Thành tựu của đổi mới giáo dục đang dần thành hình

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại buổi quán triệt Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT với lớp cán bộ nguồn của Thành ủy TPHCM.

Minh chứng rõ nét cho quyết tâm đổi mới giáo dục

Trong nội dung quán triệt Nghị quyết 29, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích: Nhận thức của các cán bộ quản lý, giáo viên về công cuộc đổi mới, gắn chặt trách nhiệm của mình với “cuộc cách mạng” đổi mới giáo dục có vai trò rất quan trọng trong thành công của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện. 

Chính vì thế, công cuộc đổi mới lần này cần phải nhận được sự tin tưởng, niềm tin từ mọi phía, sự kiên định từ những cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên. 

Bộ trưởng lấy ví dụ sinh động: Hình dung công cuộc đổi mới lần này như một đoàn tàu khổng lồ đang chạy với hành khách là hơn 22 triệu thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên. 

Không thể dừng lại để triển khai việc thay đổi, mà phải vừa chạy vừa điều chỉnh, tự đổi mới. Nếu tăng tốc đột ngột hay cua gấp thì dễ bị tai nạn. Những sự thay đổi phải được thực hiện theo một qui trình hợp lý để không gây sốc. Đó là cả một thách thức lớn.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích những nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 29 của ngành Giáo dục
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích những nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 29 của ngành Giáo dục.

Bộ trưởng chỉ rõ: Mục tiêu của đổi mới căn bản hướng đến một sự thay đổi triệt để và toàn diện. 

Thực tế nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã 3 lần đổi mới căn bản và một lần đổi mới SGK. Mỗi lần cải cách đã triển khai đều có một mục tiêu cụ thể, giải pháp cụ thể và ít nhiều chúng ta đã có những thắng lợi. 

Nếu không có thành công từ những lần đổi mới ấy, chúng ta không thể có 6 thành tựu vĩ đại của nền giáo dục cách mạng, góp phần đưa đất nước Việt Nam thoát nghèo, vươn lên.

“Tuy nhiên, cả 3 lần cải cách và đổi mới mới chỉ đụng chạm đến chương trính, kiến thức SGK… mà chưa giải quyết được vấn đề phương pháp giảng dạy. Lần này chúng ta làm mạnh mẽ vấn đề này. 

Toàn Ngành đã quyết liệt làm và đã bước đầu có những thành tựu đổi mới được xã hội, thầy cô giáo ghi nhận ở các bậc TH, THCS và THPT. Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng tích hợp, mở rộng kiến thức, tránh lối học và dạy theo lối mòn vừa qua chính là minh chứng rõ nét cho quyết tâm đổi mới lần này” - Vị tư lệnh ngành Giáo dục nhận định.

Cán bộ quản lý, giáo viên cần ý thức đổi mới chính mình

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý: Các cán bộ quản lý, giáo viên cần phải tự thân ý thức và thay đổi chính mình. Sự thay đổi ấy chính là cơ sở và nền tảng để hướng đến sự đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nền này. 

Vị lãnh đạo ngành Giáo dục chân tình chia sẻ : “Lâu nay giáo viên của chúng ta vẫn giữ cách dạy và học thụ động, cá nhân. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến việc “giậm chân tại chỗ” của nền giáo dục. Học sinh cứ răm rắp nghe và học theo thầy cô, thi cử cũng răm rắp làm theo kiến thức mà thầy cô đã truyền dạy một cách máy móc, thiếu sáng tạo. 

Bất cập chính ở đây. Chúng ta đã và đang dạy các cháu cách làm việc cá nhân, riêng lẻ…Điều đó có thể cho chúng ta những cá nhân xuất sắc, nhưng không thể cho chúng ta một tập thể làm việc hiệu quả, năng động” - Bộ trưởng chia sẻ.

Thành tựu của đổi mới giáo dục đang dần thành hình

Nhìn thẳng vào thực tế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thẳng thắn nhìn nhận: Chúng ta cũng quá lạm dụng nguyên tắc học gì thi nấy, lỗi này thuộc về ngành Giáo dục khi đã hiểu không đúng, quá coi trọng và nhấn nhá việc học gì thi nấy khiến sự phát triển của học sinh chưa toàn diện. Đó là một sai lầm và cần phải được thay đổi, thay đổi một cách triệt để. 

Các chính sách đổi mới triệt để về thi cử, phương pháp học thời gian qua hướng đến việc khai phá tư duy học sinh, hướng học sinh trở thành trung tâm của hoạt động giáo dục…đã và đang cho thấy những mặt rất tích cực. 

Từ việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học, đến việc đổi mới cách ra đề kỳ thi tốt nghiệp THPT, hợp nhất một kỳ thi Quốc gia cho chúng ta thấy thành tựu của sự đổi mới đang dần thành hình. 

"Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức trước mắt, nhưng nếu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức được đúng và đầy đủ tinh thần của công cuộc đổi mới, chúng ta sẽ thành công!'' - Bộ trưởng  Phạm Vũ Luận khẳng định.

Có quyết tâm và niềm tin sẽ đưa "đoàn tàu giáo dục" về ga cuối

“Khó khăn rất nhiều, thách thức cũng không nhỏ nhưng mọi việc vẫn có thể làm được. Bộ GD-ĐT đã thực hiện thử việc đổi mới căn bản, toàn diện ở nhiều vùng miền của đất nước, vùng đặc biệt khó khăn và kết quả cho thấy rất khả quan, thậm chí nhiều nơi làm rất tốt, tốt hơn cả thành thị.

Vì vậy, chúng ta không nên quan ngại hay quá lo lắng. Chỉ cần có quyết tâm, niềm tin chúng ta sẽ đưa được “đoàn tàu giáo dục” về đến ga cuối.” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

 

Theo Anh Tú

Giáo dục & Thời đại