Thành quả "gặt hái" từ tinh thần hiếu học!

(Dân trí) - Trò chuyện bẽn lẽn và ít kể về mình, Nguyễn Lâm Trúc làm chúng tôi ngỡ ngàng khi lần đầu tiếp xúc với chàng thủ khoa vào trường ĐH Bách Khoa TPHCM với số điểm tuyệt đối 30 điểm cùng bảng thành tích không phải ai cũng làm được.

Nói về Trúc, thầy hiệu trưởng Trường THPT Số 2 Phù Cát (Huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định) nhận định: “Em là tấm gương hiếu học ở nông thôn. Ở một địa bàn khó khăn của xã biển, nhiều giáo viên của trường còn bỏ đi vì không chịu cực được. Sự đầu tư vào những học sinh giỏi của trường cũng không được nhiều như những trường khác. Thế mà em Trúc cũng thể hiện tinh thần tự học theo sách giáo khoa, tự mày mò sáng tạo và thi cử thành công. Chúng tôi rất tự hào về em.”

Tất cả các môn học đều quan trọng

Lâm Trúc bày tỏ cảm xúc khi biết mình là thủ khoa trường ĐH Bách khoa TPHCM: “Khi thi xong thì thấy vui vì mình làm được bài chứ không nghĩ sẽ đạt tới 30 điểm. Khi tra cứu đáp án của Bộ thì em đoán hai môn thi trắc nghiệm là môn lý và môn hóa có khả năng được 10 điểm. Riêng môn toán thì hồi hộp hơn do sợ sai sót. Nhưng em thật bất ngờ là kết quả công bố lại đạt cao như vậy.”

Lâm Trúc tâm niệm một điều, học là để lấy kiến thức nên học đều các môn chứ không giành sự ưu ái cho bất kỳ môn nào. Bằng chứng là sổ học bạ của Trúc ghi nhận điểm học tập của các môn đa số đều đạt điểm trung bình trên 9.

Thành tích học tập của Trúc thật đáng nể, 12 năm học phổ thông em đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Năm lớp 5 đạt giải học sinh giỏi của tỉnh Bình Định. Lên lớp 9 đoạt giải khuyến khích kì thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh. Năm lớp 10 đoạt giải 3 kì thi tin học trẻ không chuyên của Tỉnh Đoàn. Khi đang học lớp 10, Trúc còn đạt giải khuyến khích môn toán cấp tỉnh.

Ngoài ra, bảng thành tích của cậu học sinh này còn có giải Lý Tự Trọng do Trung ương Đoàn cấp. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, Túc cũng giành ngôi vị thủ khoa của trường với số điểm 56,5 điểm.

Ước mơ của Trúc là được trở thành một kỹ sư phần mềm để có những đóng thiết thực cho xã hội. Nguyện vọng thứ hai của em là trở thành một bác sĩ để có thể tự chữa khỏi căn bệnh viêm xoang từng hành hạ em mấy năm nay. Trường thi thứ hai của em là trường Đại học Y Dược TPHCM dự kiến cũng sẽ đạt số điểm trên 28 điểm.

Bám theo sách giáo khoa

Lâm Trúc chia sẻ bí quyết đạt điểm cao trong kỳ thi này là, làm thật kỹ các bài tập trong sách giáo khoa và giải thêm những đề thi trong sách tham khảo. Trúc nói: “Khi nghe thông tin Bộ Giáo dục sẽ ra đề thi bám sát theo chương trình sách giáo khoa, em xác định tư tưởng là bám sát theo sách mà học.”

Ngoài giờ học trên trường, Trúc đầu tư thêm 6 - 7 giờ đồng hồ để học bài. Em còn cho biết, các kiến thức trong chương trình phần lớn là tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên chứ không phải mất thời gian đi học thêm ngoài giờ.

Thầy Trần Thúc Kháng, giáo viên chủ nhiệm dạy môn toán của Thái tỏ ra tự hào về người học trò của mình: “Em Thái là một học sinh học giỏi mà cần cù hiếm thấy. Dù bài có dễ đến mấy em cũng làm đầy đủ các thao tác, không bỏ qua khâu nào, không chê” bài nào. Thái thực hiện nguyên tắc này một cách liên tục chứ không dễ dãi, chủ quan.”

Đã giỏi thì học trường nào cũng giỏi

Theo lời tâm sự của Trúc, gia đình và sự động viên giúp đỡ của thầy cô là nguồn động viên lớn nhất giúp cho em có được thành tích tốt trong học tập. Ưu thế của em là con trong gia đình nghề giáo: Cha là thầy Nguyễn Thanh Túc, dạy sử. Mẹ là cô Lâm Thị Xuân Thái, dạy toán.

Theo lời kể của cô Xuân Thái, hồi nhỏ, gia đình đặt tên con là Chút vì Trúc sinh ra ốm yếu, hay bệnh tật và rất khó nuôi. Lương tháng của hai thầy cô không bao nhiêu mà có tháng phải đi bác sĩ mấy lần nên phải chạy vạy vay nợ khắp nơi. Thế nhưng, suốt thời gian học phổ thông, thầy cô nào cũng ca tụng Lâm Trúc học hành sáng dạ.

Cô Thái kể lại: “Từ hồi 3 - 4 tuổi, Trúc đã bộc lộ khả năng tính nhẩm rất nhanh khi các cô chú trong khu tập thể đố toán. Hồi Trúc lớp 10, nhà không có vi tính. Nhưng cô giáo dạy tin phát hiện và đưa lên phòng vi tính chỉ dẫn và cho mượn tài liệu nghiên cứu. Chỉ sau 2 tuần rèn luyện, Trúc đã mang về giải tin học trẻ không chuyên của Tỉnh Đoàn”.

Thời gian Trúc chuyển lên học cấp 3, nhiều thầy cô từng khuyên gia đình nên đưa cháu vào học ở trường chuyên Lê Quý Đôn của tỉnh Bình Định trong thành phố Quy Nhơn để cháu phát huy tài năng. Nhưng cô Thái động viên con: “Mình có giỏi thì học ở đâu cũng giỏi”. Cô Thái còn nêu ra một lý do nữa là Trúc phải ở nhà để có điều kiện chăm sóc em trai đang còn nhỏ vì gia đình neo người.

Thành quả "gặt hái" từ tinh thần hiếu học! - 1

Lâm Trúc cùng cha mẹ và em trai.

 

Con học thì cha lui vào trong

24 năm nay, gia đình cô Thái và thầy Túc sống trong căn nhà tập thể ọp ẹp khoảng 25 m2 do nhà trường cấp. Theo quan sát của chúng tôi, mọi thứ vật dụng rất đơn giản không có thứ gì đáng giá.

Thầy Túc kể: “Cả nhà chỉ có một chiếc bàn gỗ trên phòng khách nên khi nào con ngồi học thì cha phải rút xuống dưới. Khi nào con học xong tôi mới lên phòng trên pha trà. Ngày cháu sắp thi, gia đình phải mượn căn phòng đang còn trống bên cạnh để Trúc có không gian tĩnh lặng đèn sách”.

Theo thầy Túc, Từ nhỏ em đã bộc lộ tinh thần ham học và tự học. Làm thầy giáo mà có đứa con học tốt như thế, gia đình tôi rất phấn khởi. Có lần nghe con tâm sự mà thấy ấm lòng: “Ba mẹ dạy học trong trường mà con không giỏi thì mang tiếng nhà mình quá nên con phải cố gắng”.

Đánh giá về thành tích của Lâm Trúc, thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thâm: Từ ngày thành lập trường năm 1979 đến nay, đây là trường  hợp đầu tiên có một thí sinh đậu thủ khoa đại học với số điểm tuyệt đối. Trường sẽ tổ chức lễ tuyên dương để làm gương cho các thế hệ sau.

Bài và ảnh: Nguyên Tuấn