Thầy cô giáo là những người hùng đối với trẻ em

(Dân trí) - Trẻ em ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới đều coi thầy cô giáo và người thân trong gia đình là những người hùng của các em. Gia đình cũng là nơi mang lại cho các em cảm giác an toàn, hạnh phúc nhất.

Đây là kết quả vừa được công bố ngày 20/11/2013 từ cuộc khảo sát thường niên “Tiếng nói nhỏ, Ước mơ lớn” do mạng lưới Liên minh ChildFund trên toàn cầu được thực hiện.

Cuộc khảo sát thường niên lần thứ tư “Tiếng Nói Nhỏ, Ước Mơ Lớn” do Liên Minh ChildFund thực hiện là một trong những cuộc trưng cầu ý kiến toàn diện nhất đối với trẻ em trên khắp thế giới. Năm 2013, có 6.499 trẻ em từ 10 đến 12 tuổi ở 47 quốc gia tại khắp các châu lục như châu Á, châu Phi, châu Mỹ và châu Âu đã tham gia vào cuộc khảo sát nhằm chia sẻ nhữngsuy nghĩ của các em về các vấn đề chính trị, xã hội ở đất nước các em, qua đó cho thấy những góc nhìn sâu sắc của trẻ em, trong đó có trẻ em Việt Nam.

Chủ đề của cuộc khảo sát năm 2013 là bảo vệ trẻ em. Tham gia cuộc khảo sát, trẻ em trên toàn cầu đã có cơ hội để nói lên tiếng nói, chia sẻ quan điểm của các em về các vấn đề như điều gì làm các em cảm thấy an toàn và hạnh phúc, các em sẽ làm gì để giúp trẻ em thoát khỏi bạo lực hay nguyên nhân của bạo lực là gì, người hùng của em là ai, hòa bình có ý nghĩa gì đối với em... Ngoài ra, ChildFund cũng bổ sung thêm một câu hỏi của Liên Hợp Quốc về những điều mà các em cho là quan trọng nhất đối với bản thân và cộng đồng. Các câu trả lời của trẻ em sẽ được sử dụng để làm nguồn tư liệu chuẩn bị cho tiến trình xây dựng Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc sau năm 2015.

Người lớn hãy lắng nghe những điều trẻ em nói

Người lớn hãy lắng nghe những điều trẻ em nói.

45% trẻ em hạnh phúc khi được ở bên ông bà, bố mẹ

45% trẻ em Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng được ở bên gia đình cùng ông bà, bố mẹ, anh chị em sẽ giúp các em cảm thấy an toàn và hạnh phúc. “Em cảm thấy hạnh phúc nhất là được ăn cơm với bố mẹ hàng ngày”, em Diệp, 10 tuổi ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng chia sẻ. Lựa chọn về gia đình cũng nhận được sự chia sẻ của 45% trẻ em ở các nước châu Á, và 50% ở các nước đang phát triển.

Với câu hỏi, nếu được làm Chủ tịch nước, 25% trẻ em Việt Nam được hỏi sẽ ngăn chặn bạo lực, 28% ngăn chặn bạo hành và xâm hại trong gia đình và 19% sẽ bảo đảm cho sự an toàn cá nhân của trẻ em. Em sẽ tổ chức thật nhiều buổi sinh hoạt truyền thông để giúp người dân hiểu biết hơn về bạo lực đối với trẻ em và làm thế nào để ngăn chặn lại, em Huệ, 11 tuổi ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bìnhcho biết.

Ngăn chặn bạo lực cũng là một trong những việc làm ưu tiên của trẻ em ở châu Á (11%), bên cạnh các biện pháp khác như tăng cường hệ thống pháp luật và trật tự an ninh (22%), và cải thiện giáo dục (18%).

Các em sợ.... rượu

Theo trẻ em Việt Nam tham gia khảo sát, nguyên nhân chính dẫn đến bạo lực là từ rượu (41%).

Về các hành vi xấu bao gồm không vâng lời, lười biếng, tham tham và nói dối (23%), do gây lộn hoặc do các cuộc chiến tranh (17%). Điều này nhận được ý kiến chia sẻ của nhiều trẻ em ở châu Á (lần lượt là 25%, 15% và 20%). Trong đó, 90% trẻ em ở Campuchia đồng tình với quan điểm cho rằng rượu là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bạo lực, và 33% trẻ em ở các nước phát triển cho rằng các hành vi xấu mới là nguyên nhân chính.

Em nghĩ rằng nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực là do rượu, bởi vì những người bố thường hay say xỉn, rồi nổi giận, cáu gắt vì những lý do nào đó, sau đó về nhà trút xuống đầu con cái, em Long, 11 tuổi ở huyện Quảng Uyên bày tỏ ý kiến.

Ông Jim Merson, Tổng Thư ký của Liên minh ChildFund cho biết: Những phát hiện mới một lần nữa củng cố suy nghĩ rằng trẻ em ở các nước phát triển và đang phát triển đều có những suy nghĩ rất thông minh về cuộc sống của các em. Các em nhận thức rất sâu sắc về xung đột và nguyên nhân dẫn đến bạo lực ở đất nước các em. Là người lớn, chúng ta cần ghi nhớ tầm quan trọng của việc ngăn chặn bạo lực và hãy cùng lắng nghe những điều các em nói”.

Ai là người hùng của các em?

Dù cho rằng bạo lực đa phần là từ các ông bố, trẻ em Việt Nam được khảo sát cho biết gia đình vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với các em. 71% trẻ em Việt Nam được hỏi coi các thành viên trong gia đình như ông bà, cha, mẹ, anh, chị… là những người hùng của các em. Gia đình cũng đồng thời là người hùng của 49% trẻ em ở các nước châu Á, 44% ở các nước đang phát triển và 46% trẻ em trên toàn thế giới.

Thầy cô giáo và huấn luyện viên (7%) cũng đứng đầu trong danh sách những người hùng của trẻ em Việt Nam tham gia khảo sát. "Người hùng của em là cô giáo, bởi vì cô đã dạy cho em biết viết chữ", em Thảo, 12 tuổi, ở Kim Bôi cho biết.

Giáo dục là điều quan trọng nhất đối với trẻ em

53% trẻ em Việt Nam tham gia khảo sát cho rằng được giáo dục tốt là điều rất cần thiết đối với các em và gia đình. Ở trường, em được thầy cô giáo giảng giải cho nhiều điều rất thú vị, em lại được vui chơi với các bạn. Mỗi ngày, em lại thấy mình trưởng thành hơn” - em Quỳnh, 10 tuổi ở Quảng Uyên, Cao Bằng chia sẻ.

Tầm quan trọng của giáo dục cũng được đa số trẻ em trên toàn thế giới ủng hộ (65%), đặc biệt là các nước đang phát triển (72%), ở châu Á (74%) và châu Mỹ (80%).

Ngoài ra, trẻ em Việt Nam cũng cho rằng được đối xử công bằng, không bị phân biệt hay hành hạ (62%) là rất quan trọng đối với trẻ em và gia đình. Nằm trong danh sách những điều quan trọng hàng đầu của trẻ em Việt Nam tham gia khảo sát còn có tiếp cận nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường (58%). Ý kiến này nhận được sự chia sẻ của nhiều trẻ em ở châu Á (42%) và châu Phi (52%).

Hồng Hạnh