Thanh tra thi “bí mật”, tăng cường cắm chốt

(Dân trí- Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các đoàn thanh tra lưu động không báo trước và thanh tra coi thi cắm chốt tại một số tỉnh, thành phố. Sở GD-ĐT cũng thành lập các đoàn thanh tra coi thi lưu động, tiến hành thanh tra không báo trước đối với các Hội đồng coi thi.

Đây là một trong những nội dung của hướng dẫn thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2014 mà Bộ GD-ĐT vừa gửi các Sở GD-ĐT, Cục Nhà trường -Bộ Quốc phòng. Nội dung công tác thanh tra thi năm nay tập trung vào 3 khâu chính: Công tác chuẩn bị thi; coi thi; chấm thi.

Cụ thể, đối với thanh tra công tác chuẩn bị thi thì kiểm tra việc thực hiện chương trình; kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh; tổ chức ôn tập; lập hồ sơ thi, xét và thông báo thí sinh được thi, không được thi, miễn thi; lập danh sách thí sinh theo đơn vị, hội đồng coi thi (HĐCT), phòng thi; việc niêm yết danh sách thí sinh dự thi và nội quy thi tại các phòng thi; kiến nghị bổ sung đầy đủ, kịp thời hồ sơ dự thi của thí sinh (nếu còn thiếu); Việc điều động lực lượng, tiêu chuẩn, điều kiện của người tham gia HĐCT, việc bố trí giám thị dự phòng; việc tổ chức cho thành viên của HĐCT, giám thị dự phòng và thí sinh học tập quy chế kỳ thi.

Các điều kiện vật chất để tổ chức kỳ thi: khu vực thi, phòng thi, phòng làm việc, điều kiện vật chất khác theo quy định đảm bảo an toàn, bí mật của cơ sở in sao đề thi; Các phương án đảm bảo an toàn kỳ thi: an ninh - trật tự, giao thông, điện, y tế, phòng cháy chữa cháy và các nội dung liên quan khác.

Về thanh tra công tác coi thi tập trung kiểm tra việc điều hành của chủ tịch HĐCT; việc bố trí giám thị và các thành viên HĐCT; việc đánh số báo danh, mở niêm phong, giao đề thi, giao nhận đề thi thừa; thu bài, niêm phong bài thi theo từng môn thi; tổ chức rút kinh nghiệm sau môn thi thứ nhất và triển khai thi môn thứ hai của các buổi thi; Việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các thành viên HĐCT trong đó lưu ý kiểm soát các thiết bị, vật dụng thí sinh được phép sử dụng;

Việc duy trì trật tự, kỷ luật phòng thi và ngăn ngừa các hiện tượng: sử dụng tài liệu, nhìn bài của bạn, làm bài tập thể, thi hộ, sử dụng thiết bị không được phép và các hành vi tiêu cực khác; Việc xử lý vi phạm quy chế thi, việc thực hiện kiến nghị của thanh tra thi.

Thanh tra công tác chấm thi tập trung việc kiểm tra cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, văn phòng phẩm, phương tiện bảo quản, bảo mật bài thi, hồ sơ chấm thi; phòng làm việc của lãnh đạo Hội đồng chấm thi (HĐChT), phòng làm phách, phòng giao, nhận bài thi, phòng chấm lần 1, lần 2 đối với các môn thi tự luận, phòng chấm kiểm tra các môn thi tự luận, phòng chấm thi trắc nghiệm;

Việc tổ chức nghiên cứu quy chế thi và các văn bản khác liên quan đến chấm thi cho các thành viên HĐChT; Việc thực hiện các quy định chấm thi (Việc làm phách, quét phiếu trả lời trắc nghiệm, xử lý bài thi và chấm thi bài thi trắc nghiệm; việc thống nhất biểu điểm, hướng dẫn chấm của các tổ chấm; Việc giao, nhận bài thi giữa bộ phận làm phách, phát bài, tổ chấm, tổ chấm kiểm tra, tổ lên điểm; Việc thực hiện quy định về chấm thi hai vòng độc lập: ghi điểm vào phiếu chấm, bài thi, xử lý kết quả chấm lệch điểm và xử lý bài thi có dấu hiệu bất thường;Việc chấm kiểm tra; Việc vào điểm, quản lý bài thi)

Bộ GD-ĐT cũng cho hay, các Sở GD-ĐT thành lập đoàn thanh tra coi thi, cử thành viên cắm chốt tại tất cả các HĐCT. Tùy theo tình hình thực tế của mỗi HĐCT để bố trí số lượng phù hợp (khoảng 7 phòng thi bố trí 1 cán bộ thanh tra).

Thanh tra giáo dục các cấp tổ chức tiếp nhận thông tin, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các vi phạm. Cụ thể, thành lập đường dây nóng trong suốt quá trình coi thi, chấm thi; Tiếp nhận thông tin và giải quyết theo thẩm quyền (Trường hợp khiếu nại về hồ sơ và điểm bài thi: giải quyết theo quy chế; Trường hợp tố cáo vi phạm quy chế thi: tổ chức xác minh hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý theo quy định của quy chế thi, pháp luật về tố cáo).

Xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT năm 2014 phải chính xác, kịp thời, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ; đúng nội dung, đối tượng theo quyết định thanh tra; không làm thay nhiệm vụ của ban chỉ đạo thi, hội đồng thi, không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia kỳ thi.

Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra độc lập thực hiện quyền thanh tra theo quy định của pháp luật. Đoàn, cán bộ thanh tra hoạt động độc lập với Ban chỉ đạo, HĐCT, chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Khi phát hiện thí sinh vi phạm quy chế, cán bộ thanh tra kiên quyết yêu cầu giám thị xử lý theo quy định, lập biên bản ghi nhớ, theo dõi việc xử lý. Khi phát hiện lãnh đạo, giám thị, giám khảo, nhân viên của HĐCT, HĐChT vi phạm quy chế thi hoặc có hành vi thiếu trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ thì lập biên bản kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

Đoàn, cán bộ thanh tra của Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo của BCĐ thi cấp tỉnh, việc triển khai, tổ chức thi của Sở GD-ĐT, Cục Nhà trường; việc thực hiện quy chế thi của HĐCT, HĐChT. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đoàn, cán bộ thanh tra của Bộ không làm thay công việc của BCĐ thi, các hội đồng coi thi, chấm thi và thanh tra thi của sở GD-ĐT, Cục Nhà trường.

Khi thấy cần thiết, đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra có quyền kiến nghị với cấp có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề cần khắc phục, đảm bảo cho kỳ thi tiến hành an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, xử lý vi phạm và thông báo kịp thời với BCĐ thi cấp tỉnh. Trường hợp ý kiến của đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra không thống nhất với ý kiến của BCĐ thi, đoàn thanh tra, cán bộ thanh tra lập biên bản, ghi rõ kiến nghị, báo cáo về Thanh tra Bộ. Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Bộ, mọi công việc được tiến hành theo sự điều hành của BCĐ thi cấp tỉnh.

Nguyễn Hùng