Thành lập Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô

(Dân trí) - Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội, ngày 8/ 10/2014, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố thành lập Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô.

Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô thành lập, trực thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Trung tâm có nhiệm vụ làm đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu phát triển bền vững của thủ đô Hà Nội.

Trung tâm ra đời và phát triển dựa trên nền tảng học thuật và căn cứ thực tiễn bởi Hà Nội là thủ đô, là trung tâm đầu não của cả nước về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục và quốc phòng an ninh. Đây cũng là nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa văn hóa - văn minh của dân tộc và là nơi đại diện cho cả nước trong giao lưu, hội nhập với bè bạn bốn phương trên thế giới.

Do có vị thế đặc biệt như vậy nên từ lâu nghiên cứu toàn diện về Hà Nội, vì Hà Nội đã trở thành niềm say mê học thuật đầy tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của nhiều thế hệ các nhà khoa học ở ĐHQGHN và các cơ sở nghiên cứu khác. Chính những nghiên cứu của GS. Trần Quốc Vượng, GS. Phan Huy Lê và nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau đã đặt nền tảng cho sự ra đời của Hà Nội học với tính cách là một khoa học cơ bản - liên ngành.

Kết quả của hàng trăm công trình nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã và đang được ứng dụng thực tiễn phát triển của thành phố, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thủ đô và đất nước. Và chính những nghiên cứu này đã đặt nền tảng cho sự ra đời của ngành Hà Nội học.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, sẽ dành cho Trung tâm sự ủng hộ thiết thực nhất thông qua việc "đặt hàng" ĐHGQHN và Trung tâm nghiên cứu những vấn đề mà Hà Nội đang có nhu cầu giải quyết, bao gồm cả những vấn đề bức thiết, cơ bản, lâu dài trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học, giáo dục, tài nguyên, môi trường, quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.

Thông qua việc "đặt hàng" các nhiệm vụ này, Hà Nội không chỉ đầu tư các nguồn lực tương xứng, mà còn gửi gắm vào đó cả sự kỳ vọng và tin tưởng vào Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô và đội ngũ khoa học, trí thức nói chung. Đồng thời, chất lượng khoa học, hiệu quả và giá trị ứng dụng của các sản phẩm của Trung tâm sẽ chính là thước đo, là tiêu chí đánh giá năng lực, uy tín và hiệu quả của Trung tâm.

Nhân dịp này, Giám đốc ĐHQGHN đã ký quyết định bổ nhiệm GS.TS Nguyễn Quang Ngọc làm Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô.

Hồng Hạnh