Giáo viên nhận lương mới:

Thất vọng vì được… tăng lương!

Hàng ngàn cán bộ, giáo viên ngành giáo dục đang vô cùng thất vọng và hoang mang bởi từ tháng 7/2005, họ sẽ được... tăng lương, nhưng lương mới lại... thấp hơn lương cũ.

Nếu trước thời điểm 1/10/2004, đa số cán bộ công chức hồ hởi đón nhận quyết định thực hiện cải cách tiền lương của Chính phủ bao nhiêu thì qua 9 tháng, sự phấn khởi đã biến thành nỗi thất vọng.  

 

Cho 1 đồng lấy lại 5 đồng?

 

Lâu nay, đời sống của cán bộ công chức (CBCC) ngành giáo dục rất chật vật do đồng lương quá thấp. Từ hai năm nay, với giá cả sinh hoạt các mặt hàng thiết yếu tăng, họ lại càng gặp khó khăn hơn do lương thực tế bị giảm.

 

Theo thống kê, trong năm 2004, giá cả các mặt hàng sinh hoạt đã tăng đến gần 10% và trong 6 tháng đầu năm 2005, giá vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, 9 tháng đã trôi qua, nhưng CBCC ngành giáo dục chỉ mới được nhận 1 triệu đồng tạm ứng vào dịp Tết Âm lịch như là cách để xoa dịu nỗi bức xúc.

 

Vậy mà, trong tháng 4/2005 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 3098 có nội dung: Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính chỉ đồng ý để giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập tạm thời lĩnh phụ cấp ưu đãi theo Quyết định số 973 của Thủ tướng Chính phủ đến hết quý 2-2005.

 

Theo đó, giáo viên mầm non, tiểu học không còn được hưởng 40% phụ cấp ưu đãi; giáo viên THCS, THPT mất 35% phụ cấp ưu đãi; giáo viên trường chuyên và giáo viên chuyên biệt mất 70% phụ cấp đứng lớp. Với văn bản này, không ít giáo viên đã thật sự bức xúc bởi bước “cải lùi” của chế độ lương mới.

 

Tham gia diễn đàn trên mạng của Bộ GD-ĐT, một giáo viên đã phân tích: “…với mức lương mới, chúng ta mới tạm ổn chứ chưa thể sống đầy đủ nếu không có nghề tay trái hoặc dạy thêm. Nhà nước vừa mới tăng lương, nay lại cắt phụ cấp ưu đãi, hóa ra là giảm lương chứ không tăng. Tôi xin đưa ra một ví dụ: một người có lương bậc 1 (hệ số 1,78) được lãnh theo lương cũ bao gồm cả phụ cấp 35% sẽ được 678.000 đồng/tháng. Nếu lãnh theo lương mới có hệ số được nâng lên là 2,1 và không có phụ cấp thì thực lãnh chỉ còn 580.000 đồng/tháng. Điều này cho thấy lương mới quá vô lý!”.

 

Theo Cục Thống kê TPHCM, năm 2004, tính chung giá cả tiêu dùng của các mặt hàng tăng 9,28% so với năm 2003.

 

Tính chung từ năm 2000 đến 2004, giá các mặt hàng tiêu dùng tăng 20,16%.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2005, giá cả tiếp tục tăng 5,77%, trong đó lĩnh vực ăn uống tăng 10,37%, dịch vụ tăng 6,32%.  

Theo phân tích, cắt phụ cấp ưu đãi khiến những người có thâm niên công tác lâu năm chịu mức chênh lệch giữa lương cũ và lương mới càng lớn. Chẳng hạn, một giáo viên tiểu học có lương bậc 8 sẽ chỉ còn lãnh 945.400 đồng/tháng so với 1.120.546 đồng/tháng theo lương cũ. Một giáo viên bức xúc nói: “Với chế độ lương mới như vậy, liệu tăng lương có cải thiện đời sống, xóa bỏ dạy thêm? Đúng là cho 1 đồng nhưng lấy lại 5 đồng!”.

 

Lương thấp, chất lượng giáo dục có cao?

 

Trong các hội thảo về chất lượng giáo dục, các nhà giáo dục đã nhiều lần lên tiếng về đời sống giáo viên bởi thu nhập nhà giáo không đủ sống thì không thể đòi hỏi giáo viên toàn tâm toàn ý cho giảng dạy.

 

Một cuộc điều tra 53 giáo viên giảng dạy bộ môn Anh văn ở quận Bình Thạnh về những nguyên nhân gây ra sự không hài lòng trong công việc của giáo viên cho thấy, có đến 79,2% giáo viên cho rằng thu nhập không đủ sống, xếp thứ nhì trong số 10 yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

 

Một giáo viên trẻ được lãnh lương ở mức 780.000 đồng/tháng tâm sự: “Với thu nhập như vậy, một khi giáo viên phải tự lo miếng cơm manh áo cho gia đình thì liệu chất lượng giáo dục có thể tăng được không?”.

 

Theo ông Đỗ Tiến Đạt, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TPHCM, Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ phương án trợ cấp ưu đãi mới nhưng phương án mới sẽ như thế nào, cao hơn hay thấp hơn mức cũ.

 

Ông Đạt cũng cho rằng, nếu không còn trợ cấp ưu đãi thì điều mà Nghị quyết TW 6 đã đề cập là lương của giáo viên phải là khung bậc lương cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp sẽ không còn ý nghĩa. Điều cần thiết hiện nay là Chính phủ cần sớm ban hành mức phụ cấp mới để không làm ảnh hưởng đến đời sống giáo viên vốn đã quá thấp từ trước đến nay.

 

Theo Lâm Vy - SGGP