Góp ý xây dựng Bộ tiêu chí thành phố học tập, công dân học tập:

Thành phố học tập: Tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi người dân

(Dân trí) - Sáng ngày 13/12, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Bộ tiêu chí xây dựng “Thành phố học tập” và các đặc trưng của “Công dân học tập” ở Việt Nam với sự tham gia của các lãnh đạo Sở, phòng Giáo dục và Hội khuyến học các tỉnh trong cả nước.

Tại buổi góp ý dự thảo Bộ tiêu chí, rất nhiều ý kiến được đưa ra đóng góp xây dựng từ chính thực tế hoạt động ở các thành phố, nhằm cụ thể hóa, giúp đưa Bộ tiêu chí sau này đến gần hơn với địa phương và người dân.

Cần nhưng không được vội

Theo thống kê của UNESCO, tính đến năm 2010, trên thế giới đã có 11 Hội nghị Quốc tế về thành phố học tập. Có 36 quốc gia dự đều đặn các Hội nghị này. Số thành phố học tập cử đại biểu tới dự khá đông. Có Hội nghị, số đại biểu đến dự đại diện cho 452 thành phố của nhiều quốc gia. Thế nhưng, Việt Nam luôn đứng ngoài những Hội nghị này và mấy năm gần đây, ta mới bắt đầu có những thông tin về trào lưu xây dựng thành phố học tập.

Thành phố học tập: Tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi người dân - 1

Ở Việt Nam, tính đến năm 2016, Thành ủy và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định đưa thành phố mang tên Bác Hồ lên thành phố học tập, mong muốn công dân thành phố học tập suốt đời noi gương Bác Hồ vĩ đại. Tuy nhiên, trải qua 1 năm thực hiện, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được những đặc trưng cơ bản và hiệu quả như mong muốn của một thành phố đông dân nhất trong cả nước về phương diện học tập.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học VN cho rằng: “Trong chương trình xây dựng thành phố học tập UNESCO đề xuất, thuật ngữ thành phố được chỉ một khu vực dân cư, một khu vực đô thị, một khu công nghiệp hay một khu chế xuất mà dân cư thường là vài ngàn người, không nhất thiết phải là những thành phố nhỏ và thành phố lớn.


GS.TS Phạm Tất Dong phát biểu tại hội nghị

GS.TS Phạm Tất Dong phát biểu tại hội nghị

GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: “Khi xây dựng một dự án thành phố học tập, không vội làm đồng loạt đưa các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố vào thực hiện Bộ tiêu chí, có thể chọn hoặc chỉ định quận nào, huyện nào làm thí điểm, hoặc làm đơn vị để tập trung nguồn lực làm trước, sau đó, đầu tư nhân mô hình đến quận, huyện khác. Khi chưa có kinh nghiệm thì lại càng không không làm ồ ạt, nhất loạt được”.

Do vậy, việc trước hết là phải có được Bộ tiêu chí về thành phố học tập và xác định những đặc trưng cơ bản về công dân học tập sống trong thành phố học tập làm khung cho các hành động được cụ thể hóa tại từng địa phương khác nhau.

Tính nhất quán trong Bộ tiêu chí cần được đảm bảo

“UNESCO không khuyên cả thế giới có một Bộ tiêu chí chung, mỗi quốc gia có thể tự xây dựng cho mình Bộ tiêu chí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng đất nước, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, những Bộ tiêu chí của các quốc gia khác nhau lại phải có một số điểm giống nhau để bảo đảm tính tương đồng cần thiết, phản ánh trình độ phát triển chung của thế giới hiện đại” GS Dong khẳng định.

Thành phố học tập: Tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi người dân - 3

Bà Bùi Thanh Xuân, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Bộ tiêu chí mà quốc gia nào cũng cần bảo đảm các yếu tố: thành phố phải tạo ra các cơ hội học tập từ cấp phổ thông đến cấp đại học một cách bình đẳng cho mọi công dân của mình; phải thúc đẩy việc học tập trong từng gia đình và từng cộng đồng; thúc đẩy việc tạo điều kiện học cho công việc và học tại nơi làm việc; mở rộng công việc sử dụng các công nghệ học tập hiện đại; đảm chất lượng học tập của người dân, thực hiện được sự đa dạng hóa về các hình thức học tập, các nội dung học tập và các phương pháp học tập của người lớn; xây dựng văn hóa học tập suốt đời”.

Đồng tình với ý kiến của Hội thảo, bà Thái Xuân Đào, Phó Trưởng ban phong trào Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, không nên xây dựng Bộ tiêu chí có quá nhiều chỉ số đo lường và quá cao so với trình độ phát triển của nền kinh tế.

Tuy nhiên, phải bảo đảm những yêu cầu cần thiết mà UNESCO đề ra nhằm khi triển khai xây dựng thành phố học tập. Hướng tới mục tiêu thành phố của chúng ta được UNESCO chấp nhận và xếp vào mạng lưới thành phố học tập của thế giới.

Cấu trúc Bộ tiêu chí dự thảo sẽ có hình ngôi nhà

GS Phạm Tất Dong cùng các đại biểu dự hội thảo đã cùng thảo luận và đưa ra bản phác thảo cấu trúc tổng quát của Bộ tiêu chí, nên chọn ra 3 lĩnh vực trọng tâm, 33 tiêu chí và 44 chỉ số đo đạc dựa trên khảo sát số liệu, báo có của các sở, ban ngành liên quan.

Các lĩnh vực trọng tâm, các tiêu chí đánh giá và các chỉ số đo đạc có thể được thể hiện bằng: Một ngôi nhà, phần mái là lợi ích và tác dụng của việc học tập suốt đời, phần cột trụ nói lên kết quả và những yêu cầu đặt ra trước việc học tập, phần nền móng là những điều kiện buộc phải có để bảo đảm cho thành phố phát triển thành Thành phố học tập.

Hà Cường

Thành phố học tập: Tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi người dân - 4

Hình ảnh minh họa cấu trúc

Những ý kiến đóng góp vào dự thảo Bộ tiêu chí xây dựng thành phố học tập, công dân học tập sẽ được phóng viên chúng tôi cập nhật thêm./.

Hà Cường

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục