“Thành quả học tập rất đáng khích lệ, nhưng con đường và đích đến mới là quan trọng nhất”

(Dân trí) - “Khi nói đến kết quả học tập một năm học, thường ta chỉ nhìn vào những điểm số, những giải thưởng, những danh hiệu. Đó là những bước đi ban đầu rất đáng khích lệ; nhưng con đường và đích đến mới là điều quan trọng nhất”.

Đó là lời nhắn nhủ của thầy Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng đến các em học sinh trong buổi lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi toàn thành phố năm học 2016 - 2017 diễn ra ngày 25/5. Tham dự buổi lễ, có ông Đặng Việt Dũng - Phó Chủ thịch Thường trực UBND TP., Trưởng Ban Tuyên giáo TP. Đà Nẵng.


Các học sinh Đà Nẵng có thành tích xuất sắc trong năm học 2016 - 2017 vừa được tuyên dương, khen thưởng

Các học sinh Đà Nẵng có thành tích xuất sắc trong năm học 2016 - 2017 vừa được tuyên dương, khen thưởng

Năm học 2016 - 2017 vừa qua, học sinh Đà Nẵng đạt được nhiều thành tích đáng kể. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12, đoàn học sinh Đà nẵng đã mang về 1 giải Nhất, 7 giải Nhì, 14 giải Ba và 14 giải Khuyến khích. Tại Cuộc thi Olympic truyền thống 30-4, các em đã đem về 28 huy chương Vàng, 25 HC Bạc, 19 HC Đồng. Trong cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới 2017, có 2 học sinh Đà Nẵng đoạt giải Nhất. Tại cuộc thi Học sinh giỏi các trường THPT chuyên khu vực duyên hải và Đồng bằng bắc Bộ lần X, các em đã đạt 3 giải Nhất, 13 giải Nhì, 8 giải Ba... Đặc biệt, tại Cuộc thi viết thư UPU quốc tế lần thứ 46, học sinh Nguyễn Đỗ Huyền Vi (THCS Tây Sơn, Đà Nẵng) đã đoạt giải Nhất cấp quốc gia duy nhất với cách thể hiện sáng tạo và ấn tượng để đưa ra ý tưởng giải quyết vấn đề người tị nạn.

Sau khi điểm lại những thành tích của học sinh và toàn ngành GD thành phố, thầy Nguyễn Minh Hùng nhấn mạnh lời nhắn nhủ đến các em học sinh đã đạt những thành tích cao trong học tập và rèn luyện suốt năm học vừa qua: “Khi nói đến kết quả học tập một năm học, thường ta chỉ nhìn vào những điểm số, những giải thưởng, những danh hiệu. Đó là những bước đi ban đầu rất đáng khích lệ; nhưng con đường và đích đến mới là điều quan trọng nhất”.

Với các học trò sinh ra ở vùng đất học, nơi mà cụ Phan Châu Trinh đã khởi xướng tư tưởng “khai dân trí” và là những chủ nhân tương lai của thời đại mới, trước mắt là “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đại diện ngành GD Đà Nẵng gửi gắm kỳ vọng: “Thầy mong rằng các em hãy cũng suy nghĩ, cùng tìm hiểu, cùng ý thức, trách nhiệm để thay đổi mục tiêu học tập đã cũ, thay đổi cách học không còn phù hợp, vận dụng lí thuyết vào cuộc sống, vào việc lập thân lập nghiệp, để cống hiến cho quê hương đất nước trên từng vị trí của mỗi người”.

Khánh Hiền