Thanh Hóa giải quyết “bài toán” trong điều chuyển, tuyển dụng giáo viên

(Dân trí) - Thực tế hiện nay, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu hàng nghìn giáo viên, nhân viên so với con số được giao và nhu cầu thực tế khiến ngành giáo dục tỉnh này gặp không ít khó khăn. Trước vấn đề trên, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cuộc họp để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong điều chuyển, tuyển dụng và thực hiện lao động theo định mức tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2017, nhu cầu biên chế khối THCS là 12.860 người, biên chế được giao là 13.448 người. Tuy nhiên hiện tại, tổng số biên chế khối học này trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang là 14.343 người, thừa so với số giao là 895 người, thừa so với nhu cầu là 1.483 người.

Tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo quyết liệt trong việc giải bài toán thừa thiếu giáo viên
Tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo quyết liệt trong việc giải bài toán thừa thiếu giáo viên

Đối với khối Tiểu học thì nhu cầu biên chế là 17.538 người, trong khi biên chế được giao là 16.551 người, biên chế hiện có 15.949 người, thiếu so với số giao là 602 người, thiếu so với nhu cầu là 1.589 người.

Riêng khối Mầm non, nhu cầu biên chế là 17.741 người, biên chế và lao đồng hợp đồng được giao là 15.573 người. Tuy nhiên, đối với cấp học này thì hiện nay, số biên chế và hợp đồng hiện chỉ có 13.728 người, còn thiếu so với số giao là 1.814 người, thiếu so với nhu cầu là 4.013 người.

Như vậy, thực tế cho thấy, vấn đề thừa thiếu giáo viên tại các cấp học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là khác nhau ở các cấp học, đó là chưa kể vấn đề thừa thiếu cục bộ giữa các môn văn hóa và môn đặc thù. Trong khi khối THCS thừa 1.483 người thì ở khối Tiểu học và Mầm non còn thiếu so với số được giao là 2.416 người, thiếu so với nhu cầu là 5.602 người. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc điều chuyển, sắp xếp, bố trí giáo viên tại các cấp học trên địa bàn.

Tuy nhiên, do con số được giao còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế đã khiến nhiều địa phương, đơn vị trường học và bản thân các giáo viên, nhân viên ngành giáo dục gặp không ít khó khăn trong việc triển khai các nhiệm vụ dạy và học.

Để giải bài toán thừa, thiếu giáo viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ngày 17/4, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì cuộc họp với 27 Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong điều chuyển, tuyển dụng và thực hiện lao động theo định mức tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hướng tỉnh Thanh Hóa đưa ra là trong thời gian tới thực hiện việc điều chuyển số lượng người làm việc thừa trong biên chế của khối THCS xuống bố trí cho khối Tiểu học 596 người, khối Mầm non là 772 người; điều chuyển đi huyện ngoài 65 người; số lượng người làm việc thừa trong biên chế của Tiểu học xuống bố trí cho khối Mầm non là 52 người.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, đánh giá lại việc thực hiện sắp xếp, bố trí và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính ở các trường Mầm non, Tiểu học, THCS thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố theo Kế hoạch số 120/KH-UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 9/8/2016; vấn đề điều chuyển giáo viên THCS, Tiểu học xuống Mầm non, điều chuyển giáo viên từ huyện này sang huyện khác; việc tạo điều kiện cho các huyện tuyển dụng hợp đồng lao động bảo đảm chỉ tiêu biên chế được giao; vấn đề sắp xếp số học sinh/lớp theo quy định…

Ông Nguyễn Đình Xứng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các địa phương cần rà soát, sắp xếp lại cán bộ, giáo viên hợp lý, chặt chẽ với chủ trương không tăng biên chế theo định mức đã được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ rõ hạn chế của các địa phương trong việc chậm trễ cũng như chưa nêu cao vài trò kiểm tra, đôn đốc, giám sát triển khai thực hiện Kế hoạch số 120 về việc sắp xếp, bố trí và tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính ở các trường Mầm non, Tiểu học, THCS.

Đồng thời, đề nghị Sở Nội vụ sớm có báo cáo đánh giá làm rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương trong thực hiện Kế hoạch số 120, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục; các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện công tác điều động, thuyên chuyển giáo viên theo kế hoạch và phải xong trước ngày 30/4/2017.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có ý kiến, trường hợp giáo viên không đồng ý điều chuyển, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn nghiên cứu giải pháp để thực hiện tinh giảm biên chế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có ý kiến, trường hợp giáo viên không đồng ý điều chuyển, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn nghiên cứu giải pháp để thực hiện tinh giảm biên chế.

Đối với cấp học Mầm non, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát lại số học sinh, qua đó cân đối đội ngũ giáo viên phù hợp theo định mức tại Quyết định số 3185/QĐ-UBND. Sau khi tính toán và thực hiện điều động, thuyên chuyển nếu vẫn thiếu có thể cho hợp đồng giáo viên.

Trong quá trình điều động, thuyên chuyển, mỗi đơn vị có cách làm riêng, song phải bảo đảm ổn định tình hình, không để xảy ra tiêu cực. Trường hợp giáo viên không đồng ý điều chuyển, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn nghiên cứu giải pháp để thực hiện tinh giảm biên chế.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Nội vụ báo cáo việc thực hiện điều động, thuyên chuyển và tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các huyện, thị xã, thành phố trước ngày 10/5/2017.

Duy Tuyên