn học
Dù nghèo khó nhưng ông Phuôn vẫn chắt chiu lo cho con ăn học.

Ngoài ra, theo ông Thạnh, nhiều gia đình còn truyền miệng câu chuyện phấn đấu vươn lên của cô giáo tên Nguyễn Thanh Thủy hiện đã về hưu. Mấy chục năm trước, cô Thủy làm nghề trồng rau rồi gánh ra chợ bán. Thế mà bỗng một ngày cô trở thành giáo viên khiến hàng xóm, láng giềng ai cũng bất ngờ. Hỏi ra mới biết, ban ngày trồng rau ra đem ra chợ bán, tối về cô Thủy đạp xe gần 10 km lên trung tâm huyện học bổ túc rồi học Sư phạm để trở thành một giáo viên. Hay hiện tại có trường hợp phấn đấu vươn lên của cô Trần Thanh Thảo, sinh năm 1981 hiện là sinh viên năm thứ nhất cũng được nhiều người khâm phục. Do nhà nghèo, Thảo nghỉ học từ năm lớp 6 để phục gia đình. Hơn chục năm sau khi đã lấy chồng, có hai đứa con nhưng cô vẫn đăng ký đi học bổ túc cấp 2 rồi cấp 3 và thi đổ vào Trường Cao đẳng Sư phạm…

Hầu hết những gia đình ở đất Vĩnh Hòa đều chọn con đường cho con em mình học chữ dù nghèo khó. Gia đình ông Trần Văn Phuôn, 67 tuổi (ngụ ấp Bến Vựa, xã Vĩnh Hòa) chỉ có mấy công đất ruộng trong khi cả chục đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Ông Phuôn cho biết: “Thời điểm sau năm 1980, ở địa phương cải cách ruộng đất, mỗi gia đình đều được chia đất theo nhân khẩu nên nhà nào cũng có mấy công đất chỉ đủ ăn. Vì vậy, chỉ có thể cho mấy đứa con ăn học mới thoát nghèo được. Suốt nhiều năm tôi vừa làm ruộng, nuôi bò để nuôi mấy đứa con ăn học. Bây giờ hầu hết những đứa con đều thành tài với những tấm bằng cử nhân, bác sĩ, y sĩ công tác tại huyện nhà và trên trung tâm tỉnh”. Theo ông Phuôn, hầu như nhà nào cũng ráng cho con ăn học và coi như đó là tài sản duy nhất để lại cho con.

Bây giờ vùng đất Vĩnh Hoà cũng còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều gia đình vẫn quyết tâm cho con ăn học. Hàng năm, những người con thành tài đang làm việc ở khắp nơi trên cả nước đóng góp tiền bạc, vật chất để giúp những học sinh nghèo tới lớp. Từ đó trở thành truyền thống để vùng đất thuần nông này ngày càng có nhiều "ông cử, bà cử".

Minh Giang