Thanh tra Chính phủ kiến nghị chấn chỉnh sai phạm 5 đại học lớn

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm trong việc thực hiện Nghị định 43/2006 Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM.

Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM trong việc tổ chức, thực hiện Nghị định 43/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Thu tiền vượt quy định, tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao

Tại Bộ GD-ĐT, Thanh tra Chính phủ phát hiện việc ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc rất chậm, năm cuối giai đoạn thực hiện 2012-2013 mới ban hành quyết định. Từ năm 2012 trở lại đây (sau khi Luật Viên chức có hiệu lự thi hành), Bộ GD-ĐT không giao chỉ tiêu biên chế mà triển khai theo Luật Viên chức là phê duyệt vị trí việc làm. Đến nay, Bộ GD-ĐT chưa phê duyệt được vị trí việc làm.

Tr
Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo kết luận thanh tra, tháng 10/2013 Bộ GD-ĐT có văn bản thông báo việc ủy quyền cho các đơn vị sự nghiệp về dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh lý tài sản hết hiệu lực. Do đó, các đơn vị không còn được tự chủ trong một số lĩnh vực đã được phân cấp, ủy quyền. “Việc này không phù hợp với xu hướng phân cấp, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị và chưa phù hợp với quy định tại Nghị định 43”- kết luận chỉ rõ.

Việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 43 tại Bộ GD-ĐT còn chậm, nhất là việc ban hành hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, tại 5 đơn vị (ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM), cơ quan thanh tra đã phát hiện việc ban hành một số văn bản không phù hợp với quy định của Nhà nước hoặc căn cứ vào các quy định đã hết hiệu lực; quy chế chi tiêu nội bộ quy định một số khoản thu, chi không đúng quy định của Nhà nước; ban hành văn bản quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí vượt mức quy định; quy định một số khoản thu có tính chất phí, lệ phí ngoài danh mục quy định tại Nghị định 57/2002 của Chính phủ.

Trong việc tuyển sinh, đào tạo sau ĐH, một số học viên trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định (ĐH Huế, Trường ĐH Luật TPHCM). Trường ĐH Kinh tế TPHCM đào tạo thạc sĩ kinh tế khóa K20 thời gian vượt quá quy định 1 năm theo Thông tư số 10/2011 của Bộ GD-ĐT.

Một số đơn vị tuyển sinh, đào tạo ĐH chính quy, liên thông từ CĐ lên ĐH vượt chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao. Trường ĐH Nông lâm thuộc ĐH Huế không được giao chỉ tiêu vẫn tuyển sinh hệ liên thông CĐ lên ĐH chính quy năm 2011 (110 chỉ tiêu); Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Huế mở ngành đào tạo hệ ĐH văn bằng 2 chính quy nhưng chưa được sự đồng ý của giám đốc ĐH Huế.

Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Huế tuyển sinh đào tạo ĐH liên thông hệ chính quy năm 2011 nhưng tổ chức giảng dạy vào thứ 7, chủ nhật và các buổi tối các ngày trong tuần không đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

Trong việc tuyển sinh, đào tạo từ xa, Thanh tra Chính phủ phát hiện Trung tâm Đào tạo từ xa thuộc ĐH Huế tuyển sinh vượt chỉ tiêu được phê duyệt: năm 2011 vượt 53,7%, năm 2012 vượt 11,48%.

Liên kết đào tạo với nước ngoài nhưng 100% không ngoại ngữ

Việc liên kết đào tạo với nước ngoài hệ ĐH và trên ĐH tại các cơ sở giáo dục trên cũng có nhiều vấn đề. Cụ thể, tại chương trình liên kết đào tạo giữa Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội với Hội đồng Liên ĐH Cộng đồng pháp ngữ (CIUF) Bỉ, có 7 học viên chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ.

Trường ĐH Luật TPHCM có một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ; học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm luận văn tốt nghiệp theo Quy chế đạo tạo thạc sĩ ban hành kèm Quyết định số 45/2008 của Bộ GD-ĐT.

Tr
Trường ĐH Kinh tế TPHCM có chương trình đào tạo cao học đã được phê duyệt 20 năm nhưng chưa làm thủ tục gia hạn. 

Tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Thanh tra Chính phủ phát hiện có chương trình đào tạo cao học được Bộ GD-ĐT phê duyệt đến nay là 20 năm nhưng chưa làm thủ tục gia hạn chương trình đào tạo, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển cho phù hợp với chương trình đào tạo quốc tế bậc sau ĐH. Khóa 18 năm 2012 có 100% học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM liên kết với ĐH Victoria của Australia đào tạo cấp bằng cử nhân kinh doanh (khóa đào tạo IBBus 3.1 năm 2012) có 34/52 học viên không có chứng chỉ ngoại ngữ, vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT.

Bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định của Chính phủ

Trong việc tự chủ về tổ chức, bộ máy, kết luận thanh tra cho rằng hầu hết các đơn vị quyết định thành lập mới các đơn vị chuyên môn trực thuộc không căn cứ vào quy hoạch, chiến lược phát triển đơn vị; một số đơn vị không xây dựng đề án thành lập đơn vị mới, không ban hành quy định về quy trình thành lập, đổi tên, chia tách, sáp nhập; mô hình tổ chức chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lẫn lộn giữa quản lý hành chính và sự nghiệp, quản lý sự nghiệp và sản xuất kinh doanh dịch vụ.

Đơn cử, ĐH Huế là đơn vị sự nghiệp nhưng thực hiện một số chức năng nhiệm vụ như một đơn vị hành chính, mô hình tổ chức nhiều cấp, hình thành nhiều khâu trung gian. Điều này dẫn tới việc chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, có việc bỏ sót, việc quản lý tài chính khó khăn, có lĩnh vực hoạt động chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu không được bộ chuyên ngành quan tâm chỉ đạo và đầu tư.

Thanh tra Ch
Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều "vấn đề" ở ĐH Huế.

Trường ĐH Y Dược - ĐH Huế, trong đó có Bệnh viện Y dược Huế là bệnh viện thực hành, trong một thời gian dài duy trì hoạt động theo mô hình bán công nhưng cơ chế quản lý tài chính theo cơ chế sự nghiệp tự đảm bảo chi phí chi thường xuyên. Trường ĐH Y Dược là đơn vị đào tạo chuyên sâu về ngành y dược, trong nhiều năm qua trong bối cảnh vừa thiếu sự quan tâm quản lý của Bộ GD-ĐT và thiếu sự quan tâm chỉ đạo về chuyên môn, đầu tư của Bộ Y tế đã gây khó khăn cho hoạt động của trường và Bệnh viện thuộc trường.

Ngoài ra, việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tại các đơn vị sự nghiệp đều chưa thực hiện đúng Điều lệ Trường đại học ban hành kèm theo Quyết định 58/2010 của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT. Nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chính trị, một số ít thiếu điều kiện về trình độ chuyên môn. ĐH Huế quy định nhiệm kỳ bổ nhiệm cán bộ, viên chức theo nhiệm kỳ người đứng đầu đơn vị không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Thậm chí cá biệt ở một số đơn vị sự nghiệp có viên chức giảng viên vi phạm về phẩm chất đạo đức, vi phạm nghiêm trọng về quy chế đào tạo phải xử lý kỷ luật. Việc kiểm điểm nhận xét, đánh giá phân loại viên chức hàng năm của một số đơn vị thuộc Trường ĐH Vinh chưa nghiêm túc, có đơn vị thuộc Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội chưa thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Thế Kha - Lê Phương