Thầy cô giáo viết nhạc, làm thơ dạy trò học Toán

(Dân trí) - "Vinasat đó bay trên bầu trời. Không gian của ta, đất trời của ta. Tự hào Việt Nam, đất nước sáng ngời. Xanh xanh Việt Nam muôn năm hòa bình" - lời bài hát Vinasat - Ngạo nghễ Việt Nam" với hình ảnh quỹ đạo Vinasat minh họa cho bài Toán học về Phương trình đường tròn.

Bài hát "Vinasat - Ngạo nghễ Việt Nam" do vợ chồng thầy Phan Thanh Thuận (giáo viên Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng), cô Bùi Thị Thư (GV Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1, Đà Nẵng) sáng tác và trình bày. Bài hát được thầy Thuận chọn làm nhạc nền cho bài giảng E - Learning về Phương trình đường tròn, với hình ảnh liên tưởng quỹ đạo Vinasat - vệ tinh của Việt Nam, chuyển động theo đường tròn địa tĩnh trong không gian vũ trụ.

Thầy Phan Thanh Thuận, cô Bùi Thị Thư và học trò (ảnh chụp trong ngày cô Thư nhận Giải thưởng Võ Trường Toàn 2017. Cả thầy và cô đều được ngành GD Đà Nẵng xét trao Giải thưởng dành cho các giáo viên có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố)
Thầy Phan Thanh Thuận, cô Bùi Thị Thư và học trò (ảnh chụp trong ngày cô Thư nhận Giải thưởng Võ Trường Toàn 2017. Cả thầy và cô đều được ngành GD Đà Nẵng xét trao Giải thưởng dành cho các giáo viên có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố)

Thầy Thuận, cô Thư đều là giáo viên bộ môn Toán nổi tiếng ở Đà Nẵng bởi sự tận tâm với nghề giáo, được đồng nghiệp tín nhiệm, quý trọng, và đặc biệt được phụ huynh, học trò kính yêu. Bởi thầy cô không chỉ nổi tiếng sáng tạo nhiều mô hình hỗ trợ dạy học Toán, viết nhạc , làm thơ để giúp học trò thẩm thấu kiến thức Toán học; mà trong hơn 30 năm đứng trên bục giảng, thầy cô còn là những "kỹ sư tâm hồn" đã dìu dắt biết bao học trò vượt khó, nên người, thành công trong cuộc sống.

"Cầu Dvor - so - vưi ở nước Nga xa lắm, sao mình không lấy mô hình cầu sông Hàn dạy trò học Toán?"

Trong bài "Hàm số liên tục", sách giáo khoa lấy hình ảnh cây cầu quay Dvor - so - vưi ở Nga để minh hoạ. Thầy Thuận đã nghĩ: "Cầu Dvor - so - vưi ở nước Nga xa lắm, sao mình không lấy mô hình cầu sông Hàn dạy trò học Toán?". Thế là thầy ra cầu quay sông Hàn ở ngay Đà Nẵng, nghiên cứu chế tạo mô hình cầu quay Sông Hàn để thầy cô cùng dùng làm minh họa cho bài giảng môn Toán về "Hàm số liên tục". Thế là, học trò Đà Nẵng đi về ngang qua cầu sông Hàn, lại nhớ kiến thức Toán học, thêm tự hào với công trình kiến trúc đặc biệt ở quê hương mình. Thầy còn sáng tác thơ về cầu quay sông Hàn để học trò dễ "thẩm thấu" kiến thức khi học bài.

Vợ chồng thầy Thuận cô Thư đã tự tìm vật liệu, chế tác nhiều mô hình hỗ trợ dạy Toán trực quan sinh động, giúp học trò nắm bắt kiến thức sâu hơn
Vợ chồng thầy Thuận cô Thư đã tự tìm vật liệu, chế tác nhiều mô hình hỗ trợ dạy Toán trực quan sinh động, giúp học trò nắm bắt kiến thức sâu hơn
Thầy cô giáo viết nhạc, làm thơ dạy trò học Toán - 3
Thầy Thuận với mô hình cầu quay Sông Hàn hỗ trợ cho bài giảng về "Hàm số liên tục" thay cho mô hình cầu quay Dvor - so - vưi trong sách giáo khoa.
Thầy cô còn sáng tác thơ đưa vào giáo án bài giảng Toán học
Thầy cô còn sáng tác thơ đưa vào giáo án bài giảng Toán học

Trong căn nhà nhỏ của thầy cô giáo dạy Toán là một kho mô hình Toán học. Thầy cô đã nghiên cứu, tìm mua những vật liệu phù hợp, có khi cả hai vợ chồng đi khắp các dãy nhà vừa xây xong ven biển nhặt nhạnh gỗ thải để tái chế thành đồ dùng dạy học thêm, ngoài những mô hình mà công ty thiết bị trường học có sẵn. Cả thầy và cô đều từng đoạt nhiều giải thưởng về sáng tạo đồ dùng học tập, thiết kế bài giảng E - Learning từ cấp thành phố đến cấp quốc gia.

Trong mỗi bài giảng của mình, thầy cô luôn lồng ghép bài học về tình yêu quê hương, đất nước, những bài học làm người, cả kiến thức về lịch sử, văn hóa... chứ không riêng những công thức, hình khối trong Toán học. Như câu chuyện mô hình cầu quay sông Hàn hay bài hát Vinasat - Ngạo nghễ Việt Nam" với hình ảnh quỹ đạo Vinasat minh họa cho bài Toán học về Phương trình đường tròn nói trên.

Bài giảng E - Learning về Phương trình đường tròn với phần nhạc nền là ca khúc "Vinasat - Ngạo nghễ Việt Nam" do thầy Thuận, cô Thư sáng tác

"Mỗi một bài giảng, mình gắng lồng ghép như thế, để "mưa dầm thấm đất" cho học trò không chỉ có kiến thức mà còn có tri thức, có đạo đức. Nghề giáo là như thế. Đã chọn nghề này phải hiểu rằng các em học sinh đến trường không chỉ học chữ, các em còn học làm người" - thầy Thuận nói lên tâm tư của cả vợ chồng thầy cô khi đã không quản ngại khó khăn sáng tạo ý tưởng, sáng tạo các mô hình ý nghĩa hỗ trợ công việc giảng dạy bộ môn Toán.

"Ngày ấy không có cô la rầy thì em... xong rồi"

Hơn 30 năm làm "người lái đò", thầy Thuận, cô Thư cũng như bao thầy cô giáo, thầm lặng dõi theo và hạnh phúc khi trò của mình học hành đến nơi đến chốn, trưởng thành.

Nhiều năm đứng trên bục giảng ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên, bên dưới là những học trò "quậy trời sợ" có, hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn có, học lực hạn chế có, cô Thư luôn tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư để gần gũi, động viên, uốn nắn các em.

Cô Thư, thầy Thuận kể về những kỷ niệm tình thầy trò

Cả thầy cô đều đã theo nghiệp người lái đò hơn 30 năm, dìu dắt biết bao thế hệ học trò và đón nhận nhiều tình cảm kính yêu của khách sang sông
Cả thầy cô đều đã theo nghiệp "người lái đò" hơn 30 năm, dìu dắt biết bao thế hệ học trò và đón nhận nhiều tình cảm kính yêu của "khách sang sông"

Rất nhiều năm rồi, thầy cô vẫn nhớ một trò học rất khá, nhưng hoàn cảnh khó khăn, ban ngày em đi giúp việc nhà, đỡ gánh mưu sinh cho cha mẹ, ban đêm em đến trường học. Muốn bồi dưỡng học trò, cô Thư đến gặp, nói chuyện để mẹ em đừng bắt em nghỉ học, và đưa đón học trò đến trường học. Biết em học sinh ban ngày đi làm không có thời gian, cô Thư tranh thủ dạy thêm cho học trò trong giờ giải lao giữa buổi học. "Bây giờ, em ấy rất thành công" - cô Thư kể, ánh mắt cô giáo lấp lánh niềm vui

Cô Thư nhớ những em học khá, nhớ cả những em nghịch quậy. Cô nhớ, có lần, một học trò cũ thưa với cô rằng: "Ngày ấy không có cô la rầy thì em ... xong rồi". Một câu nói đó thôi của "khách sang sông đủ ấm lòng "người lái đò".

"Đó là một học trò cá biệt. Cô phải quan tâm, nhắc nhở, la rầy hoài. Nay đã học tới nơi tới chốn, có công ăn việc làm ổn định ở cơ quan Nhà nước đàng hoàng. Khi cô la rầy, các em còn nhỏ, có thể chưa hiểu và giận cô cũng chịu. Nhưng mình phải biết vừa nghiêm khắc, song cũng biết "mở lối" đúng hướng để các em tiến bộ.

Cô cũng như thầy những mong sau này, các em hiểu như em học trò cá biệt ấy, mong các em trưởng thành, có gia đình rồi, biết cách dạy con mình nên người, thành công trong cuộc sống không chỉ với hành trang tri thức mà còn với cả những bài học làm người" - cô Thư nói

Còn thầy Thuận vẫn nhớ khi gặp học trò vẫn nhắc từ những năm rất xưa, có những học trò học bổ túc ban đêm, đi bằng xe đạp mà từ nhà đến trường xa lắm. Vậy là thầy cô cứ động viên: "Các em cố lên!" mỗi khi nhìn theo học trò dắt xe tan trường. Còn cô thì dặn dò các bạn nữ khi đi học về khuya phải rủ nhau đi từng nhóm đông, vì đường về vừa xa vừa vắng, ngày đó lại chưa có đèn đường.

Bây giờ, thầy Thuận kể, những ngày như Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm, học trò tìm về thăm thầy cô nhiều lắm. Có khi thầy phải dẹp vách ngăn tường, sắp xếp nhà cửa sao cho có đủ chỗ cho học trò về thăm. Cô Thư thì vào bếp nấu đãi học trò. Nhà của thầy cô giáo là một căn nhà nhỏ nhưng đầy ắp yêu thương, đầy ắp tiếng cười với bao nhiêu kỷ niệm tình thầy trò trong những ngày đặc biệt như Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày Tết.

Khánh Hiền